Trong khi nhiều doanh nghiệp phải đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ giảm quy mô đến ngừng hoạt động thì có một số doanh nghiệp vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan.
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) phải đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ giảm quy mô đến ngừng hoạt động thì có một số DN vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Nhờ sự nỗ lực và nhạy bén trong điều hành và tìm kiếm thị trường, các DN này đang “ngược dòng” làn sóng suy giảm, gầy dựng thêm thực lực cho các bước phát triển mới.
Sản phẩm thạch dừa của GC Food (H.Trảng Bom) đang tìm đường để tiến ra thế giới. Ảnh: V.Gia |
Mặc dù vậy, những điểm sáng ấy vẫn không thể phủ nhận những thách thức sẽ ngày càng phức tạp hơn đang chờ đón cộng đồng DN nói chung. Bên cạnh nỗ lực tự thân, DN cần nhiều hơn sự hỗ trợ, nhất là việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
* Giữ ổn định và tăng trưởng
Tuy thị trường trong và ngoài nước có nhiều khó khăn nhưng năm 2022, Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food, Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong sản xuất, kinh doanh. Doanh thu năm 2022 đạt 430 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Trên cơ sở những kết quả đó, năm 2023, GC Food đặt mục tiêu doanh thu tăng 22%. Trong 3 năm tới, DN sẽ đầu tư thêm hơn 400 tỷ đồng vào kỹ thuật công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu ra thế giới.
Chủ tịch HĐQT GC Food Nguyễn Văn Thứ cho hay, sau các sản phẩm từ nha đam, nông sản tươi thì DN đang lên kế hoạch đưa sản phẩm thạch dừa xuất khẩu ra thế giới. Từ sự tăng trưởng của sản phẩm thạch dừa, công ty sẽ tập trung đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất, nâng công suất lên 30 ngàn tấn/năm.
Ở lĩnh vực cơ khí - xây dựng, Công ty TNHH Cửa An Gia (H.Long Thành) định hướng các sản phẩm của mình ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Nguyên vật liệu dành cho chế tác của DN được nhập khẩu về từ Đức và ký kết hợp đồng làm đối tác độc quyền sản phẩm.
Giám đốc công ty, ông Đinh Đức Điền chia sẻ, từ tháng 4-2023, DN nhận được nhiều hợp đồng từ khách hàng hơn và một số công trình đang phải thúc tiến độ để kịp bàn giao. Trong bối cảnh nhiều DN còn khó khăn, việc công ty bước vào thời gian cao điểm sản xuất là nỗ lực rất lớn trong phục hồi và phát triển.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Đại Sỹ Phú (TP.Biên Hòa) chuyên lĩnh vực kinh doanh điện máy, nội thất nhà bếp vừa khai trương thêm một cửa hàng ở đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Theo ông Đỗ Vĩnh Sỹ, Giám đốc công ty, việc mở rộng khâu phân phối sản phẩm sẽ giúp thương hiệu Vua bếp của DN gần gũi hơn với khách hàng. Đồng thời, DN có điều kiện hợp tác với các nhãn hàng sản phẩm lớn, trở thành đầu mối phân phối và cũng là xây dựng các đại lý thứ cấp của mình ở khắp cả nước.
Để phát triển bền vững, các DN cần tính toán thêm về lâu dài, nhất là nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính, đồng thời hướng đến sản xuất xanh, bảo vệ môi trường. |
* Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong thực tế, tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của cộng đồng DN vẫn còn rất khó khăn. Một khảo sát mới đây từ gần 10 ngàn DN cho thấy, có hơn 80% trong số đó có nguy cơ phải giảm quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế những tháng còn lại trong năm đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Từ đầu năm đến nay, những DN phục hồi tốt có kết quả tăng trưởng khá nhưng chưa thật sự vững vàng, sóng gió vẫn đang chờ đón phía trước. Bởi kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn suy thoái, lạm phát tăng cao, rủi ro vẫn rình rập. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn khó đoán định, xuất khẩu giảm. Do đó, DN vẫn phải nỗ lực cải thiện năng lực.
Cùng với việc tìm cách tồn tại, DN phải tính tới những bước đi dài hạn như: phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất ngày càng cao từ các thị trường phát triển, nhất là các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững và những biện pháp phòng vệ thương mại khác...
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, trong tháng 9 tới, GC Food và một số DN trong nước sẽ có chuyến thăm và làm việc tại các quốc gia khu vực Ả-rập và Bắc Phi nhằm tìm thêm thị trường mới cho hàng Việt. Bên cạnh tự nỗ lực xoay xở của các DN thì những hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường mới từ ngành Công thương, các địa phương, cơ quan tham tán thương mại Việt Nam nước ngoài cần được đẩy mạnh, nhất là hỗ trợ khâu kết nối, cập nhật thông tin thị trường, giúp DN thích ứng các biến đổi.
Văn Gia