Xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) vốn giàu truyền thống cách mạng trong quá trình giữ đất, giữ làng. Nơi đây còn nổi danh bởi đặc sản bưởi Tân Triều ngon ngọt. Sau 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), người dân xã Tân Bình nói chung và ở làng bưởi Tân Triều (ấp Tân Triều, xã Tân Bình) nói riêng ngày càng sung túc nhưng vẫn giữ được cốt cách làng quê mộc mạc, yên bình.
Xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) vốn giàu truyền thống cách mạng trong quá trình giữ đất, giữ làng. Nơi đây còn nổi danh bởi đặc sản bưởi Tân Triều ngon ngọt. Sau 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), người dân xã Tân Bình nói chung và ở làng bưởi Tân Triều (ấp Tân Triều, xã Tân Bình) nói riêng ngày càng sung túc nhưng vẫn giữ được cốt cách làng quê mộc mạc, yên bình.
Xứ bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, TP.Biên Hòa) - nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Trong ảnh: Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Triều (xã Tân Bình) Phan Hùng Dũng gặp gỡ, trao đổi với những hộ dân hiến đất xây dựng di tích địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước - Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa. Ảnh: Đoàn Phú |
Các ngõ đường vào làng bưởi Tân Triều hôm nay đều được trải nhựa, đổ bê tông với những dãy hoa rực rỡ và vườn bưởi xanh mát, tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp của một xã nông thôn mới nâng cao. Ông Năm Lợt (tức Nguyễn Văn Năm, 86 tuổi, ngụ ấp Tân Triều, xã Tân Bình) bày tỏ, ông rất phấn khởi khi thấy quê hương ngày càng đổi mới, giàu mạnh.
* Vùng đất kiên trung, bất khuất
Xã Tân Bình có diện tích tự nhiên trên 1.116ha, 5 đơn vị ấp: Bình Ý, Bình Phước, Bình Lục, Tân Triều, Vĩnh Hiệp với trên 3 ngàn hộ dân. Trong kháng chiến, vùng đất Tân Bình tự hào khi có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào kiên trung, bất khuất, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Nơi đây còn tự hào khi có chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa là Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều được thành lập vào tháng 2-1935 để lãnh đạo, tập hợp sức mạnh nhiều lực lượng kháng chiến chống áp bức, xâm lược, giành độc lập dân tộc.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Tạ Quốc Sỹ cho biết, xã Tân Bình được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1989 và xứ bưởi luôn tự hào khi có những chiến sĩ cách mạng (Hoàng Minh Châu, Huỳnh Xuân Phan, Phạm Văn Thuận…), 130 liệt sĩ (Lê Văn Cho, Phạm Văn Ái, Trương Văn Hóa…), 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng (Nguyễn Thị Thiệt, Phan Thị Tím, Trần Thị Chơn…) lưu danh muôn đời.
Lão thành cách mạng Năm Lợt (ngụ xã Tân Bình) mong muốn phát triển thương hiệu đặc sản bưởi Tân Triều ra thế giới. Ảnh: Đoàn Phú |
Cũng theo lời nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Tạ Quốc Sỹ, trong các cuộc kháng chiến, Tân Bình là nơi trọng yếu, cửa ngõ của căn cứ địa cách mạng Chiến khu Đ, là bàn đạp để quân và dân ta tiến công các cơ quan đầu não, hậu cứ, kho tàng của địch ở tỉnh Biên Hòa. Do đó, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngoài mặt dùng bom đạn, vũ lực, địch còn triển khai nhiều hoạt động khủng bố tinh thần nhân dân, thực hiện gom dân lập ấp, bắt bớ dân lành... Tuy nhiên, lòng dân xứ bưởi Tân Triều vẫn một lòng, một dạ sắt son tin và theo Đảng, cách mạng cho đến ngày thắng lợi.
Ngày mà người dân xứ bưởi Tân Triều thoát khỏi thời kỳ “nằm gai, nếm mật” được đánh dấu bằng thời khắc ông Năm Lợt (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng xã Tân Triều, cán bộ cách mạng nằm vùng) chỉ đạo cắm cờ quân giải phóng đầu tiên tại tòa nhà Hội đồng xã Tân Triều (chế độ Việt Nam cộng hòa) vào ngày 28-4-1975. Thấy lá cờ này, lính chế độ cũ Sài Gòn từ các vùng đi ngang qua biết nơi đây đã giải phóng nên tìm đường dạt đi nơi khác. Nhờ sự thông minh, tài trí và khôn khéo đó, ông Năm Lợt đã góp phần tránh đi cuộc đụng độ đẫm máu giữa đôi bên trong thời khắc chiến tranh chuẩn bị chấm dứt.
Ông Năm Lợt bày tỏ, ông luôn tự hào được sinh ra nơi vùng đất có truyền thống cách mạng anh hùng. Nhiều gia đình trong vùng có người thân tham gia kháng chiến hoặc là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Ông còn nhớ mãi hình ảnh quang gánh kẽo kịt của các mẹ, các chị trên đường làng nuôi con, nuôi chồng, cán bộ nằm vùng; dù bụng đói, áo rách, các mẹ, các chị vẫn không sờn lòng, kẻ thù dọa nạt vẫn không khiếp sợ.
* Không ngừng đổi mới và phát triển
Xứ bưởi Tân Triều giờ đây “bừng sáng” cùng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Mỗi gốc bưởi, khu vườn được người dân chăm sóc, phát triển theo quy trình sản xuất bưởi sạch (VietGap, GlobalGap) theo chủ trương của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Cách làm này theo Chủ tịch UBND xã Tân Bình Lê Văn Tài, nhằm mục tiêu đưa đặc sản bưởi Tân Triều đi xa qua các sản phẩm: rượu bưởi, trái bưởi và du lịch nhà vườn, sinh thái vườn.
Đường vào xứ bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, TP.Biên Hòa) ngày nay khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đoàn Phú |
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tân Bình Lê Văn Tài, chính vì khát vọng này của người dân nên Nghị quyết của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ 2020-2025 xác định cơ cấu kinh tế địa phương vẫn là nông nghiệp - dịch vụ. Trong đó, chú trọng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; tăng cường đầu tư khuyến khích phát triển kinh tế vườn theo hướng chuyên canh có kết hợp tạo cảnh quan, phục vụ cho du lịch sinh thái vườn và xây dựng mô hình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Là người có vườn bưởi lớn (trên 7ha) và lưu giữ nhiều giống bưởi Tân Triều quý (đường cam, ổi, đường, thanh trà…), ông Năm Lợt kỳ công gầy dựng vườn bưởi của gia đình với khát vọng giúp con cháu thành đạt, hương bưởi Tân Triều vang xa ở nhiều nước trên thế giới. Để điều này thành hiện thực, ở tuổi 86, ông vẫn chịu khó giao lưu trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi sạch, ngon và nhất là chịu khó giới thiệu bưởi Tân Triều đến tất cả những ai muốn tìm hiểu về loại đặc sản nức tiếng này.
“Những hầm ngầm, bãi tập kết ém quân, hố bom, đường bom đạn cày xới trước kia nay đã được phủ xanh bởi những vườn bưởi xanh mát, trĩu quả, mang lại thu nhập cao cho bà con trong vùng. Du khách đến đây ngoài tham quan, tìm hiểu về lịch sử vùng đất anh hùng còn tấm tắc khen hương vị của trái bưởi Tân Triều ngon ngọt” - ông Năm Lợt tỏ bày.
Những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như hiện nay, người dân xã Tân Bình không quên chọn những trái bưởi ngon, ngọt nhất từ vườn nhà dâng cúng ông bà, những chiến sĩ cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khuất với tấm lòng đầy thành kính và ghi ơn.
“Những khó khăn gian khổ của người dân vùng đất Tân Bình đã qua, nhường chỗ cho sự phát triển và đổi mới. Làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp và được nhiều người biết đến. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, ấm no, sung túc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất này tiếp tục quyết tâm kiến tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu vùng đất anh hùng” - Chủ tịch UBND xã Tân Bình Lê Văn Tài bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ TP.HCM) cho biết: “Về thăm xứ bưởi Tân Triều mang đến cho tôi một cảm giác rất bình yên. Ngoài thưởng thức các đặc sản từ bưởi, tôi còn có điều kiện tìm hiểu về vùng đất từng là căn cứ cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến, được nghe các vị cao niên, lão thành cách mạng kể về vùng đất, con người nơi đây trong thời kỳ kháng chiến rất xúc động. Tôi hy vọng địa phương sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động quảng bá du lịch hơn nữa, có nhiều hoạt động liên kết giữa du lịch về nguồn và du lịch sinh thái để nhiều người biết hơn về “địa chỉ đỏ” ở nơi này”. |
Đoàn Phú