Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho xã hội hóa y tế

07:04, 17/04/2023

Giai đoạn 2007-2018, công tác xã hội hóa (XHH) y tế trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua đó, diện mạo ngành Y tế Đồng Nai có nhiều thay đổi tích cực.

Giai đoạn 2007-2018, công tác xã hội hóa (XHH) y tế trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua đó, diện mạo ngành Y tế Đồng Nai có nhiều thay đổi tích cực.

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh tại Khu Khám, điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh tại Khu Khám, điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Tuy nhiên gần đây, công tác XHH y tế gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được khơi thông.

Đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, thực hiện các nghị định, nghị quyết của Chính phủ liên quan đến XHH y tế; Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, công tác XHH y tế trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận.

Đối với hệ thống y tế ngoài công lập ở giai đoạn này cũng phát triển mạnh mẽ với hơn 3 ngàn cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Trong đó có 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân với số tổng cộng 1.980 giường bệnh nội trú; hơn 60 phòng khám đa khoa. Hầu hết các bệnh viện và nhiều phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh có sự đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như: Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai; Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, Bệnh viện Âu Cơ…

Với hệ thống y tế công lập, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được phép XHH hoạt động y tế theo các hình thức: huy động vốn của cán bộ, nhân viên trong đơn vị; vay vốn các tổ chức tín dụng để đầu tư; liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài ngành y tế để thực hiện dự án XHH. Từ đó, nhiều loại trang thiết bị, máy móc hiện đại đã được các bệnh viện đầu tư. Phải kể đến như hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhiều thông số, hệ thống máy chụp CT- Scaner, hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy xạ trị, các máy siêu lọc máu.

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, nhờ có nhiều loại máy móc hiện đại mà bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao. Nhiều bệnh lý trước đây phải chuyển lên tuyến trên như: ung bướu, tim mạch, huyết học đã giảm hẳn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người bệnh và nâng tầm vị thế của bệnh viện.

Ngoài ra, một số bệnh viện công lập đã đưa vào hoạt động khu KCB dịch vụ theo yêu cầu. Do có thêm nguồn thu nên các bệnh viện tích lũy được quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực y tế tại đơn vị. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có cơ hội được tiếp cận với các phương tiện, máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến. Vì thế mà kiến thức chuyên môn, tay nghề cũng được nâng lên.

Một số khó khăn, vướng mắc

Nghị quyết 20/NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu rõ: “Đẩy mạnh XHH, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, đa dạng hoá các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật”. Chủ trương là thế nhưng khi thực hiện, công tác XHH y tế vẫn gặp phải nhiều khó khăn, bất cập.

Đó là việc thiếu minh bạch trong tài sản công - tư; những vấn đề về trang thiết bị y tế, quy định về sự thụ hưởng của người bệnh; sự lạm dụng, phân biệt giữa các trang thiết bị y tế trong bệnh viện, băn khoăn của nhà đầu tư về đồng vốn đã bỏ ra…

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho hay: “UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thủ tục chuyên ngành y tế, GD-ĐT, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường… để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực, đối tượng XHH theo quy định”.

Để tháo gỡ phần nào khó khăn trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-BYT ngày 28-9-2018 bãi bỏ Thông tư số 15 năm 2007. Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không được phép thực hiện các hình thức trong Thông tư số 15 của Bộ Y tế, đặc biệt là hình thức liên doanh liên kết trong các cơ sở KCB.

“Từ năm 2019 đến nay, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh không thực hiện được công tác XHH y tế. Chỉ còn 3 bệnh viện đang thực hiện khu KCB dịch vụ theo yêu cầu là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không phát triển thêm được bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân nào, chỉ phát triển thêm được 20 phòng khám đa khoa, 50 phòng khám chuyên khoa và hơn 200 cơ sở hành nghề kinh doanh dược” - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung chia sẻ.

Ngoài ra, công tác XHH y tế gặp phải một số hạn chế khác như: Luật KCB cũng như các văn bản pháp lý còn thiếu chặt chẽ, chưa có quy định cụ thể để tính phần đóng góp của bệnh viện trong đề án liên kết. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ KCB theo yêu cầu. Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và Nhà nước.

Một thực tế nữa là các bệnh viện tư nhân chỉ tập trung tại TP.Biên Hòa do có nhiều điều kiện thuận lợi. Còn ở những huyện khác rất cần XHH thì lại khó thu hút được đầu tư, dẫn đến khó khăn trong quy hoạch hệ thống y tế ngoài công lập…

Công khai, minh bạch các chính sách để thu hút đầu tư

Tại cuộc họp liên quan đến công tác XHH trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, XHH là giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.

Do đó, phải làm sao để ngày càng nâng cao tỉ trọng nguồn lực xã hội trên các lĩnh vực. Quan điểm là cái gì xã hội không làm được thì Nhà nước làm, cài gì xã hội làm được thì khuyến khích làm. Không thay thế mà bổ sung để hạ tầng xã hội ngày càng tốt hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Phải chuyển đổi dần từ công sang tư để đáp ứng nhu cầu của xã hội, gắn với công tác tinh giản biên chế của các đơn vị sự nghiệp. Phải xây dựng được các mục tiêu rõ ràng về XHH.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện chủ trương XHH trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2025. Trong đó, chỉ rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương. Các vấn đề về quy hoạch, đất đai, đấu thầu, chọn nhà đầu tư, cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý minh bạch, ban hành chế độ miễn giảm tiền thuê đất cho phù hợp với giai đoạn mới. Cần công khai danh mục, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi XHH trên địa bàn tỉnh hàng năm và danh mục dự án để chủ động thu hút các nhà đầu tư, không được thụ động. Song song với hoạt động XHH phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, không được để lãng phí nguồn lực.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều