Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay dẹp giết mổ động vật không phép

08:04, 15/04/2023

Dù các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động giết mổ động vật không phép, nhưng qua nhiều năm tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Dù các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động giết mổ động vật không phép, nhưng qua nhiều năm tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trên địa bàn Đồng Nai hiện vẫn còn tồn tại hơn 100 cơ sở giết mổ động vật không phép, gây ảnh hưởng trực tiếp đến những cơ sở giết mổ được cấp phép đầy đủ và đầu tư bài bản.

Thời gian qua, nhiều cơ sở giết mổ động vật tập trung được cấp phép, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Đồng Nai đã phải đóng cửa vì không có thương lái mang gia súc, gia cầm đến giết mổ. Đây là một nghịch lý mà nhiều năm qua tỉnh chưa xử lý được.

Trên thực tế, mỗi khi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động giết mổ động vật không phép thì tình hình tạm lắng, vì các cơ sở giết mổ không phép tạm đóng cửa. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau khi lực lượng chức năng rút đi thì các cơ sở giết mổ không phép hoạt động trở lại. Các điểm giết mổ không phép này tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Định Quán, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa…

Sở dĩ các cơ sở giết mổ không phép trên địa bàn tỉnh vẫn ngang nhiên hoạt động là vì các quy định pháp luật về xử phạt hành vi này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Khi phát hiện các cơ sở giết mổ không phép, lực lượng chức năng chủ yếu lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt chỉ vài triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là toàn bộ số thịt giết mổ không phép được đem luộc lên rồi trả lại.

Có ý kiến cho rằng, muốn dẹp được tình trạng giết mổ không phép thì Nhà nước phải tăng biện pháp chế tài, phải tịch thu toàn bộ sản phẩm gia súc, gia cầm giết mổ không phép và đưa đi tiêu hủy. Đồng thời, các địa phương phải siết chặt công tác quản lý, kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm giết mổ không phép thì mới dẹp  được. Bởi các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thường hoạt động lúc nửa đêm về sáng, việc vận chuyển ra vào thường xuyên nên nếu các khu phố, ấp để ý sẽ phát hiện được ngay.

Ngoài ra, muốn dẹp hoạt động giết mổ động vật không phép tận gốc thì người tiêu dùng cũng cần chung tay bằng cách không sử dụng những sản phẩm gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú ý. Như vậy, những người giết mổ không phép không bán được hàng sẽ phải vào những cơ sở giết mổ tập trung để giết mổ gia súc, gia cầm. Quản lý chặt được từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và đưa sản phẩm thịt ra thị trường sẽ đảm bảo được sức khỏe của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, tình trạng giết mổ động vật không phép còn tràn lan ra các chợ tạm, chợ tự phát ở những khu dân cư đông người tại các huyện, thành phố. Mà theo khuyến cáo của ngành thú y thì đa số dịch bệnh được truyền từ động vật sang người. Do đó, nếu chính quyền địa phương không quản lý chặt, không cương quyết dẹp hết giết mổ không phép và người tiêu dùng còn chưa nói không với những sản phẩm này thì nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ còn đất để tồn tại. 

 Khánh Minh

 

Tin xem nhiều