Để đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và rút ngắn thời gian trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, Việt Nam đang xác định kinh tế tư nhân là nhân tố đặc biệt quan trọng,...
Việt Nam đang quyết tâm đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và rút ngắn thời gian trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Để đạt mục tiêu này, trong chiến lược phát triển kinh tế của cả thập kỷ tới, kinh tế tư nhân được xác định là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định cho sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Đồ họa thể hiện một số mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 của Việt Nam theo dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ, trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân) |
Đối với Đồng Nai, nhiều chính sách kinh tế đã và đang được xây dựng cũng tập trung vào việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN tư nhân.
* Lấy kinh tế tư nhân làm động lực tăng trưởng
Trên bình diện cả nước, trong những năm gần đây, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm các DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, các HTX...) ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Sự thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên những thành tựu trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), số DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN loại vừa chiếm 2%, còn lại 96% là nhỏ và siêu nhỏ trong kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân cũng đang gặp nhiều rào cản từ môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu không tính tới hàng triệu hộ kinh doanh cá thể chưa thành lập DN thì các DN tư nhân trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam, chưa bằng 1/2 của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Sức chống chịu của DN tư nhân trong nước đối với các “cú sốc” từ bên ngoài chưa cao. Năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối của các DN tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu hết sức hạn chế.
Để phù hợp với xu hướng phát triển của cả thập kỷ cũng như sự bền vững của nền kinh tế, Chính phủ đang xây dựng định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung ưu tiên hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân phát triển mạnh mẽ nhằm tạo đột phá về chất lượng DN, sức cạnh tranh của thương hiệu Việt.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ do Bộ KH-ĐT soạn thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, nêu rõ: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động”.
Chính phủ cũng khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.
Tại Đồng Nai, nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, tỉnh đã và đang điều chỉnh chiến lược phát triển, hướng sự ưu tiên nhiều hơn đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa, DN tư nhân. Hiện Đồng Nai đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Đề án đề cập đến 9 nhóm vấn đề, trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động. Hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý. Đồng Nai cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DN; hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai khá thành công trong việc thu hút đầu tư từ các DN FDI. Các DN ngoại đã có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, tuy nhiên đã đến lúc phải dành ưu tiên nhiều hơn cho khối DN tư nhân trong nước. “Quan điểm của tỉnh là sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho DN, nhất là DN tư nhân phát triển. Từ đó xây dựng các chương trình chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.
* Nâng sức cạnh tranh cho DN
Để hội nhập sân chơi toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu và DN FDI thì yêu cầu đặt ra là phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất, kinh doanh để có thể tiết giảm được nhiều loại chi phí. Một số DN đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng rất ít so với yêu cầu thực tế, do đó cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các DN, đẩy lùi, loại bỏ dần các thiết bị công nghệ cũ. Để làm được điều đó, cộng đồng DN cần sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước về chính sách cũng như quan điểm phát triển.
Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ được chọn lọc với yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tạo cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3). Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Tại Đồng Nai, một nghiên cứu mới đây từ Sở KH-CN cho thấy, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là -56,05%. Đối tượng điều tra là các DN có nguồn nhân lực từ 100 lao động trở lên. Chỉ số âm này đã phản ánh thực tế DN trong giai đoạn này có khả năng hấp thụ công nghệ, làm chủ công nghệ còn chậm; thời gian chuyển giao công nghệ (hoặc thời gian nghiên cứu, cải tiến máy móc, thiết bị hoặc công nghệ) kéo dài, dẫn đến tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra chậm. Đa số DN chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của DN cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp.
Muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của DN nội, DN tư nhân thì cách tốt nhất là trở thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho các đối tác nước ngoài. Do vậy, Đồng Nai xác định thu hút vốn đầu tư FDI là phải cẩn trọng và có chọn lọc. Tỉnh phấn đấu vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 5-6 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 6-7 tỷ USD. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
Quan trọng hơn, thu hút đầu tư FDI nhưng yêu cầu tỉnh đặt ra là tỷ lệ nội địa hóa phải chiếm trên 30% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030. Tỷ lệ nội địa hóa cao đồng nghĩa với cơ hội hợp tác của các DN trên địa bàn tỉnh với DN FDI cũng được nâng lên. Từ đó, khuyến khích, tạo động lực cho cộng đồng DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mà mình cung cấp.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN, trong tương lai, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của mô hình tăng trưởng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Với vai trò của mình, ngành khoa học công nghệ sẽ là một trong những đầu mối để phát huy vai trò đầu tư của DN và xã hội trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nâng cao tiềm lực DN để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triểN công nghệ mới như công nghệ số, thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo...
“Cần có giải pháp để DN đầu tư ứng dụng công nghệ, ứng dụng phương pháp tiên tiến vào quản trị nhân lực, quản trị sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cắt giảm chi phí, sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ mới để nâng cao sức cạnh tranh của DN và toàn nền kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Văn Gia