Theo quy hoạch đã được duyệt, Đồng Nai có 17 dự án xử lý chất thải nhưng hiện chỉ có 11 dự án hoạt động, còn lại đang tạm ngưng do không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của tỉnh và đối tác hoặc chưa triển khai.
Theo quy hoạch đã được duyệt, Đồng Nai có 17 dự án xử lý chất thải nhưng hiện chỉ có 11 dự án hoạt động, còn lại đang tạm ngưng do không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của tỉnh và đối tác hoặc chưa triển khai.
7 khu, 11 dự án xử lý chất thải theo quy hoạch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Lê An - Đồ họa: Hải Quân) |
Trong điều kiện khối lượng chất thải ngày càng tăng, việc triển khai dự án mới gặp khó khăn và mất nhiều thời gian, số dự án không đáp ứng điều kiện về môi trường ngày càng nhiều thì cải thiện năng lực các nhà máy hiện hữu là giải pháp cấp thiết.
* 11/17 dự án đang hoạt động
Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước nên vấn đề quản lý chất thải là thách thức không nhỏ. Từ năm 2000, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch các khu xử lý (KXL) chất thải. Quy hoạch này tiếp tục được bổ sung, cập nhật ở các giai đoạn sau. Theo quy hoạch, tỉnh có 9 KXL với 17 dự án, nhưng hiện chỉ có 7 KXL với 11 dự án tiếp nhận xử lý chất thải hoạt động. Các dự án còn lại đã tạm ngưng do không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, chưa triển khai. Điều này gây áp lực cho các nhà máy hiện hữu, các địa phương.
Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi tại H.Thống Nhất là dự án lớn nhất tỉnh về rác thải sinh hoạt nhưng hiện đã hết công suất theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trường hợp chất thải tăng đột biến, nhà máy phải tạm lưu hoặc có giải pháp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ để tăng công suất.
Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc nhà máy cho biết, đơn vị đang tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt cho 8/11 huyện, thành phố với khối lượng khoảng 1,2 ngàn tấn/ngày. Năm 2020, đơn vị có kế hoạch đầu tư dự án đốt rác phát điện công suất 150 tấn/ngày để tăng công suất tiếp nhận và xử lý triệt để chất thải nhưng hiện vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét thẩm định và phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Hoàn thành thủ tục, đơn vị sẽ triển khai dự án sớm.
Dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long làm chủ đầu tư hiện chỉ còn tiếp nhận, xử lý chất thải công nghiệp thông thường khoảng 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại khoảng 9,9 tấn/ngày (chủ yếu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Riêng chất thải sinh hoạt của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã ngưng tiếp nhận.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch chia sẻ, trước đây H.Nhơn Trạch hợp đồng với Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại tại xã Bàu Cạn, nhưng hơn 2 năm qua, chất thải sinh hoạt của huyện phải đưa về H.Thống Nhất do KXL này do không đảm bảo được tỷ lệ chôn lấp chất thải dưới 15% theo yêu cầu của tỉnh. Quãng đường xa khiến chi phí vận chuyển tăng, việc giám sát xử lý chất thải không được thường xuyên.
Tương tự, TP.Biên Hòa trước đây có 2 dự án xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn nhưng hiện đều ngưng hoạt động vì không đảm bảo vệ sinh môi trường. Các nhà máy ở vùng phụ cận là: dự án Nhà máy xử lý chất thải tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chỉ tiếp nhận được khoảng 50% chất thải của thành phố; dự án tại xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) không tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt; dự án Đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chưa triển khai.
Theo đánh giá của Sở TN-MT, hiện các dự án xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại hoạt động khá ổn, đảm bảo xử lý hết chất thải phát sinh. Riêng chất thải sinh hoạt, dự án đảm bảo được các điều kiện về môi trường thì đã đủ công suất hoặc không trúng thầu, dự án còn năng lực tiếp nhận chưa đáp ứng được tiêu chí của tỉnh về chôn lấp chất thải. Hiện chỉ có 4 dự án đủ điều kiện tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt.
* Đánh giá lại năng lực nhà đầu tư
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư dự án xử lý chất thải về: đất đai, thuế, vốn và xã hội hóa đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh. Nhiều đơn vị đã làm rất tốt. Tuy nhiên, còn đơn vị do năng lực tài chính hạn chế chưa tích cực đầu tư hạ tầng, công nghệ hoặc chỉ tập trung cho xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp thông thường mà chưa quan tâm đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt. Một số đơn vị phải tạm ngưng vì không đảm bảo điều kiện về môi trường và các tiêu chí tỉnh đặt ra; hết hạn giấy phép xử lý chất thải nhưng chưa có phương án tiếp tục hoạt động. Cũng có dự án vướng mắc mặt bằng, nguồn vốn chưa triển khai.
Đồng Nai ban hành quyết định quy hoạch các KXL chất thải sinh hoạt năm 2000, điều chỉnh năm 2006 và tiếp tục bổ sung ở giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2025 nhưng không đề xuất thêm các dự án, KXL mà chỉ định hướng quản lý và cập nhật các vị trí, diện tích đã được UBND tỉnh giới thiệu cho các nhà đầu tư trước đó. Đến nay, một số dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất. Các địa phương có khối lượng chất thải sinh hoạt lớn như: TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch không có quy hoạch dự án xử lý chất thải.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đi kiểm tra dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Ảnh: L.An |
Đại diện một doanh nghiệp tại TP.Biên Hòa chia sẻ, sở dĩ nhà đầu tư “không mặn mà” lắm với xử lý chất thải sinh hoạt vì lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn chậm, rủi ro cao vì quy định đấu thầu hằng năm. Trong khi đó, xử lý chất thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại mặc dù vốn đầu tư lớn nhưng chi phí do các bên tự thỏa thuận, hợp đồng lâu dài.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch, Sở TN-MT sẽ rà soát nhu cầu sử dụng đất, cơ sở hạ tầng của từng dự án. Cùng với đó, Sở tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư, trên cơ sở đó đánh giá năng lực của chủ dự án, không đáp ứng các điều kiện về đầu tư, tài chính và xây dựng sẽ xem xét điều chỉnh hạng mục đầu tư hoặc thu hồi dự án theo quy định.
Cụ thể, đối với dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại Bàu Cạn sẽ tập trung giải quyết các đề xuất, trong đó điều chỉnh quyết định giảm diện tích giao đất của UBND tỉnh, trường hợp sau giải quyết, chủ dự án đầu tư dây chuyền phân loại chất thải và đáp ứng được tỷ lệ chôn lấp dưới 15% sẽ được tiếp tục đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường tại H.Trảng Bom sẽ xem xét giải quyết kiến nghị của chủ dự án về đơn giá đốt tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt bằng lò đốt.
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp không nguy hại và nguy hại tại H.Xuân Lộc và dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại H.Cẩm Mỹ xem xét điều chỉnh hoặc bỏ xử lý chất thải sinh hoạt do chủ đầu tư không khắc phục được các tồn tại về yêu cầu kỹ thuật, thủ tục xây dựng, môi trường theo yêu cầu của Bộ TN-MT và UBND tỉnh.
2 dự án tại KXL Vĩnh Tân đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm nhưng nhiều năm chưa hoàn thành các thủ tục để được giao đất, xây dựng là: Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại của Công CP Môi trường xanh Long Thành (9ha) và Nhà máy Xử lý và tái chế rác thải của Công ty CP Môi trường Đồng Xanh (18,8ha) sẽ đánh giá lại thực lực đầu tư, trường hợp không đủ điều kiện sẽ đề nghị chủ dự án ngưng thực hiện.
Lê An