Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý các fanpage gặp khó vì thiếu quy định

03:10, 17/10/2022

Trên mạng xã hội Facebook tồn tại hàng loạt các fanpage gắn với cái tên Đồng Nai và các địa phương, hằng ngày cập nhật rất nhiều thông tin nhưng lại đang thiếu chế tài quản lý.

Trên mạng xã hội Facebook tồn tại hàng loạt các fanpage gắn với cái tên Đồng Nai và các địa phương, hằng ngày cập nhật rất nhiều thông tin nhưng lại đang thiếu chế tài quản lý.

Một fanpage có nhiều người theo dõi hằng ngày đưa nhiều thông tin về Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA
Một fanpage có nhiều người theo dõi hằng ngày đưa nhiều thông tin về Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA

Nhiều thông tin trên các fanpage gây hiểu nhầm cho cộng đồng, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan đơn vị, thậm chí âm thầm thu tiền quảng cáo, bảo trợ thông tin không đúng quy định rất cần được siết chặt và xử lý nghiêm.

Fanpage “mọc như nấm”

Người sử dụng mạng xã hội Facebook tại Đồng Nai vốn đã quen với nhiều fanpage có lượng người theo dõi “khủng” lên đến vài chục ngàn, vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu người... Trong số này có fanpage N.Đ.N và B.H.Y… Bên cạnh đó, hầu hết các huyện, thành phố đều có 1 thậm chí nhiều fanpage mang tên địa phương mình, hằng ngày phát tán hàng chục thông tin, hình ảnh “thập cẩm” thiếu kiểm chứng.

Thậm chí tên, logo nhận diện của nhiều cơ quan nhà nước cũng bị lấy đặt tên và làm ảnh đại diện cho các fanpage do các cá nhân không rõ danh tính lập nên. Một số trang còn mạo nhận là trang thông tin chính thức của cơ quan, đơn vị nhưng các thông tin được đưa lên lại không liên quan đến hoạt động của các đơn vị; có nhiều thông tin, hình ảnh mang tính chất phản cảm, bạo lực được đăng tải để “câu view” đối với người sử dụng mạng xã hội.

Phó giám đốc Sở TT-TT GIANG THỊ THU NGA:

Cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động các fanpage

Sở TT-TT với vai trò là cơ quan quản lý thông tin - truyền thông tại địa phương đã nhận thấy những bất cập khi các fanpage liên quan đến địa phương nở rộ, trong đó có những thông tin chưa được kiểm chứng, có thể gây hiểu nhầm trong dư luận. Sở sẽ kiến nghị với Bộ TT-TT ban hành quy định rõ hơn từ việc thành lập các trang, đặt tên các trang cũng như việc đưa thông tin lên các trang.

Chẳng hạn với công trình di tích Thành kèn Biên Hòa (tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã được tỉnh đầu tư một số tiền lớn để trùng tu lại khang trang từ năm 2014. Thế nhưng fanpage B.H.Y mới đây vẫn đăng các hình ảnh kèm theo nội dung công trình này hiện vẫn trong cảnh hoang tàn. Nhiều người theo dõi trang này do không nắm được thông tin đã có những lời bình luận, phê phán sự thiếu quan tâm, để hoang phế một di tích có giá trị về lịch sử văn hóa. Một số người theo dõi khác phê bình quản trị trang đưa thông tin không đúng sự thật nhưng quản trị trang vẫn không gỡ nội dung đã đăng.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội hiện nay đã không có sự phân biệt rõ ràng, đâu là những fanpage chính thức của các cơ quan đơn vị lập ra, đâu là những trang do các cá nhân tự lập ra nhưng lại “gắn mác” địa phương, ngành, lĩnh vực.

 Ông Trần Thanh Phong (ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi có đăng ký theo dõi một số fanpage có tên địa danh Đồng Nai. Hằng ngày, các trang này cập nhật tin tức, hình ảnh tôi đều được nhận thông báo và đọc. Thời gian đầu tôi nghĩ đó là những trang được chính thức của các cơ quan nhà nước nhưng sau này tôi mới biết không phải như vậy”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) thì cho hay, một số fanpage trên mạng xã hội chuyên đưa tin tức, hình ảnh về Đồng Nai và chị thường nhận thông báo qua tài khoản facebook cá nhân. Bên cạnh những nội dung, thông tin thú vị, bổ ích thì cũng có khá nhiều thông tin, hình ảnh “rẻ tiền”. Nhiều bình luận của người theo dõi thường buông lời tục tĩu và phản cảm. Có thông tin được đăng lên nhưng sau đó lại bị gỡ đi khiến chị nghi ngờ về tính xác thực.

Khó xử lý vì thiếu chế tài

Không ít cơ quan, đơn vị và cá nhân đã bị ảnh hưởng bởi các fanpage được lập tự do trên mạng xã hội Facebook. Chủ một cơ sở giáo dục tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây cơ sở giáo dục của anh thường xuyên bị đưa hình ảnh lên các fanpage và một số trang cộng đồng với những thông tin không chính xác. Những thông tin như vậy đã làm nhiều phụ huynh có con học tập tại trường hoang mang. Nhà trường đã phải giải thích rất nhiều về những thông tin không đúng này. Ngoài ra, những thông tin đó còn làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Một chủ một cơ sở giáo dục (ở P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, để hạn chế những thông tin bất lợi đến hoạt động của cơ sở giáo dục, thời gian qua, ông đã phải “hợp tác” bảo trợ truyền thông với 1 fanpage và 1 trang cộng đồng trên mạng xã hội, phí trả cho 2 trang này lên đến gần 10 triệu đồng/tháng. Ông P. cho biết: “Tôi chịu bỏ tiền phí mỗi tháng, chỉ cần những fanpage này đừng đưa những thông tin hay hình ảnh về hoạt động của cơ sở giáo dục chúng tôi là được. Nếu thông tin tốt thì không sao nhưng thông tin không tốt thì lập tức nhận hàng tấn “gạch đá” của cộng đồng mạng”.

Trong khi đó, anh Phan Quốc Vũ (ở P.An Bình, TP.Biên Hòa) bức xúc cho biết, căn nhà của anh nằm gần với một khu nhà liên kế cần bán. Thay vì quảng cáo những căn nhà cần bán, một số “cò đất” thường xuyên chụp ảnh chính căn nhà của anh Vũ đưa lên fanpage Bất động sản Đồng Nai rao bán với lời giới thiệu “Chủ nhà bí tiền trả ngân hàng cần bán nhà gấp”. Lần theo số điện thoại của người rao trên fanpage, anh Vũ mới biết giới “cò đất” lợi dụng hình ảnh căn nhà của để “làm mồi” cho những căn nhà phía trong hẻm có vị trí không được đẹp bằng.

Dù những fanpage trên mạng xã hội “mọc lên như nấm” nhưng lại đang thiếu cơ chế quản lý của các cơ quan nhà nước. Theo tìm hiểu, các cá nhân muốn lập và điều hành các fanpage hay các trang cộng đồng trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube đều không phải xin phép các cơ quan nhà nước. Việc đặt tên cho các trang này là tùy ý thích, không bị có quy định như: nghiêm cấm việc cá nhân lấy tên địa phương, đơn vị, lĩnh vực, ngành nghề để đặt cho các trang cá nhân hay trang cộng đồng.

Theo lãnh đạo đạo Sở TT-TT, hiện còn thiếu các chế tài để quản lý lẫn xử lý các fanpage. Do đó, Sở không thể bắt buộc chủ fanpage đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước tại địa phương. Khi các trang này đưa nội dung liên quan đến địa phương sai sự thật, Sở yêu cầu người quản trị trang phải gỡ bỏ. Nếu thông tin nghiêm trọng sẽ tiến hành phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên vì thiếu chế tài quản lý và xử lý nên đến nay gần như chưa có fanpage nào liên quan đến Đồng Nai bị xử phạt.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN:

Người dân cần chắt lọc thông tin khi tiếp cận mạng xã hội

Mạng xã hội là thế giới thông tin phong phú và vô tận, có thông tin tích cực nhưng cũng có những thông tin tiêu cực, thông tin đã được kiểm chứng và thông tin không đúng sự thật.

Do đó, người dùng mạng xã hội cần có sự chắt lọc thông tin, tránh những tác động tiêu cực từ những thông tin trái chiều. Người sử dụng mạng xã hội cần “nói không” với những fanpage có tính chất “câu view”, thông tin hình ảnh không lành mạnh bằng cách không tương tác, không chia sẻ.

Anh PHẠM VĂN CÔNG (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):

Người dân khó phân biệt các fanpage chính thống

Mạng xã hội phát triển giúp người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó phân biệt được đâu là những fanpage chính thống, đâu là những trang tin giả.

Điều đáng nguy hiểm là nhiều fanpage có nhiều thông tin xấu độc, hình ảnh thiếu lành mạnh, tác động đến tâm lý của người sử dụng mạng nói chung, trong đó có trẻ em. Do đó, mong các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự kiểm soát tốt hơn để mạng xã hội luôn trong sạch.              

Đặng Công (ghi)


Tin xem nhiều