Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng mô hình camera an ninh bền vững

11:10, 23/10/2020

Những năm gần đây, việc triển khai mô hình camera an ninh đã và đang mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự...

Việc triển khai mô hình camera an ninh đã và đang mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tuy nhiên, mô hình này đang gặp những khó khăn vướng mắc nhất định. Nổi lên là khó khăn về nguồn kinh phí để bảo trì, sửa chữa các camera bị hư hỏng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra hệ thống camera an ninh tại Công an H.Xuân Lộc. Ảnh: Thành Vinh
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra hệ thống camera an ninh tại Công an H.Xuân Lộc. Ảnh: Thành Vinh

* Khó kiếm nguồn kinh phí để sửa chữa

Theo công an các địa phương, do đặc thù camera lắp đặt ngoài trời nên sau một thời gian sử dụng sẽ bị hư hỏng cần phải bảo dưỡng, sửa chữa. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để chi cho hoạt động này chưa đáp ứng được nên một số camera sau một thời gian hoạt động đã hư hỏng và không còn sử dụng được.

Tại TP.Biên Hòa, sau một thời gian lắp đặt hiện đã có 184 đầu ghi hình và hơn 630 camera bị hư hỏng cần phải bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng còn manh tính “tự phát” nên rất khó để duy trì ổn định.

Chính vì vậy, sau nguồn vận động xã hội hóa để lắp đặt mới thì nhiều địa phương đã phải “bỏ trống” việc sửa chữa, bảo dưỡng. Điều này đã kéo theo tình trạng số lượng camera phải ngưng hoạt động cũng tăng lên từng ngày.

Trước thực tế đó, một số địa phương đã phải “chữa cháy” bằng việc trích ra nguồn kinh phí vận động để chi cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa. Trong đó P.Trảng Dài là một trong những địa phương đã và đang duy trì mô hình bằng sự đóng góp của chính các cán bộ công an địa phương.

Trung tá Mai Đức Hiền, Phó trưởng Công an P.Trảng Dài cho biết, hiện Công an phường đang duy trì nguồn quỹ để bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống camera trên địa bàn phường từ nguồn vận động và từ đóng góp của cán bộ Công an phường. Theo đó, mỗi tháng các cán bộ đóng vào quỹ 1 triệu đồng để ổn định nguồn quỹ. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Công an phường cũng giao cho cảnh sát khu vực chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo tình hình hoạt động của các camera ở địa bàn mình quản lý để kịp thời khắc phục những sự cố, hư hỏng.

* Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa

Nói về thực tế này, thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an TP.Biên Hòa cho biết, trước vấn đề này, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cũng đã báo cáo với UBND TP.Biên Hòa để có phương án giải quyết. Tuy nhiên, theo các quy định về tài chính chưa có căn cứ nào cho việc trích ngân sách để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống camera an ninh do người dân ủng hộ lắp đặt (tài sản của nhân dân) tại các địa phương. Điều này đã gây khó khăn cho việc đầu tư tài chính để nhằm ổn định hệ thống camera trên địa bàn thành phố.

Đối với giải pháp tìm nguồn đầu tư sửa chữa từ ngân sách nhà nước, theo thiếu tá Nguyễn Thành Trung, các khu phố, ấp sẽ rà soát lập hồ sơ bàn giao hệ thống camera đã lắp đặt cho chính quyền địa phương quản lý, sau đó địa phương sẽ giao lại cho lực lượng công an sử dụng. Một khi chính quyền địa phương đã trở thành chủ đầu tư của hệ thống thì việc trích ngân sách để sửa chữa sẽ dễ dàng hơn.

Theo các cơ quan chức năng,  trước sự phát triển của xã hội và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì việc phát triển hệ thống camera an ninh là rất cần thiết. Tuy nhiên, như thực tế đã phân tích ở trên cho thấy công tác xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề mấu chốt là nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng không được duy trì dẫn đến nhiều thiết bị không sử dụng được.

Do đó, theo công an các địa phương, bên cạnh xây dựng hệ thống camera mới, chính quyền địa phương cũng cần tận dụng camera trong dân để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát công tác đảm bảo ANTT. Để thực hiện tốt vấn đề này, trước hết các cấp chính quyền và công an các địa phương phải thực sự tâm huyết với mô hình này. Trên cơ sở đó thông qua công tác phát động phong trào, công tác Dân vận sẽ thường xuyên vận động nhân dân, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hỗ trợ để duy trì hệ thống camera an ninh.

Theo Công an TP.Biên Hòa, hiện thành phố đang triển khai đề án thành phố thông minh, trong đó có hệ thống camera an ninh. Công an TP.Biên Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu các giải pháp để tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa triển khai. Ngoài sự vào cuộc chung tay của mỗi người dân trong chủ trương xã hội hóa lắp đặt camera an ninh thì đề án sẽ góp phần xây dựng mô hình ngày càng hoàn thiện và bền vững.

Trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định  một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh là phải đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động trong công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng phát huy vai trò tích cực của người dân trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Bên cạnh đó lực lượng công an phải tập trung xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có mô hình camera an ninh.

Thành Vinh

 

Tin xem nhiều