Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng kết nối chủ động về nguyên liệu

11:03, 30/03/2020

Với 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới về tốc độ mở cửa và hội nhập sâu. Theo đó, giao thương mở rộng, xuất khẩu tăng cao.

Với 12 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, Việt Nam nằm trong tốp đầu thế giới về tốc độ mở cửa và hội nhập sâu. Theo đó, giao thương mở rộng, xuất khẩu tăng cao. Chính phủ đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp, từng bước chủ động về nguyên liệu, giảm bớt lệ thuộc.

Sản xuất linh kiện cho máy móc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cung ứng cho một số tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và xuất khẩu. Ảnh: K.Minh
Sản xuất linh kiện cho máy móc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cung ứng cho một số tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và xuất khẩu. Ảnh: K.Minh

[links()]Trong các khu công nghiệp của Đồng Nai có 1.487 dự án đang hoạt động, có gần 40% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Hiện Đồng Nai tiếp tục ưu tiên mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào CNHT để góp phần cùng cả nước giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tăng xuất siêu.

* Gia tăng nguyên liệu ngành chủ lực

Trên lĩnh vực công nghiệp những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng. Đây cũng là những mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao gia tăng được nguồn nguyên liệu cho các ngành chủ lực và những ngành sản xuất khác để bớt lệ thuộc vào nhập khẩu.

Đồng Nai đang phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều từ 3 thị trường là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng trong năm 2019, các DN Đồng Nai đã phải nhập nguyên liệu từ 3 thị trường trên với kim ngạch khoảng 7,68 tỷ USD, chiếm hơn 47% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Trong đó, Trung Quốc khoảng 3,27 tỷ USD, Hàn Quốc 2,61 tỷ USD và Đài Loan gần 1,8 tỷ USD.  Nguyên liệu Đồng Nai đang nhập nhiều là sắt, thép, da giày, vải, sợi, linh kiện máy móc, thiết bị...

Theo ông Helmut Bode, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Schaeffler tại châu Á - Thái Bình Dương, năm 2019, tập đoàn đã đầu tư gần 50 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất các loại vòng bi hiện đại nhất khu vực ở Khu công nghiệp Amata
(TP.Biên Hòa). Sản phẩm của nhà máy tại Đồng Nai xuất khẩu sang nhiều nước và tập đoàn đang lên kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để thuận lợi cho sản xuất. Hiện nhà máy tại Đồng Nai đang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lên đến gần 90%.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai cho hay: “Do phải nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc nên khi nước này xảy ra dịch bệnh Covid-19, nguồn cung giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhiều công ty trong nước. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các DN đều ưu tiên chọn nguyên liệu trong nước, vì thế những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá bán không quá cao so với nhập khẩu đều được lựa chọn”. Qua đợt dịch Covid-19 này là thời điểm để nhìn nhận, đánh giá rõ hơn sản xuất của ngành công nghiệp. Điểm yếu của công nghiệp Việt Nam và Đồng Nai nằm ở khâu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

* Gia tăng kết nối cung - cầu

Theo báo cáo trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai trong quá trình hội nhập của UBND tỉnh thì năm 2019, ngành CNHT của Đồng Nai đã xuất khẩu gần 10,2 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: xơ sợi dệt, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, sản phẩm chất dẻo... Đó cũng là những ngành hàng các DN Đồng Nai đang phải nhập nguyên liệu nhiều phục vụ cho sản xuất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào của DN kia. Nếu kết nối được các DN này với nhau sẽ tăng nguồn cung nguyên liệu tại chỗ, giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu. “Khoảng 2-3 năm trở lại đây, ngoài xúc tiến thương mại ra nước ngoài, tỉnh còn chú ý đến xúc tiến thương mại tại chỗ. Mục đích tạo cơ hội để các DN trong nước gặp gỡ DN FDI trên địa bàn tỉnh trao đổi kinh nghiệm, hợp tác để cung ứng sản phẩm cho nhau” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay.

Do chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT và đến xúc tiến thương mại tại chỗ nên Đồng Nai đã xuất siêu sớm hơn cả nước 3 năm. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu cần thêm sự hợp tác cấp vùng, khu vực và từng lĩnh vực riêng, như vậy các DN dễ dàng tìm được đối tác hơn. Đồng thời, thông qua đó, DN có thể liên kết hợp tác và đặt hàng nhau, làm gia tăng nguồn cung nguyên liệu trong nước, giảm bớt nhập khẩu.

Đầu tư sản xuất nguyên liệu tăng nhanh

Trên địa bàn tỉnh có gần 610 DN trên lĩnh vực CNHT. Trong đó, CNHT ngành cơ khí chế tạo có 254 DN, chiếm gần 42% trong tổng số DN CNHT của tỉnh; CNHT cho ngành dệt may có 137 DN, chiếm 23%; CNHT ngành giày dép khoảng 110 DN; CNHT ngành điện tử là 79 DN và gần 30 DN CNHT sản xuất các sản phẩm cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Các DN trên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 45 dự án đầu tư mới của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực CNHT, chiếm gần 50% vốn đầu tư mới. Năm 2019, giá trị của ngành CNHT tỉnh đạt 119,82 ngàn tỷ đồng và mức tăng trưởng của ngành này bình quân 6,7-8%/năm.

 Khánh Minh

Tin xem nhiều