Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch giữa làn sóng chuyển đổi số

07:11, 05/11/2022

Cũng như các ngành kinh tế khác, các doanh nghiệp (DN), nhà quản lý du lịch đang tạo những kênh truyền thông trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) nhằm quảng bá sản phẩm du lịch của mình trên không gian số.

Cũng như các ngành kinh tế khác, các doanh nghiệp (DN), nhà quản lý du lịch đang tạo những kênh truyền thông trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) nhằm quảng bá sản phẩm du lịch của mình trên không gian số.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm áp dụng khoa học công nghệ trong quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch. Ảnh: N.Liên
Đại diện các doanh nghiệp du lịch Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm áp dụng khoa học công nghệ trong quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch. Ảnh: N.Liên

Chuyển đổi số (CĐS) giúp DN du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trước xu hướng sử dụng công cụ tìm kiếm là các kênh “truyền thông số” như: Facebook, TikTok, YouTube và các kênh thông tin tổng hợp. Do đó, các DN du lịch, điểm đến phải có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tốt môi trường, không gian số, tạo đà phát triển du lịch bền vững.

* Trải nghiệm sản phẩm du lịch trên nền tảng số

Du lịch là ngành đặc thù, mỗi sản phẩm du lịch phải có tính đặc trưng. Sản phẩm du lịch là chuỗi liên kết từ cung cấp dịch vụ vui chơi, danh thắng… đến các địa điểm ăn uống, lưu trú.

Để nâng cao trải nghiệm người dùng trên không gian số, mọi khâu trong chuỗi sản phẩm du lịch phải bảo đảm chất lượng tốt, liên kết chặt chẽ, hình ảnh, video quảng bá sản phẩm phải tương đương với thực tế bên ngoài, tạo niềm tin với du khách, còn bên cung cấp xây dựng được niềm tin, tăng kết nối với nhiều đối tượng khách hàng ở cả trong và ngoài nước.

Tại Đồng Nai, những năm gần đây, phần lớn DN du lịch, điểm đến trên địa bàn tỉnh đã ý thức và khai thác khá hiệu quả việc quảng bá du lịch trên nền tảng số. Một số kênh quảng bá du lịch của tỉnh như: cổng thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, ứng dụng trên thiết bị di động (DongNai Tourism).

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề liên quan đến CĐS cho ngành Du lịch. Kế hoạch phát triển chung của ngành Du lịch nhấn mạnh, phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: mỗi DN du lịch là một DN ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng DN công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và CĐS lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành Du lịch.

Trong đó, một số DN đã ghi dấu ấn tên tuổi và sản phẩm du lịch của mình trên thị trường du lịch số như: Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure, Khu du lịch Suối Mơ, Bửu Long, Bò Cạp Vàng… Với thế mạnh du lịch sinh thái, trải nghiệm, mạo hiểm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, nhiều đơn vị khai thác những điểm đến nói trên đã góp phần làm thị trường du lịch Đồng Nai trở nên sôi động. Du lịch Đồng Nai nhờ đó cũng tạo được sức hút và phát triển mạnh hơn trên không gian số.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure Thân Văn Linh cho biết, hiện nay ngoài việc tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch của công ty trên kênh YouTube, Facebook, website của DN, Trị An Adventure còn kết nối với các kênh truyền hình, truyền thông tổ chức những buổi dã ngoại, quay phóng sự về du lịch để quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Nai.

Sự thích ứng năng động đó đã mang về cho DN của ông mức tăng trưởng khá hằng năm. Thậm chí, ngay trong những năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vào những thời điểm du lịch hé mở, DN của ông vẫn tăng trưởng do có những sản phẩm phù hợp với tình hình, đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn cho du khách.

Cũng như các DN, du lịch nông thôn, nông nghiệp là lĩnh vực phát triển mạnh trong những năm gần đây. Để bắt kịp nhịp sóng CĐS, người nông dân cũng không nằm ngoài xu thế này. Do đó, khi đến tham quan tại các điểm du lịch khu vực nông thôn, nhiều khách du lịch được cung cấp thông tin điểm đến qua tra cứu thông tin bằng sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR.

Chị Trần Thị Ái Như (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trong dịp tham quan Tuần lễ Tôn vinh trái cây tại TP.Long Khánh vào tháng 6-2022, chị thích thú với những tiến bộ của nông dân khi thông tin về các loại trái cây được tìm dễ dàng thông qua mã QR. Do đã quen với thao tác quét mã QR thời gian chống dịch nên khi thấy mã vạch về du lịch, chị Như ấn tượng và truy cập thông tin các sản phẩm nông nghiệp dễ dàng.

“Tôi mong muốn ngày càng có nhiều điểm đến du lịch sử dụng mã QR để phục vụ du khách, những ứng dụng này cung cấp thông tin nhanh, đầy đủ và dễ truy cập nên có thể phù hợp với mọi đối tượng tham gia” - chị Như cho biết.

* CĐS là “chuyện sống còn” của ngành Du lịch

Là ngành kinh tế rất cần sự quảng bá, tuyên truyền để thu hút du khách nên thời gian qua, ngành Du lịch đã chủ động và tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ. Ngành Du lịch đã xác định mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, DN cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước, cũng là hướng đi hiệu quả cho sự phát triển bền vững, Đồng Nai vẫn đang tích cực thực hiện chiến lược chuyển đổi trên.

Vườn quốc gia Cát Tiên, một trong những điểm đến nổi tiếng trên không gian mạng
Vườn quốc gia Cát Tiên, một trong những điểm đến nổi tiếng trên không gian mạng

Ngoài những kế hoạch riêng của từng đơn vị, cơ quan, vừa qua Sở VH-TTDL kết hợp với Sở KH-CN tổ chức hội nghị về chủ đề Phát triển du lịch dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của các chuyên gia du lịch, công nghệ thông tin, các DN hoạt động lĩnh vực du lịch và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Đây là buổi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch giữa các chuyên gia, DN, nhà quản lý và sinh viên đang theo học ngành này tại các trường đại học, cao đẳng.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đang có bước chuyển đổi lớn khi quyền lực của khách hàng lớn hơn rất nhiều so với các đơn vị cung ứng du lịch. Do đó, các nhà cung ứng phải có sự thay đổi về chất lượng sản phẩm, cách tiếp cận du khách nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng thông qua quảng bá trên các ứng dụng công nghệ số như: Facebook, YouTube, TikTok…

Theo bà Bình, hội nghị phát triển du lịch dựa trên nền tảng KHCN sẽ góp phần nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, giúp DN có thêm nhiều ý tưởng mô hình kinh doanh mới và độc đáo, khai thác lợi thế địa phương, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Đồng Nai.

Giám đốc Sở KH-CN LẠI THẾ THÔNG cho biết, Sở KH-CN đang kết nối với nhiều DN hỗ trợ xây dựng những kênh quảng bá, giới thiệu cho DN trên nền tảng KHCN. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kết nối với các chuyên gia về công nghệ tăng cường các buổi gặp gỡ, trao đổi và hỗ trợ DN có nhu cầu tham gia các sàn giao dịch điện tử trên không gian mạng.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều