Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nhỏ khó vào khu, cụm công nghiệp

07:07, 21/07/2022

Đồng Nai hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó rất nhiều DN sản xuất phải cần mặt bằng để xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, với hơn 95% là DN nhỏ và vừa, để vào được khu sản xuất tập trung tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) là không dễ.

Đồng Nai hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó rất nhiều DN sản xuất phải cần mặt bằng để xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, với hơn 95% là DN nhỏ và vừa, để vào được khu sản xuất tập trung tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) là không dễ.

Sản xuất tại một nhà máy nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại một nhà máy nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Ảnh: V.Gia

Không vào được khu sản xuất tập trung, DN thuê, mua đất ở ngoài để xây dựng nhà máy và mang đến những hệ lụy phải giải quyết.

* Không dễ tiếp cận khu, CCN

Thực tế khảo sát nhiều DN cho thấy, phần lớn DN hiện có quy mô nhỏ, nhu cầu thuê đất chỉ từ 1-3 ngàn m2, thậm chí có DN chỉ cần thuê vài trăm m2 nhưng tại các khu, CCN, DN cho thuê hạ tầng vẫn phân lô với diện tích từ 5 ngàn m2 trở lên. Điều này khiến cho các công ty thứ cấp, công ty mới thành lập rất khó tiếp cận.

Tại hội nghị tiếp xúc với các DN trên địa bàn tỉnh vào ngày 15-7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG cho biết, Đồng Nai đang hướng tới sản xuất theo chiều sâu và thu hút công nghệ tiên tiến, xây dựng môi trường sản xuất quy chuẩn. Do vậy, các DN không sớm thì muộn cũng phải thực hiện theo định hướng chung. Dẫu biết rằng đối với phần đông DN việc đáp ứng các tiêu chuẩn để vào các khu sản xuất tập trung hiện nay là rất khó khăn, nhưng không thể không làm.

Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) Lê Trí Minh cho hay, DN của ông sản xuất tại một CCN “tự phát”. Nhiều năm nay thuê đất sản xuất ở đó, nhưng vì đây là CCN không được phép sản xuất nên tỉnh có chủ trương di dời. Theo ông Minh, hiện tại ở đây có hơn 70 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tới năm 2025, theo quyết định của tỉnh, cụm phải di dời, DN cũng đang hết sức lo lắng. “Hầu hết các DN ở đây đều có quy mô nhỏ và vừa, để di chuyển nhà máy và thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) sẽ rất khó khăn. Giá thuê cao mà nguồn vốn bỏ ra để xây dựng lại nhà máy mới, thiết lập lại quy trình sản xuất cũng rất lớn, DN mong tỉnh xem xét có giải pháp hỗ trợ thêm” - ông Minh bày tỏ.

Tương tự, đại diện Công ty Đạt Bảo Anh (H.Trảng Bom) cho biết, DN hoạt động trong lĩnh vực nội thất và nằm ngoài KCN. DN thành lập vào năm 2014. Thời điểm đó, việc đi tìm thuê đất trong các KCN rất khó khăn và cũng không thuê được, vì chi phí cao đối với một đơn vị nhỏ mới thành lập, do vậy công ty đã mua đất bên ngoài để xây dựng nhà máy. Hiện DN đã xây dựng nhà máy và sản xuất nhiều năm, nhưng địa điểm không nằm trong khu vực quy hoạch đất công nghiệp.

Ngay cả những DN đã thuê được nhà xưởng trong KCN, chi phí mặt bằng cũng khiến họ… đau đầu. Một DN ngành thủ công mỹ nghệ quy mô nhỏ cho hay, DN của ông thuê đất, nhà xưởng trong KCN Hố Nai (H.Trảng Bom) và tốn mỗi tháng 200 triệu đồng tiền mặt bằng nhà xưởng. Đây thực sự là một gánh nặng trong thời buổi nhiều khó khăn đổ dồn như hiện nay.

* Phải hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn

Thiếu kinh phí để thuê đất, nhà xưởng trong khu, CCN, DN “đánh liều” tìm đất nông nghiệp giá rẻ bên ngoài để lập nhà máy và điều đó gây ra hệ lụy lâu dài trong quy hoạch sử dụng đất đai. Xây dựng nhà máy bên ngoài, vướng quy hoạch buộc phải di dời trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

Sản xuất nằm ngoài khu quy hoạch, sản xuất xen kẽ với khu dân cư sẽ gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân. Trên thực tế, tại các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Long Thành…, có nhiều cơ sở sản xuất theo hộ gia đình kết hợp sản xuất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước, gây tiếng ồn quá mức. Đơn cử như khu sản xuất, làng nghề gỗ ở các phường Tân Hòa, Tân Biên (TP.Biên Hòa) có hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ đan xen trong khu dân cư gây bụi, người dân đã nhiều lần phản ánh, hiện tại thực tế này vẫn đang hiện diện.

“Tất cả các DN sản xuất phải vào khu, CCN. Tùy vào tình hình thực tế, địa phương có thể xử lý, hỗ trợ một vài năm để DN sắp xếp. Dứt khoát không để phát sinh thêm tình trạng sản xuất ngoài quy hoạch rồi về sau lại yêu cầu tỉnh xử lý nước thải, xử lý môi trường, hạ tầng… rất tốn kém mà không phù hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhấn mạnh.

Trong khi đó, mục tiêu quy hoạch, xây dựng các CCN với giá phải chăng để cho DN thuê lại rất chậm chạp, không đạt yêu cầu.

Hiện nay, để thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng CCN, HĐND tỉnh đã ban hành một nghị quyết về đầu tư hạ tầng CCN đến năm 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ đồng hành với đơn vị đầu tư hạ tầng bằng cách hỗ trợ đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật chung CCN. Cụ thể là DN đầu tư xây dựng hạ tầng có thể được hỗ trợ 30% tổng mức vốn đầu tư dự án được duyệt, nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng/cụm.

Những năm qua, DN sản xuất nằm ngoài khu, CCN là vấn đề khó khăn mà Đồng Nai đang gặp phải. Quan điểm của tỉnh là để phát triển bền vững thì phải xây dựng, quy hoạch lại sản xuất một cách quy củ. Việc đầu tư các CCN chính là vì mục tiêu sắp xếp lại sản xuất, đưa DN hoạt động bên ngoài vào khu sản xuất tập trung.

Văn Gia

Tin xem nhiều