Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế rắc rối trong giao dịch dân sự

10:11, 22/11/2020

Theo quy định của pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

Theo quy định của pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

Người dân thắc mắc về giao dịch dân sự với luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh tại buổi tuyên truyền pháp luật ở xã Bàu Hàm, H.Thống Nhất vào tháng 11-2020. Ảnh: Đoàn Phú
Người dân thắc mắc về giao dịch dân sự với luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh tại buổi tuyên truyền pháp luật ở xã Bàu Hàm, H.Thống Nhất vào tháng 11-2020. Ảnh: Đoàn Phú

Đây là một trong những vấn đề gặp vướng mắc trong việc xác lập các giao dịch dân sự về: tặng cho tài sản, di chúc, công chứng, kết hôn với người nước ngoài…

* Phát sinh tranh chấp vì thiếu giấy khám sức khỏe tâm thần

Trong quá trình tặng cho tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho con trai út, ông T.V.M. (70 tuổi) và bà N.T.L. (65 tuổi) cùng ngụ P.Thanh Bình (TP.Biên Hòa) bị người con trai khác (tên là T.V.Đ.) cho là không hợp pháp nên khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy hợp đồng trên. Cơ sở pháp lý mà ông Đ. đưa ra là mẹ ông bị bệnh nhiều năm, ngồi xe lăn, sinh hoạt hằng ngày phải được người khác chăm sóc nên mất đi sự minh mẫn, hạn chế năng lực dân sự trong giao dịch. Chính vì vậy, hợp đồng tặng cho tài sản người con trai út khi mẹ ông thiếu minh mẫn, nhận thức, không làm chủ hành vi thực hiện là vi phạm pháp luật về giao dịch dân sự.

Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, dù pháp luật không bắt buộc bà L. phải có giấy khám sức khỏe tâm thần khi thực hiện giao dịch tặng cho tài sản. Tuy nhiên, để giao dịch có hiệu lực, có cơ sở pháp lý vững chắc khi phát sinh tranh chấp thì bà L. nên bổ sung thêm giấy này hoặc do người đại diện theo pháp luật cho bà xác lập, thực hiện giao dịch chứ không phải bà.

“Người đại diện theo pháp luật của bà L. phải là người giám hộ cho bà. Người đó là ông M. hoặc những người con của bà. Chính vì vậy, việc ông M., bà L. thực hiện giao dịch tặng cho tài sản như đã nói ở trên thiếu đi yếu tố pháp lý quan trọng là giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần hoặc người đại diện theo pháp luật thực hiện. Cho nên, căn cứ vào khiếm khuyết này, việc ông Đ. khởi kiện yêu cầu tòa án hủy hợp đồng giao dịch là có cơ sở” - luật sư Hà bày tỏ.

Tương tự như trên, ông T.C.K. khởi kiện ông T.C.M. ra tòa để yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng tặng cho QSDĐ, hủy giấy chứng nhận QSDĐ và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với căn nhà và đất tọa lạc tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) do cha mẹ tặng cho ông T.C.M. Ông T.C.K. cho rằng, trước đây, khi đăng ký hồ sơ nhà đất, mẹ của ông còn tự viết, ký tên trong hồ sơ đăng ký nhà đất và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng tại thời điểm ký hợp đồng tặng cho thì công chứng viên xác định cha mẹ ông T.C.M. già yếu, và mẹ không biết viết nên mới nhờ bà H.T.H. tham gia ký tên, điểm chỉ vào bản hợp đồng tặng cho với tư cách làm chứng. Từ đó, công chứng viên đã chứng thực hợp đồng tặng cho QSDĐ này và ông T.C.M. đã sang tên chủ quyền. Trong khi đó, bà H.T.H. xác định, không nhìn thấy cha mẹ ông T.C.M. ký, điểm chỉ vào bản hợp đồng tặng cho QSDĐ mà vì chỗ quá thân tình nên ký giùm. Do đó, ông T.C.K. không đồng ý giá trị pháp lý của hợp đồng tặng cho QSDĐ nêu trên và gửi đơn khởi kiện để nhờ tòa phân xử.

“Nếu công chứng viên yêu cầu cha mẹ ông T.C.M. đi khám sức khỏe tâm thần, trên cơ sở kết luận của bệnh viện về trạng thái tinh thần của cha mẹ ông T.C.M. để từ đó công chứng viên quyết định chứng thực hợp đồng hoặc từ chối chứng thực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, và có lẽ sẽ không xảy ra tranh chấp như ngày hôm nay” - luật sư Lê Tấn Tý (Đoàn Luật sư Đồng Nai ) nói.

* Tòa án có thẩm quyền tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự

Theo luật sư Cao Sơn Hà, tùy từng loại giao dịch dân sự mà pháp luật quy định có hay không có giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần. Tuy vậy, với những trường hợp già yếu hoặc mắc bệnh khác mà vẫn đủ năng lực, nhận thức, làm chủ được hành vi thì khi giao dịch nên có thêm thủ tục này và được cơ sở y tế có chuyên môn khám về tâm thần xác nhận có đủ năng lực, sức khỏe tâm thần trong giao dịch dân sự.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cũng cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015,  khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự.

Theo luật sư Đức, chỉ khi có quyết định của tòa án tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người đó mới bị coi là đã mất năng lực hành vi dân sự.  Đồng thời, việc tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần.

“Khi người dân có yêu cầu, tòa án sẽ phối hợp với cơ quan y tế thực hiện giám định pháp y tâm thần đối với người được yêu cầu và quyết định của tòa án khi tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải dựa trên kết quả giám định đó” - luật sư Đức cho biết.

“Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu” - luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh nhấn mạnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều