Sáng nay 3-6, Đồng Nai tổ chức lễ phát động Tuần lễ Đồng Nai xanh và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6). Với chủ để Giải pháp cho ô nhiễm nhựa, sự kiện năm nay phát đi thông điệp chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Sáng nay 3-6, Đồng Nai tổ chức lễ phát động Tuần lễ Đồng Nai xanh và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6). Với chủ để Giải pháp cho ô nhiễm nhựa, sự kiện năm nay phát đi thông điệp chung tay đánh bại ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Rác thải nhựa được thầy, trò Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh) thu gom tái chế gạch sinh thái. Ảnh: H.Lộc |
Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách tiết giảm, tăng tái chế và tái sử dụng sản phẩm nhựa là giải pháp cấp bách hiện nay.
* “Ô nhiễm trắng” ngày càng nghiêm trọng
Việt Nam hiện đứng thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới. Lượng chất thải nhựa và túi ny-lông thải bỏ ở nước ta xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các cam kết; các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm chất thải nhựa và túi ny-lông, song “ô nhiễm trắng” vẫn ở mức báo động. Nguyên nhân được cho là ý thức và thói quen sử dụng các sản phẩm bao bì dùng một lần của người dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là thương mại điện tử làm mua sắm trực tuyến tăng nhanh, kéo theo đó là chất thải nhựa. Trong khi đó, công tác thu gom chất thải vẫn còn những hạn chế. Xử lý chất thải chủ yếu chôn lấp và đốt, chưa tái chế nhiều.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở TN-MT, bình quân mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hơn 2 ngàn tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải nhựa bao gồm: túi ny-lông, hộp xốp và sản phẩm nhựa dùng một lần… chỉ đứng sau chất thải thực phẩm. Phần lớn chất thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu du lịch, khu vực công cộng chưa được phân loại. Thêm vào đó, quá trình thu gom, xử lý chất thải còn những hạn chế nhất định dẫn đến gia tăng diện tích đất chôn lấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Để góp phần cân bằng môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, Đồng Nai đang quyết tâm trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn đến năm 2025. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. |
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, bình quân mỗi năm lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh tăng 5-7%. Đáng chú ý, những năm gần đây, thương mại điện tử và dịch vụ đồ ăn sẵn phát triển làm lượng rác thải thực phẩm, túi ny-lông, hộp xốp tăng nhanh. Chất thải nhiều, kết hợp với việc chưa duy trì thường xuyên việc phân rác loại tại nguồn dẫn đến tốn kém chi phí xử lý, lãng phí nguồn tài nguyên rác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, rác thải nhựa mang đến nhiều nguy hại môi trường và sức khỏe con người. Đồng Nai là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, nhưng rác thải ở các tuyến đường từ quốc lộ đến xã lộ vẫn còn nhiều. Đặc biệt, sau mỗi trận mưa lớn, các kênh mương, cống thoát nước đầy rác thải nhựa. Điều này vừa tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, vừa gây ra tình trạng ngập nước làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cần có các giải pháp để ngăn chặn, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
* Mô hình “3T” với sản phẩm nhựa
Để giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Trong đó, đáng chú ý là Chỉ thị số 54 năm 2020 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2030 năm 2022 của UBND tỉnh; mô hình hơn 300 khu dân cư, CLB bảo vệ môi trường của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để phong trào chống rác thải nhựa lan tỏa mạnh mẽ từ công sở đến cộng đồng, tại các cơ quan, đơn vị phải hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa dùng một lần trong hội họp. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng chuyển sang dùng túi ny-lông sinh học. Người dân cần duy trì thói quen phân loại rác. Những việc làm này cần được khuyến khích để giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Giảm thiểu rác thải nhựa không phải ngày một ngày hai mà cần ý thức và sự kiên trì của mỗi người. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho hạ tầng để hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải được nhiều nhất. Sớm áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn. Tăng thuế và phí môi trường đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa, bao bì khó phân hủy dùng một lần.
Ông Bùi Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho biết, mới đây công ty trở thành thành viên của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam. Sản phẩm tái chế chủ yếu của công ty hiện nay là nhựa thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Ngoài ra, còn có dầu nhớt, bùn thải, bóng đèn. Ông Hùng kiến nghị quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải cả sinh hoạt lẫn công nghiệp của các đơn vị kinh doanh dịch vụ môi trường. Tạo điều kiện cho các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Trần Văn Thân, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành chia sẻ, đô thị hóa, gia tăng dân số và phát triển công nghiệp làm lượng rác thải trên địa bàn huyện tăng nhanh. Việc phối hợp với Sở TN-MT tổ chức lễ phát động Tuần lễ Đồng Nai xanh và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là một trong những hoạt động truyền thông nhằm kêu gọi toàn thể người dân, học sinh - sinh viên, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại chất thải, thực hiện mô hình “3T” (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế chất thải) với sản phẩm nhựa.
Hoàng Lộc
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai:
Trong điều kiện hiện nay, túi ny-lông sinh học và công nghệ tái chế còn hạn chế thì giải pháp giảm rác thải nhựa là giảm nhu cầu sử dụng. Thay vì mỗi lần đi chợ dùng 3-4 túi ny-lông thì giảm lại, vệ sinh để tái sử dụng 2-3 lần. Sau khi sử dụng xong thì phân loại để tái chế nhựa. Về lâu dài, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền ý thức sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong nhân dân. Các cơ sở sản xuất bao bì nhựa thay đổi nguyên liệu, công nghệ sản xuất để có thể kéo dài vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng, công nghệ cho tái chế chất thải.
Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai:
Trồng cây xanh là giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm. Trong giai đoạn 2022-2025, Quỹ sẽ tài trợ 5 tỷ đồng cho Sở NN-PTNT mua cây giống thực hiện đề án trồng 20 triệu cây xanh của UBND tỉnh. Quỹ sẽ cập nhật kế hoạch, việc tổ chức trồng và tỷ lệ cây sống. Bên cạnh đó, Quỹ cũng tài trợ cho các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường như: cuộc thi mô hình ý tưởng sống xanh, vẽ tranh đa dạng sinh học, truyền thông phân loại rác tại nguồn...
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Visual Plastic:
Chúng tôi đang sản xuất bao bì nhựa cho các doanh nghiệp: Nestlé, Pepsico, laVie, Ajinomoto… Theo yêu cầu của đối tác, đồng thời thực hiện chủ trương của Hiệp hội Nhựa Việt Nam và UBND tỉnh, công ty đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu hạt nhựa nhập ngoại có khả năng tái chế cao. Đối với các nhãn mác, nhựa nguyên liệu cũng được pha trộn với các thành phần dễ tái chế. Ngoài ra, công ty hỗ trợ hoạt động thu hồi và tái chế bao bì nhựa. Trong quá trình sản xuất, công ty hạn chế thấp nhất việc phát sinh rác thải nhựa cần xử lý.
Lê An