Các kênh bán lẻ truyền thống nói chung và chợ truyền thống nói riêng đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, cũng như các hình thức thương mại điện tử. Ngoài ra, các điểm kinh doanh tự phát cũng là lý do khiến cho sức mua tại nhiều chợ truyền thống, nhất là các chợ ở đô thị bị sụt giảm.
Các kênh bán lẻ truyền thống nói chung và chợ truyền thống nói riêng đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, cũng như các hình thức thương mại điện tử. Ngoài ra, các điểm kinh doanh tự phát cũng là lý do khiến cho sức mua tại nhiều chợ truyền thống, nhất là các chợ ở đô thị bị sụt giảm.
Đồ họa thể hiện kết quả khảo sát người tiêu dùng về xu hướng lựa chọn nơi mua các nhóm ngành sản phẩm: thực phẩm, đồ uống và hóa mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh... do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện trong cuộc khảo sát, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 (Đồ họa: Hải Hà) |
Khi số lượng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã phủ đủ rộng, giá cả cũng trở nên cạnh tranh, hình thức kinh doanh hiện đại thể hiện ưu thế rõ rệt, còn các kênh bán lẻ truyền thống đang dần “hụt hơi”.
Sức mua ngày càng sụt giảm
Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa về mặt công nghệ đã giúp gia tăng sức mua, tạo ra những hình thức tiêu dùng mới như: chuỗi bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, đặc biệt sự nở rộ của bán hàng trực tuyến (online) trên các sàn thương mại điện tử, cho đến mạng xã hội... đã khiến cho chợ truyền thống ngày một “thất thế”.
Những điều này khiến cho nhiều sạp, quầy hàng tại các chợ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là các sạp hàng về quần áo, giày dép, mỹ phẩm… thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí do thua lỗ, nhiều tiểu thương đã bỏ, sang nhượng lại sạp…
Theo Sở Công thương, hiện nay toàn tỉnh có 138 chợ đang hoạt động trong quy hoạch. Trong đó, có 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 101 chợ hạng III. Phân theo địa bàn, có 47 chợ ở thành thị và 91 chợ ở nông thôn. |
Chị Nguyễn Thị Oanh, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị kinh doanh tại chợ hơn 11 năm nay. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, sức mua tại sạp giảm dần qua từng năm. Hiện nay sức mua giảm khoảng 50% so với trước dịch Covid-19. Sức mua giảm nên sạp thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm…
Nhìn chung, hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp; không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, hẹp. Những điều này khiến cho nhiều mô hình chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ gặp những khó khăn, vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Long Thành (H.Long Thành) cho biết, sạp của ông hiện chủ yếu cung cấp hàng hóa theo dạng sỉ cho các mối quen, trong khi đó khách vãng lai đến mua lẻ giảm khoảng 60-70% từ sau dịch Covid-19. Trong năm, các sạp hàng bán lẻ thường chỉ sôi động ở những tháng cận Tết Nguyên đán, thời gian còn lại khá vắng người mua.
“Sức mua tại các sạp hàng giảm là do cạnh tranh gắt gao với các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hình thức mua sắm online ngày càng nở rộ…” - ông Nhân chia sẻ.
Trưởng ban Quản lý chợ Sặt (TP.Biên Hòa) Phạm Hồng Dương chia sẻ, chợ chủ yếu cung ứng các sản phẩm đồ khô, các loại thực phẩm. Nhìn chung, số lượng sạp hàng tại chợ hiện vẫn được duy trì khá ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sức mua, lượng khách lẻ tại chợ bị ảnh hưởng khá nhiều khi các kênh bán lẻ hiện đại phát triển, thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi. So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua lẻ tại chợ giảm khoảng 30%.
Đối mặt nhiều khó khăn
Hiện nay, các cửa hàng bán lẻ hiện đại được mở ra liên tục để đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm, tiêu dùng nhanh, giá thành cũng trở nên cạnh tranh hơn. Điều này thể hiện trong cuộc chiếc “chốt” giỏ hàng của người tiêu dùng hiện nay là việc kinh doanh hiện đại, đa kênh an toàn chiếm ưu thế rõ rệt.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm rau củ quả tại một sạp hàng ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). (Ảnh Hải Hà) |
Bà Ngọc Châu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, những năm gần đây, gia đình bà quan tâm đến việc tiêu dùng xanh - sạch mà vẫn tiện lợi và đảm bảo sức khỏe. Với áp lực dân cư đông đúc, thị trường “vàng thau lẫn lộn” nên bà thường lựa chọn mua sắm ở siêu thị hoặc những cửa hàng thực phẩm sạch hơn là vào mua sắm tại các chợ.
Các mô hình chợ truyền thống đang gặp những khó khăn khác nhau. Một số chợ sau khi đưa vào hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tình trạng các điểm kinh doanh tự phát có tính chất như chợ gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị… vẫn còn xảy ra.
Đơn cử, theo UBND TP.Biên Hòa, chợ KP.1, P.Bửu Long với diện tích hơn 3,7 ngàn m2, sau gần 15 năm đi vào hoạt động, đến nay chỉ có 52/280 điểm đang có tiểu thương kinh doanh. Đơn vị đầu tư và kinh doanh khai thác chợ đã tổ chức vận động, kêu gọi tiểu thương vào kinh doanh nhằm tăng mãi lực cũng như phát huy hiệu quả đầu tư nhưng hiện tại nhiều tiểu thương vẫn chưa vào buôn bán dù đơn vị đầu tư và khai thác chợ vẫn đang chấp nhận bù lỗ, giữ nguyên hiện trạng chợ.
Ngoài ra, hình thức mua sắm ở các chợ nói chung và các sạp hàng tạp hóa truyền thống nói riêng đang ngày một lép vế khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang các hình thức mua bán hiện đại để tránh tiếp xúc trực tiếp quá nhiều giữa người mua - người bán, cũng như dần hướng tới các kênh mua hàng trực tuyến. Trong khi đó, nhiều tiểu thương ở các chợ vẫn còn chậm chân với các xu hướng tiêu dùng mới do đã lớn tuổi, ngại thay đổi, ít cập nhật các xu hướng công nghệ.
Bà Hoàng Thị Thu, chủ một sạp quần áo ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Do lớn tuổi nên tôi cũng chủ yếu duy trì bán tại sạp dù sức mua thời gian qua giảm khá nhiều, còn về việc tiếp cận công nghệ, phát triển mô hình bán hàng online thì các tiêu thương đã lớn tuổi như tôi gặp nhiều khó khăn”.
Hoàng Hải