Báo Đồng Nai điện tử
En

Mong sớm có các chính sách hỗ trợ

09:11, 18/11/2021

Với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các nhà thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công hiện nay đều mong các cơ quan chức năng sớm có các chính sách hỗ trợ.

Với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các nhà thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công hiện nay đều mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng vật liệu xây dựng. Từ đó, các nhà thầu có điều kiện để tăng tốc thi công.

Thi công xây dựng một công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn
Thi công xây dựng một công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: QUỲNH NHI

* Chờ đợi các giải pháp gỡ khó

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những giải pháp được tỉnh xác định là trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thì các đơn vị, địa phương phải xác định giải ngân nguồn vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, mang tính chất quyết định trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ các công trình, dự án đầu tư công, các công trình xây dựng dân dụng hiện cũng bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ làm tăng giá bất động sản.

Năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% nguồn vốn đầu tư công. Tính đến tháng 10-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh đạt khoảng 43% kế hoạch năm. Như vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, nguồn vốn cần được giải ngân trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của năm 2021 vẫn còn rất lớn. Vì vậy, việc tăng tốc tiến độ thi công các công trình, dự án đầu tư công hiện nay là yêu cầu cấp bách. Bởi, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công vào các công trình, dự án đang thi công mang ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh việc tăng tốc thi công các dự án đang gặp lực cản lớn do giá các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao, phần lớn các nhà thầu xây dựng hiện đang rất mong ngóng các chính sách bình ổn giá từ các cơ quan chức năng Nhà nước.

Ông Lê Hoàng Nhi, Chỉ huy trưởng công trình Trường mầm non số 3, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho rằng, với hợp đồng đã ký kết, nhà thầu phải nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ. Hiện nay, dù khó khăn nhưng đơn vị đã tăng cường thêm nhân công để đáp ứng nhu cầu tăng ca. Tuy nhiên, nhà thầu cũng mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng để có thể đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng hợp đồng đã ký kết. “Cũng như các nhà thầu xây dựng khác, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có các giải pháp bình ổn giá, đưa giá các mặt hàng vật liệu xây dựng về một mức phù hợp để nhà thầu có thể tăng tốc thi công chứ mức giá cao như hiện nay thì nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn” - ông Lê Hoàng Nhi cho biết.

* Giám sát chặt tiến độ

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân, tình trạng giá các loại vật liệu xây dựng tăng đang ảnh hưởng lớn đến các nhà thầu thi công các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư công, các hợp đồng xây lắp đều được ký theo hình thức trọn gói nên nhà thầu phải có các giải pháp để duy trì, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện quản lý tiến độ đối với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết. Đối với khó khăn của các nhà thầu do giá vật liệu xây dựng tăng, đơn vị sẽ ghi nhận ý kiến để báo cáo các cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp cụ thể.

Nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và biến động giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và các địa phương.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều