Liên tiếp nhiều năm liền, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh "thắng lớn" trong tuyển sinh trung cấp nghề. Đa số học sinh vào học nghề sau phân luồng THCS.
Liên tiếp nhiều năm liền, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh “thắng lớn” trong tuyển sinh trung cấp nghề. Đa số học sinh vào học nghề sau phân luồng THCS.
Học sinh Khoa Công nghệ may, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ học môn thiết kế. Ảnh:H. Yến |
Bên cạnh những học sinh không đạt được nguyện vọng vào trường THPT như mong muốn mới “chạy” vào trường nghề, ngày càng nhiều học sinh chủ động chọn học nghề như một hướng đi giúp các em tiết kiệm chi phí, thời gian…
* Học trung cấp nghề: Không phải muốn là được
Trong 3 năm trở lại đây, số lượng tuyển sinh trung cấp sau phân luồng THCS tại Đồng Nai tăng lên rõ rệt. Hiện nay, các trường có đào tạo trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được khoảng 12 ngàn học sinh sau phân luồng THCS, gấp 3 lần so với năm 2014 (hơn 4 ngàn học sinh).
ThS Huỳnh Lê Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, chưa có trường học nào sử dụng công cụ lần vết để xem các học sinh sau khi bỏ học ở các trường trung cấp nghề thì sẽ đi đâu, làm gì. Nếu công tác phân luồng học sinh sau THCS có định hướng rõ ràng và được thực hiện sớm thì đến khi lên lớp 9 các em sẽ chọn ngành nghề đúng, khi ra trường sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn. Trong công tác hướng nghiệp, cần phải thay đổi tư tưởng của phụ huynh. Phụ huynh muốn con học cả văn hóa, cả chương trình nghề trong khi lực học của nhiều em lại yếu nên các em khó mà theo được. Vì vậy, nếu không theo được chương trình văn hóa thì các em nên tập trung học nghề để đủ năng lực tham gia thị trường lao động”. |
Trước đây, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, những thí sinh có nhu cầu học trung cấp nghề luôn trong tư thế thong thả đi nộp hồ sơ, vì nộp chắc chắn sẽ đậu. Ba năm trở lại đây, thí sinh bắt đầu phải chạy đua để tìm suất vào trường nghề vì chỉ tiêu có hạn mà nhu cầu lại lớn nên nếu chậm chân là mất cơ hội. Đặc biệt, đối với các nghề thuộc khối kỹ thuật và nghề trọng điểm, các trường còn xét điểm môn Toán, Lý, nếu đạt thì mới được nhận hồ sơ.
Em Nguyễn Văn Huy (Khoa Công nghệ thông tin Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc) kể: “Khi xác định học nghề, em muốn vào học ngành Công nghệ ô tô vì biết đây là nghề đang “hot”. Nhưng khi em nộp hồ sơ thì không đủ điểm môn Lý, vậy là em chuyển sang ngành Sửa chữa máy tính. Bạn của em cũng muốn học ngành Công nghệ ô tô nhưng thiếu điểm và cũng không đủ điểm học ngành Sửa chữa máy tính như em nên mới lựa chọn nghề Mộc và trang trí nội thất”.
Là trường ngoài công lập, Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc tuyển sinh trên cả nước. Năm học 2020-2021, trường tuyển sinh 1.360 học sinh hệ trung cấp, trong đó có 1.100 em học nghề sau phân luồng THCS. Dù nhu cầu của học sinh còn lớn nhưng nhà trường không thể tuyển sinh thêm vì đã đủ chỉ tiêu được giao.
Tương tự, các trường cao đẳng khác như: Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom), Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa), Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành)… đều tuyển sinh được trên 1 ngàn chỉ tiêu và kết thúc tuyển sinh sớm. Các nghề trọng điểm đều nâng cao điểm xét tuyển đầu vào so với trước đây.
Ths Phạm Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Năm nay, trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 100%. Điều này cho thấy xu hướng chọn học nghề của học sinh, sinh viên cũng như của phụ huynh học sinh hiện nay đã rất khác trước. Đối với các nghề trọng điểm, nhà trường sẽ đặt ra tiêu chuẩn điểm đầu vào cao hơn những ngành nghề khác, không giống như trước đây, em nào vào cũng được”.
* Tăng cường thực hành
Hiện nay, Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc đang đào tạo 18 nghề trung cấp với thời gian đào tạo là 2 năm, tương đương với 1.700 giờ học, trong đó có 55-75% giờ học thực hành. Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ học sinh thực tập tại các công ty, xí nghiệp. Nhờ đó, học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.
Học sinh Khoa Công nghệ may Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ học thực hành. Ảnh:H. Yến |
Không thuộc khối kỹ thuật nhưng Khoa Công nghệ may Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai là một trong những khoa đạt chỉ tiêu tuyển sinh cao. Trung bình, mỗi năm khoa này tuyển sinh được 120 chỉ tiêu hệ trung cấp, đa phần là nữ. Đây cũng là khoa duy trì ổn định sĩ số học sinh đầu vào và đầu ra.
ThS Đàm Văn Chí, Trưởng khoa Công nghệ may cho hay: “Khi vào học, các em được đào tạo từ kỹ năng cơ bản cho đến phức tạp. Vị trí việc làm của các em khi ra trường là: công nhân may, phòng kỹ thuật, may mẫu. Những em có kỹ năng tốt hơn thì sẽ làm điều hành chuyền và đọc các bản vẽ kỹ thuật của khách hàng để thiết kế ra các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng”.
