Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất hiện nhiều ca bệnh truyền nhiễm nặng

03:11, 26/11/2020

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 6 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, giảm hơn 67% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 6 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, giảm hơn 67% so với cùng kỳ năm 2019.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân N.K., 7 tuổi, bị sốc sốt xuất huyết, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành
Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân N.K., 7 tuổi, bị sốc sốt xuất huyết, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: H.Dung

Mặc dù số ca bệnh giảm mạnh nhưng số trường hợp mắc bệnh nặng, phức tạp lại tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có những ca bệnh rất nặng, phải truyền dịch cao phân tử, thở máy, lọc máu nhiều ngày.

* Người lớn chủ quan khiến bệnh nặng

BS CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong tỉnh không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các cơ quan chức năng đã tiến hành phun xịt thuốc, hóa chất trên diện rộng. Việc phun xịt thuốc đã tiêu diệt muỗi và các loại côn trùng. Người dân cũng có ý thức tự giác phòng bệnh nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hơn, diệt muỗi tích cực hơn. Mặt khác, dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra cùng với tuýp sốt xuất huyết của năm ngoái. Do đó, số người dân trong cộng đồng có kháng thể khá lớn, khả năng nhiễm bệnh giảm nhiều so với năm 2019.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng do mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 5-10 trường hợp sốt xuất huyết người lớn. Trong đó có nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng sốc, phải truyền từ 4-6 đơn vị máu, điều trị tích cực.

BS CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Hằng ngày, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để mua tiểu cầu về truyền cho bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết nặng. Có những trường hợp phải truyền từ 3-4 đơn vị tiểu cầu để cầm máu. Tuy nhiên, có những thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy không có sẵn tiểu cầu, buộc bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều bệnh nhân người lớn rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, BS CKI Đồng Minh Hùng cho rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều người dân hạn chế đến bệnh viện, hạn chế nhập viện do lo sợ bị lây nhiễm tại bệnh viện. Nhiều người lớn khi bị sốt cao, mệt mỏi thường có tâm lý chủ quan, tự đến nhà thuốc, báo bệnh và mua thuốc về nhà sử dụng. Đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện để cấp cứu, điều trị. Có những bệnh nhân bệnh đã trở nặng, sốt ngày thứ 4, thứ 5, đến khám tại bệnh viện nhưng không chịu nhập viện, bác sĩ phải khuyên, thậm chí năn nỉ bệnh nhân nhập viện để điều trị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng thì bệnh nhân mới chịu nhập viện.

Mới đây nhất, BS CKI Đồng Minh Hùng đã điều trị cho một bệnh nhân nam gần 50 tuổi, sốt cao liên tục, tự mua thuốc uống nhưng không hạ. Do bệnh nhân chủ quan nên chỉ đi khám, điều trị tại phòng khám tư nhân. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân bị chảy máu chân răng nhiều mới bắt đầu nhập viện. Các bác sĩ đã phải truyền tổng cộng 2 đơn vị máu, 4 đơn vị tiểu cầu để bổ sung nguồn máu, tiểu cầu đã mất cho bệnh nhân. Đến ngày thứ 7, răng bệnh nhân hết chảy máu, tình trạng sức khỏe ổn, bệnh viện mới cho bệnh nhân xuất viện.

Ngoài ra, có vài trường hợp bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà, đến khi mệt lả người không chịu được nữa mới vào bệnh viện. Lúc này, các bệnh nhân đã bị tụt huyết áp, rơi vào tình trạng sốc.

“Gần đây, tuần nào Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận các ca sốc sốt xuất huyết. Khoảng 30% bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết bị bệnh nặng. Người dân không nên chủ quan khi có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, nếu cảm thấy sốt cao liên tục mà không hạ, nhức mỏi toàn thân, người dân nên sớm đến bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị phù hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” - BS CKI Hùng cho hay.

* Có thời điểm bệnh viện quá tải

Trung bình mỗi ngày, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân, có thời điểm lên đến 130 bệnh nhân. Trong đó, có khoảng
20-30 ca bệnh sốt xuất huyết, 50-60 ca bệnh tay chân miệng, còn lại là các bệnh khác như: sốt siêu vi, sốt co giật, viêm não, viêm màng não…

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, những trường hợp đang điều trị tại khoa đều từ mức độ 2A trở lên (mức độ cần phải nhập viện điều trị, theo dõi sát). Riêng những trường hợp bệnh nặng được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện để theo dõi, điều trị.

Bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp. Do đó, mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng những việc làm đơn giản như: diệt muỗi, ăn sạch, ở sạch, uống sạch…

Đang chăm sóc con bị sốt xuất huyết tại bệnh viện, chị Trần Phương Thảo Ly (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, con trai chị 16 tháng tuổi sốt liên tục 3 ngày ở nhà không khỏi. Nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị.

Tương tự, trường hợp bé H.L.H.V. (10 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) cũng sốt cao 40-41OC, uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết và được xem là trường hợp điển hình của bệnh.

Còn bé N.N.L. (8 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) thì không biết bị muỗi đốt khi nào. Đến khi trên da có nổi những mụn đỏ, L. được mẹ đưa đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết.

Người dân xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) đổ nước trong các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng. Ảnh: H.Dung
Người dân xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) đổ nước trong các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng. Ảnh: H.Dung

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi con bị bệnh nặng, BS Nguyễn Thanh Quyền lưu ý, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, phụ huynh cần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Khi phát hiện con bị sốt cao liên tục 2-3 ngày không hạ, da đỏ, ói, đau bụng, bứt rứt, lừ đừ, tiểu ít cần ngay lập tức đi khám bệnh và nhập viện điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị, tự ý truyền dịch. Bởi việc tự ý truyền dịch cho trẻ nếu không đúng thời điểm sẽ không mang lại hiệu quả, ngược lại còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Đối với bệnh tay chân miệng, dấu hiệu nhận biết là khi trẻ có các bóng nước trên da, sốt cao liên tục 2-3 ngày không hạ, trẻ giật mình, sốt, thở mệt, thở nhanh không đều. Trường hợp trẻ bỗng dưng lười ăn, đang ăn chảy nước miếng, phụ huynh cần kiểm tra xem bên trong miệng trẻ có mụn nước hay không. Nếu trẻ kèm theo sốt cao, giật mình thì cần nhập viện ngay.

* Xây dựng kịch bản để điều trị cho từng ca bệnh nặng

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa hiện đang điều trị cho nhiều trường hợp bị sốc sốt xuất huyết nặng, tay chân miệng nặng, viêm não, viêm phổi nặng. Trong đó, nhiều bệnh nhân phải thở máy liên tục nhiều ngày liền.

Cụ thể, bệnh nhân P.N.Q.H. (9 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. Mặc dù đã rơi vào trạng thái sốc nhưng bệnh nhân vẫn còn sốt cao, đi cầu ra máu, ói, đau bụng nhiều, chảy máu chân răng. Xác định đây là ca bệnh nặng, các y, bác sĩ đã liên tục theo dõi sát bệnh nhân, điều trị bệnh theo phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, chống sốc, sử dụng thuốc cao phân tử, theo dõi bằng máy monitor liên tục, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, oxy máu và được đo cung lượng tim.

“Đo cung lượng tim là kỹ thuật rất mới, được bệnh viện sử dụng từ năm 2020 để xác định xem tim bệnh nhân đập có tốt không, cơ thể bệnh nhân có đủ dịch hay dư dịch. Từ đó, giúp bác sĩ đưa ra những quyết định chính xác hơn để điều trị cho những trường hợp sốt xuất huyết nặng” - BS Nghĩa nói.

Một trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng khác đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là bé trai N.K. (7 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch).

Chị Phạm Thu Thủy, mẹ bé K. cho biết, bé bị sốt cao liên tục vài ngày ở nhà, không đi học được. Chị đã đưa con đến phòng khám tư nhân ở gần nhà để khám, được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết nhưng chỉ cho thuốc về nhà uống. Đến khi thấy con bị nặng hơn, chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Tại đây, bé K. được theo dõi, cho uống thuốc hạ sốt, xét nghiệm nhiều lần, bù dịch. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân có dấu hiệu chướng bụng, sốc nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

BS Nguyễn Thanh Minh, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, khoa đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón và cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng mệt nhiều, ói, vã mồ hôi, tím tái, rơi vào sốc nặng, thở nhanh, mạch nhanh, xuất huyết dạ dày. Các bác sĩ sau khi tiếp nhận bệnh đã hội chẩn khẩn cấp để chọn tốc độ truyền dịch, loại dịch truyền phù hợp, các chế phẩm máu để bệnh nhân qua cơn sốc sốt xuất huyết. Sau khi tiến hành cấp cứu ổn, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để tiếp tục được điều trị. Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục trong nhiều ngày, được theo dõi sát sao. Đến ngày thứ 9, tình hình bệnh nhân có khả quan hơn.

Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị cho khoảng 400 trường hợp bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết. Ngoài những trường hợp bệnh nhân nhập viện trễ dẫn đến bệnh nặng, những bệnh nhân bị sốt xuất huyết có những dấu hiệu sau thì cần được đặc biệt quan tâm. Đó là bệnh nhân sốt xuất huyết có xuất huyết tiêu hóa, đã vào sốc nhưng vẫn còn sốt cao, trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi), trẻ béo phì, trẻ có những bệnh nền như: bệnh thận, bệnh tim, hen, những trẻ có tổn thương gan, tổn thương não ngay từ đầu.

“Để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết, ngay từ khâu khám bệnh, các bác sĩ của bệnh viện đã tăng cường lọc bệnh để phát hiện những ca bệnh có dấu hiệu nặng, tránh bỏ sót ca bệnh. Những trường hợp này sẽ có chế độ chăm sóc, điều trị riêng. Bản thân Khoa Hồi sức tích cực chống độc cũng lên từng kịch bản cụ thể để điều trị theo hướng cá thể hóa cho từng ca bệnh nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Cụ thể, những bệnh nhi có yếu tố tiên lượng nặng sẽ được áp dụng các kịch bản như: cần phải được hội chẩn sớm hơn, mắc monitor, đo huyết áp xâm lấn sớm hơn, cần có điều dưỡng, bác sĩ có kinh nghiệm hơn, có máy móc trang thiết bị hiện đại đi kèm phù hợp. Rất may là mặc dù có rất nhiều ca bệnh nặng nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh nói chung và tại bệnh viện chưa xảy ra trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng” - BS Nghĩa chia sẻ.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều