Với bất kỳ một doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nào, những thành công trong kinh doanh luôn là mục tiêu hướng đến. Nhưng phía sau những kết quả hào nhoáng của DN, một chặng đường khởi nghiệp đầy cam go, thử thách, có thành công ngọt ngào nhưng cũng nếm trải không ít cay đắng, nhiều khi rất cô đơn.
Với bất kỳ một doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nào, những thành công trong kinh doanh luôn là mục tiêu hướng đến. Nhưng phía sau những kết quả hào nhoáng của DN, một chặng đường khởi nghiệp đầy cam go, thử thách, có thành công ngọt ngào nhưng cũng nếm trải không ít cay đắng, nhiều khi rất cô đơn.
Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế |
Để đứng vững và xây dựng thương hiệu trên thị trường, các chủ DN cho rằng, hơn ai hết họ phải đủ bản lĩnh mới có thể lèo lái con thuyền vượt qua được những thời điểm sóng gió, trở thành chỗ dựa cho cả đoàn người phía sau mình.
* Năng động, bản lĩnh để xây dựng cơ nghiệp
Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (Glopaco) thành lập năm 2011. Giai đoạn đầu, công ty chuyên mua đi bán lại các mặt hàng bao bì trên thị trường. Trong thời gian hoạt động, quy mô công ty ngày càng lớn mạnh và từng bước xây dựng được bộ máy phòng ban, nhân sự như một DN sản xuất ổn định, tạo tiền đề để từ năm 2015 trở đi bắt tay vào sản xuất bao bì. Từ năm 2017 đến nay, DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm cao cấp hơn, đủ chủng loại và liên tục mở rộng thêm các nhà máy mới ở TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và tỉnh Long An.
Cho tới hiện tại, DN đã xây dựng được 4 nhà máy lớn, nhỏ để cung ứng các loại bao bì khác nhau. Mỗi nhà máy cũng có nhiệm vụ riêng trong quá trình sản xuất. Đi lên từ thương mại, Ban lãnh đạo Công ty Glopaco đã và đang hướng tới việc xây dựng tổ hợp DN thành công ty cung ứng bao bì chuyên nghiệp, khép kín và có khả năng cung ứng số lượng lớn ra thị trường.
Làm lại từ đầu sau khi bỏ lỡ thành quả của hơn 10 năm gầy dựng, dù tiếc nuối là rất lớn nhưng ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN HẢI cho rằng, còn người, còn niềm tin là sẽ có tất cả. |
Năng động, bản lĩnh là cách mà chủ DN này - ông Phạm Văn Chính cùng các cộng sự đã thể hiện. Đặc biệt, những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 và tác động của tình hình chính trị thế giới đã gây nhiều khó khăn, dưới sự lèo lái của Ban lãnh đạo, công ty vẫn đạt kết quả đáng mong đợi, doanh thu các năm gần đây tăng trưởng 20%. Dù đã xây dựng được vị thế khá vững chắc với số khách hàng truyền thống đang hợp tác, nhưng để có thể phát triển mạnh hơn thì tiếp tục hiện đại hóa quản trị sản xuất, quản trị nhân sự và đầu tư công nghệ rất cần thiết.
Theo ông Phạm Văn Chính, ngành bao bì đang cạnh tranh gay gắt, có nhiều DN sản xuất thâm nhập vào thị trường nhưng cũng có nhiều đơn vị lặng lẽ rút lui. Nhiều đơn vị lại đứng trước sự thâu tóm của các DN nước ngoài, do đó phải thật sự tỉnh táo. Không bỏ trứng vào một giỏ, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mới là hướng đi lâu dài.
Với ông Lê Đức Huỳnh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức của ông đã có thâm niên 27 năm. DN trở thành một trong những nhà cung cấp uy tín cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Ban đầu, Huỳnh Đức chỉ là một cơ sở sản xuất cơ khí đơn thuần tại Biên Hòa. Sau gần 30 năm phát triển, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức đã vươn lên trở thành DN tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Công ty hiện đã xây dựng được các nhà máy hiện đại ở Đồng Nai và TP.Đà Nẵng, đồng thời tiến mạnh vào lĩnh vực sản xuất, cung ứng các mặt hàng CNHT.
Bền bỉ gầy dựng cơ nghiệp, ông Lê Đức Huỳnh cho hay, yêu cầu thời cuộc buộc mình phải liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực cho sản xuất. Đây là cách mà DN chú trọng để mở ra những cơ hội thâm nhập vào chuỗi cung ứng sản xuất. Điều đó đã giúp công ty nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt nhất với các công đoạn sản xuất thân thiện môi trường, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác.
Trong 2 năm gần đây, Công ty Huỳnh Đức đã đăng ký tham gia các chương trình nhằm tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất tại thị trường Việt Nam và thế giới. Hiện nhà máy sản xuất của công ty tại TP.Đà Nẵng đã được địa phương công nhận là DN CNHT. Với nhà máy tại Đồng Nai, Công ty cũng đang hoàn thiện các thủ tục để được tham gia.
* Phía sau ánh hào quang
Có lẽ đây là điều mà ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ giá trị cao xuất khẩu thực sự thấu hiểu hơn ai hết. Khởi nghiệp từ một xưởng sản xuất nhỏ, đã có lúc DN của ông đạt giá trị xuất khẩu hàng hóa mỗi năm hàng triệu USD. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ông lại coi mình đang ở giai đoạn tái khởi nghiệp.
Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 quét qua toàn thế giới để lại những “di chứng” nặng nề, DN của ông Nguyễn Đức Tuấn Hải cũng không ngoại lệ. Đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu tư tăng cao, nguồn tiền đổ vào phòng, chống dịch và những khó khăn mấy năm trước chưa khắc phục được thì lại đổ vỡ trong hợp tác, kinh doanh. Điều đó buộc ông phải chấm dứt hợp tác với cổ đông và làm thủ tục phá sản DN để tìm lối đi của riêng mình. Làm lại từ đầu sau khi bỏ lỡ thành quả của hơn 10 năm gầy dựng, dù tiếc nuối là rất lớn lao nhưng ông Nguyễn Đức Tuấn Hải cho rằng, còn người, còn niềm tin là sẽ có tất cả.
Các DN cho rằng, với bối cảnh hiện nay, không bỏ trứng vào một giỏ, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mới là hướng đi lâu dài, bền vững. |
Dưới góc độ khác, khi nhìn từ thành quả hôm nay nghĩ về năm xưa, ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh vẫn còn nhớ như in, DN phải trải qua một thời kỳ điêu đứng. Ngày nay, DN của ông đã xây dựng được trang trại nuôi chim cút lấy trứng với tổng đàn lên hơn 450 ngàn con, được coi là lớn nhất Việt Nam, bên cạnh đó còn tiêu thụ sản phẩm cho 30 cơ sở vệ tinh khác. Sản phẩm trứng cút ăn liền chế biến sẵn của công ty ông đã xuất khẩu được qua Nhật Bản, thế nhưng có thời kỳ tưởng chừng như ông phải bỏ nghề.
20 năm trước, khi công việc làm ăn đang phát triển, cúm gia cầm ập đến, chim cút nhiễm bệnh chết hàng loạt, cả một vùng chăn nuôi xác xơ. Trại cút của ông với hàng ngàn chim cút mái và trứng bị “cuốn phăng”, chim cút nhiễm bệnh buộc trang trại phải tổ chức tiêu hủy toàn bộ, mất sạch cả vốn.
Cơ nghiệp thời điểm ấy rất lớn, cú sốc đó khiến gia đình gần như suy sụp, cứ ngỡ như sẽ không thể hồi phục lại được. Gượng lại sau cơn khốn khó, ông Phạm Văn Thịnh từng bước đưa việc kinh doanh của mình lên quy chuẩn cao hơn, đảm bảo an toàn theo định hướng xuất khẩu. May mắn trụ vững và tiếp tục gặt hái được kết quả cao hơn giúp ông có thể thực hiện những niềm đam mê của mình.
Xưa nay, thương trường được ví như chiến trường, thành công hôm nay chưa chắc thành công về mai sau. Ngược lại, thất bại hay lùi bước trước mắt đôi khi sẽ tạo đà để DN tìm hướng phát triển mới. Ẩn sau các DN là những câu chuyện dài mà khó ai có thể kể hết trong ngày một, ngày hai. Thấu hiểu điều đó, thời gian gần đây, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai mà cụ thể là Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Biên Hòa đã mở một diễn đàn để các doanh nhân có thể chia sẻ những câu chuyện của mình.
“Doanh nhân và những câu chuyện thật” sẽ là chủ đề của diễn đàn được tổ chức hàng tháng bên cạnh những chương trình kết nối, đào tạo, hỗ trợ hội viên khác. Những câu chuyện thật của các doanh nhân bao gồm cả những kinh nghiệm, bài học. Trong số đó, có không ít khó khăn, thất bại mà các DN đã trải qua, có những thời điểm quyết định cho sự sống còn trong kinh doanh, điều mà ít người được biết đến sau những bản báo cáo doanh thu hào nhoáng, các kết quả lợi nhuận tiền tỷ...
Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân trẻ TP.Biên Hòa Phạm Thế Linh chia sẻ: “Câu chuyện doanh nhân” sẽ là chương trình được đơn vị tổ chức thường xuyên trong tương lai. Đây là cơ hội để chủ DN trải lòng, đồng thời tăng cường giao lưu, học hỏi, tăng tính gắn kết giữa các hội viên. Từ đó, góp phần tập hợp các doanh nhân trẻ trên địa bàn cùng hỗ trợ nhau trong phát triển nghề nghiệp, hợp tác đầu tư, phát triển kinh doanh, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và trình độ quản lý, điều hành.
Vương Thế