Để học sinh vững nghề, khoa tăng cường tối đa thời gian thực hành bằng cách để cho chính các em thiết kế bản vẽ, cắt, may toàn bộ áo đồng phục cho học sinh toàn trường. Theo đó, thay vì đặt may các xí nghiệp bên ngoài, nhà trường mua vải về và giao toàn bộ quy trình sản xuất áo đồng phục cho học sinh Khoa Công nghệ may thực hiện. Lớp học thực hành cũng được sắp xếp, mô phỏng như ở xưởng may của các công ty. Những học sinh khá được giao công việc kiểm hàng, chuyền trưởng…
“Ngoài thực hành tại trường, hằng năm, chúng tôi còn liên kết cho các em đi thực tập tại doanh nghiệp để các em làm quen với công nghệ, dây chuyền sản xuất mới. Đa phần doanh nghiệp đánh giá học sinh của chúng tôi đạt mức độ khá so với mặt bằng chung. Nhờ đó, các em có việc làm ổn định khi ra trường. Một số em có nhu cầu học lên thì trường có lớp liên thông cao đẳng để đào tạo thêm cho các em” - ông Chí chia sẻ thêm.
Tại Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai, ngoài chương trình đào tạo theo quy định, 3 năm nay, trường còn dạy thực hành theo mô hình 5S cho toàn bộ học sinh, sinh viên của trường. Theo đó, thông qua Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các chuyên gia của Trung tâm Trao đổi nguồn lực Thái Bình Dương (PREX - Nhật Bản) đã hỗ trợ nhà trường tập huấn cho giáo viên về thực hành 5S để giáo viên xây dựng chương trình và giảng dạy cho sinh viên, học sinh. Thông qua chương trình 5S, người học sẽ nhận diện được thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn, từ đó có ý thức phòng tránh cũng như hạn chế tai nạn lao động, đồng thời tìm ra giải pháp, cải tiến để lao động, sản xuất an toàn, hiệu quả hơn.
Sau khi đào tạo, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tuyển dụng sinh viên của trường thông qua sự kiện giao lưu, kết nối nguồn nhân lực giữa sinh viên và doanh nghiệp Nhật Bản do Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức. Năm 2018, trường này có 40 sinh viên, học sinh tham gia và tất cả đều được tuyển dụng tại sự kiện nói trên. Trong đó, 65% em có mức lương tháng khởi điểm từ 6-8 triệu đồng, 25% em có mức lương tháng khởi điểm từ 8-10 triệu đồng, chỉ có 10% các em nhận mức lương dưới 6 triệu đồng.
* Vẫn còn nhiều học sinh bỏ cuộc giữa chừng
Nguyễn Vũ Phương Uyên, học sinh Khoa Công nghệ may Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Em xác định sau này sẽ làm nghề thiết kế thời trang nên thay vì học THPT em đi học trung cấp nghề may. Vì nhà trường phân chia thời khóa biểu hợp lý và việc học khá nhẹ nhàng nên em có thể tiếp thu được”.
Em Nguyễn Thu Phương cũng sớm xác định mục tiêu có việc làm sớm để tự nuôi sống bản thân rồi mới đi học đại học. Vì vậy, em đã chọn học Khoa Công nghệ may. Ban đầu, em chỉ học cho có bằng nghề để sau này dễ xin việc làm nhưng sau 2 năm học, Phương thấy mình thật sự phù hợp với nghề này và muốn phát triển hơn nữa. Em đã quyết định sẽ học lên chuyên ngành thiết kế ở bậc đại học. “Khi có công việc rồi em có thể tự đi học đại học, tự lo cho cuộc sống của mình mà không phải nhờ vào cha mẹ” - Phương tự tin nói.
Những học sinh có định hướng học nghề sớm như Uyên, Phương đang ngày càng tăng nhưng hiện vẫn còn rất nhiều học sinh chọn học nghề như một tình thế chẳng đặng đừng. Theo đó, đa số các em vào học trung cấp nghề vì không tìm được suất vào học ở các trường THPT. Các em chọn vào trường nghề với mục đích chính không phải là học nghề mà là có nơi để học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên. Cái đích cuối cùng vẫn là thi để lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT.
Lực học ban đầu yếu lại phải học song song 2 chương trình (nghề và văn hóa) nên nhiều em bị “đuối”, không theo kịp bạn bè, nợ môn, ở lại lớp… Vì thế, nhiều em chán nản dần rồi bỏ học.
ThS Trần Xuân Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết, sau 3 năm học, sĩ số học sinh các lớp trung cấp nghề chỉ duy trì được khoảng 60-70%. Có đến 30-40% học sinh bỏ học giữa chừng, các em không chỉ mất cơ hội thi tốt nghiệp THPT mà cũng từ bỏ luôn cơ hội lấy được bằng trung cấp nghề để đi tìm việc làm.
Thực tế, việc sĩ số học sinh các lớp trung cấp nghề bị “rơi rụng” trong 3 năm học là tình trạng chung của các trường nghề. Phần lớn vẫn rơi vào trường hợp những học sinh có lực học yếu nhưng vẫn đặt mục tiêu lấy cùng lúc tốt nghiệp THPT và bằng nghề.
Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chỉ yêu cầu bằng trung cấp nghề mà không cần bằng tốt nghiệp THPT. Nếu vì không theo được chương trình văn hóa mà bỏ luôn học nghề thì thật sự rất uổng phí.
Theo ThS Trần Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ năm 2020 đến giai đoạn 2025-2030, nhu cầu nhân lực cần qua đào tạo bình quân chiếm 85%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học trở lên chiếm 18%. Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%. |
Hải Yến