Công nghiệp cơ khí, chế tạo được coi là "trái tim" của ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tình hình thực tế phát triển thì các doanh nghiêp (DN) ngành cơ khí, chế tạo của Việt Nam cũng như Đồng Nai còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển.
[links()]Công nghiệp cơ khí, chế tạo được coi là “trái tim” của ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tình hình thực tế phát triển thì các doanh nghiêp (DN) ngành cơ khí, chế tạo của Việt Nam cũng như Đồng Nai còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển. Ngoài một số ít DN, tập đoàn lớn có thể “lột xác”, vươn ra thế giới thì đa phần các DN nội quy mô còn rất khiêm tốn.
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất, nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng cùa Đồng Nai trong 11 tháng của năm 2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân) |
Công nghệ sản xuất, năng lực cạnh tranh thấp, phần nhiều vẫn đang gia công cắt gọt cho các đối tác có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do đó các DN trong nước rất cần hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển để nâng tầm công nghệ Việt.
* Thiếu nguồn lực để mở rộng sản xuất
Đối với Đồng Nai, công nghiệp cơ khí, chế tạo có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng hầu hết các DN nội tỉnh quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng. Khảo sát các DN cơ khí, chế tạo của Đồng Nai thì đa số tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Theo các DN, vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, thường tương đương vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng nên đa số DN không đáp ứng được.
Lựa chọn lĩnh vực công nghiệp cơ khí hỗ trợ, sản xuất các loại phễu rung, máy cấp phôi tự động để cung cấp cho các DN làm hàng sản xuất, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Ngô Thanh Bình bước đầu có những thành công nhất định. Mặc dù là DN nhỏ nhưng các sản phẩm của công ty nghiên cứu chế tạo đều mang tính ứng dụng cao và được nhiều công ty trong khu công nghiệp (KCN) tìm hiểu để hợp tác, đặt hàng.
Mặc dù bước đầu khá thành công song thực tế, DN còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mặt bằng sản xuất là yếu tố số 1. Việc tìm kiếm được mặt bằng phù hợp là điều rất “khổ sở” đối với DN này, bởi lẽ đã phải vài lần thay đổi xưởng sản xuất do không chủ động được địa điểm và không đủ nguồn lực đầu tư lớn hơn so với năng lực hiện có.
Tương tự, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (KCN Biên Hòa 1) chia sẻ, trong suốt hơn 10 năm khởi nghiệp, do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên ông thường xuyên phải “bóc ngắn cắn dài” để tồn tại và phát triển. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển của DN. Bên cạnh đó, trước chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 thì DN ủng hộ, nhưng vấn đề tìm mặt bằng cho sản xuất lúc này là tương đối khó khăn, thậm chí đang vượt khả năng mà DN có.
Đầu tư cho máy móc, công nghệ vẫn là điểm nghẽn của doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam cũng như Đồng Nai. Ảnh: V.Thế |
Đánh giá về nguồn lực của hầu hết các DN ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) Trần Quý cho rằng, về cơ bản, nhân tố con người, lao động Việt Nam có thể tiếp thu nhanh được công nghệ, kỹ thuật của các nước tiên tiến. Vấn đề là nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất khi có cơ hội thì rất thiếu. DN của ông cũng đang trong quá trình mở rộng nhà xưởng thêm 4 ngàn m2 nhưng so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, như thế là chưa thấm bao nhiêu.
“Rất ít DN Việt trên địa bàn tỉnh có khả năng mở rộng sản xuất quy mô lớn, dù có khả năng nhưng cũng chỉ có thể thay đổi từng bước một. Đa số DN hiện nay đều đi lên từ hộ sản xuất gia đình, máy móc, công nghệ cũ nên chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm cũng là một vấn đề” - ông Quý cho biết.
Thách thức đặt ra là DN cơ khí nước ta phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng các điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Muốn phát triển mạnh và bền vững, DN phải thay đổi cơ cấu lao động và ngành nghề, chuyển từ lao động có trình độ chuyên môn thấp lên trình độ chuyên môn cao, đầu tư công nghệ gia công tiên tiến, thay đổi phương thức quản lý sản xuất và nâng cao công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, đầu tư cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng lại rất tốn kém, còn nguồn lực của các DN cơ khí Việt Nam thì có hạn. Ngoài ra, chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm cơ khí nước ta chưa tạo được động lực thúc đẩy các DN vay vốn, đầu tư chiều sâu vào sản xuất.
* Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Đào Phan Long, trong bình 5-10 năm qua, Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế. Thị trường khá lớn nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, chủ yếu cung cấp các linh kiện phụ hoặc làm gia công cho thương hiệu nước ngoài. Các DN phải “tự bơi” mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu. Điều này dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành cơ khí, chế tạo nói riêng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó đặt ra mục tiêu lĩnh vực linh kiện phụ tùng: phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tại Đồng Nai, để cấp thiết phát triển, nâng tầm DN ngành cơ khí nội địa trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã có những chính sách hỗ trợ được lồng ghép xây dựng. Sở Công thương đã tiến hành khảo sát các DN ngành cơ khí, chế tạo. Các DN lĩnh vực chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí được khảo sát để thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng công nghệ của các DN. Trên cơ sở đó triển khai chính sách ưu đãi, chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí cho các DN. Đồng thời, Sở cũng xây dựng báo cáo tổng hợp và các báo cáo chuyên đề, cập nhật thông tin của các DN cơ khí trên trang thông tin điện tử của Sở để cộng đồng DN có thêm kênh thông tin, hợp tác với nhau một cách rộng rãi hơn.
Theo Sở Công thương, phát triển ngành cơ khí Đồng Nai mà trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ khí ô tô, thiết bị công trình công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí là nhiệm vụ quan trọng. Các giải pháp hỗ trợ sẽ giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tạo cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN nước ngoài thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Song song với việc khảo sát các DN ngành cơ khí để có giải pháp hỗ trợ riêng thì đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ của tỉnh, trong đó nhấn mạnh đến hỗ trợ cho DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được tiến hành. Trong đó, cơ khí, chế tạo là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ cốt lõi mà tỉnh đang khuyến khích phát triển.
Vương Thế