Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi mới lớn có cần biết "chuyện ấy" ?

11:08, 11/08/2006

Vừa qua, một số nhà cung cấp thông tin cho mạng di động đưa ra nhiều vấn đề và nhiều nội dung về chuyện giới tính và tình dục trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở đây chúng tôi không bàn về mục đích kinh doanh của loại dịch vụ này mà chỉ xem xét ở khía cạnh sức khỏe và yếu tố phát triển tâm sinh lý để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "tuổi thanh thiếu niên có cần biết chuyện ấy?"

Sinh viên Trường ĐHDL Lạc Hồng dự một buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản.

Vừa qua, một số nhà cung cấp thông tin cho mạng di động đưa ra nhiều vấn đề và nhiều nội dung về chuyện giới tính và tình dục trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở đây chúng tôi không bàn về mục đích kinh doanh của loại dịch vụ này mà chỉ xem xét ở khía cạnh sức khỏe và yếu tố phát triển tâm sinh lý để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "tuổi thanh thiếu niên có cần biết chuyện ấy?"

 

* Tò mò tìm hiểu về "chuyện ấy"

 

HN., 16 tuổi, là học sinh lớp 10 của một trường chuyên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến Trung tâm tham vấn tâm lý thuộc Bệnh viên tâm thần trung ương 2 với tâm trạng lo sợ, mệt mỏi và mất hứng thú trong học tập... H.N. được xác định bước đầu là mắc bệnh trầm cảm và được yêu cầu đến cơ sở tâm thần để được giúp đỡ. Cha mẹ là giáo viên nên cả hai anh em H.N. đều được giáo dục rất kỹ lưỡng. Dường như cả hai anh em chỉ biết học mà không quan tâm nhiều đến các mối quan hệ xung quanh. Cách đây 6 tháng, H.N. được một bạn cùng lớp cho xem một tin nhắn qua điện thoại di động với những nội dung về vấn đề tình dục mà chỉ người lớn mới nên xem như cách giao hợp cho dễ, vùng nhạy cảm của phụ nữ ở chỗ nào... Là một cậu con trai mới lớn, H.N. rất tò mò với những nội dung trong tin nhắn và những điều đó cứ lởn vởn trong đầu em . Sau đó, em bắt đầu mơ tưởng đến các cô gái đẹp, gợi cảm, tò mò xem các đĩa phim có nội dung đồi trụy mà bạn bè cho mượn. Một thời gian sau, em bắt đầu thủ dâm và theo em kể thì thường một ngày em thủ dâm 2 - 3 lần. Gần đây em dường như mất hứng thú, mệt mỏi, học hành sa sút và thường rơi vào trạng thái lo lắng bởi em cho rằng thủ dâm quá nhiều thì sau này sẽ không thể sinh con được.

Còn H.L., 17 tuổi, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng lại có một kết cục khác. Khi lên lớp 10, em có quen và yêu một bạn trai. Đó là tình yêu học trò chứ chưa vượt quá giới hạn. Nhưng khi bắt đầu lên lớp 11, bạn trai của em luôn đòi hỏi "chuyện ấy" mỗi khi đi chơi cùng nhau ở những nơi vắng vẻ. Lúc đầu em cương quyết từ chối, thậm chí còn kể chuyện đó với mẹ để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, cách đây 6 tháng, bạn trai thường gửi cho em những tin nhắn với nhiều nội dung nóng bỏng về tình dục và những lời lẽ nồng nàn, khiêu gợi. Thời gian đầu em rất giận và dường như không thèm đọc lại những tin nhắn đó, cho đó là những trò đùa của bạn trai. Tuy nhiên, điều đó lại ám ảnh em và lôi kéo em vào sự tò mò. Em bắt đầu coi tin nhắn và thường xuyên cùng bạn bè nói về "chuyện ấy". Các bạn của em còn cho rằng thanh niên ngày nay cần phải biết "chuyện ấy" mới là "sành điệu" và hiểu biết. Mưa dầm thấm đất và kết quả là em đã không cưỡng lại cảm xúc của mình. Hậu quả là em đã có thai. Lo lắng tột độ, em không biết phải tự xử lý như thế nào. Bạn trai của em cũng hoang mang không kém. Cũng may là sau đó các em đã nói chuyện này với người lớn để mọi người tìm cách giải quyết. Các em vẫn đi học lại bình thường nhưng hậu quả về mặt tâm sinh lý để lại là rất nặng nề đối với cả hai.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp ở lứa tuổi thanh thiếu niên bị những hậu quả đáng tiếc do không hiểu biết về tình yêu, giới tính và tình dục. Sự không hiểu biết dẫn đến việc các em phải đi nạo phá thai ở lứa tuổi học trò và bị những sang chấn tâm lý nặng nề, lâu dài.

 

* Tuổi mới lớn có cần biết "chuyện ấy"?

 

Trong một cuộc thăm dò bỏ túi mà chúng tôi thực hiện ở các phụ huynh có con từ 11 đến 17 tuổi trong một cuộc nói chuyện về giáo dục giới tính tuổi thanh thiếu niên, có đến hơn 90% các bậc phụ huynh cho rằng, trẻ em tuổi thanh thiếu niên chưa cần biết "chuyện ấy". Các bậc cha mẹ cho rằng đa số trẻ ở lứa tuổi này vẫn còn trong sự bảo bọc của cha mẹ, các em chưa hiểu biết nhiều chuyện, do đó rất dễ rơi vào cạm bẫy khi quá tò mò muốn biết về những điều "cấm kị". Nhiều bậc phụ huynh còn cho rằng, thanh thiếu niên biết "chuyện ấy" quá sớm thường bị hư hỏng và sa ngã. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý, ở lứa tuổi này trẻ thường có tâm lý muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh, muốn trải nghiệm và thể hiện bản thân mình. Bên cạnh đó, tâm sinh lý của các em chưa ổn định và thường hay thay đổi suy nghĩ theo dư luận trong nhóm bạn đồng lứa. Do vậy, việc cho các em tiếp cận sâu các vấn đề tế nhị của người lớn quá sớm là không tốt. Tuy nhiên, cần thiết phải giáo dục các em về giới tính và các vấn đề liên quan để các em không quá tò mò và tự biết phải làm gì để có thể vượt qua những cạm bẫy, có các biện pháp phòng tránh các bệnh lý lây lan qua đường tình dục và nhiều vấn đề khác liên quan đến tâm sinh lý của các em . Vấn đề là phải giáo dục cho các em một cách khoa học và tế nhị, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của các em. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm cấm các loại hình văn hóa đồi trụy đến với các em, dù điều này rất khó và đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhiều ngành. Trong giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên. Muốn vậy, những bậc cha mẹ phải có kiến thức và phải hiểu con để có thể chia sẻ và lắng nghe, tư vấn cho con và định hướng cho con vào việc học tập, sinh hoạt lành mạnh, tránh tình trạng bị ám ảnh bởi "chuyện ấy".

Lê Minh Công

(Phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng,BV Tâm thần TW2)

 

 

Tin xem nhiều