Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế

08:04, 29/04/2021

Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước và là một trong những dự án xây dựng sân bay được mong chờ nhất thế giới, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không thế giới khi hoàn thành xây dựng.

Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước và là một trong những dự án xây dựng sân bay được mong chờ nhất thế giới, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không thế giới khi hoàn thành xây dựng.

Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai nhấn nút khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021
Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai nhấn nút khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào ngày 5-1-2021. Ảnh: Phạm Tùng

[links()]* Trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực

Ngày 5-1-2021, sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng. Đây là “dấu mốc lịch sử”, hiện thực hóa khát vọng xây dựng sân bay lớn nhất cả nước sau gần 20 năm quy hoạch.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 3 - xây dựng các công trình thiết yếu trong sân bay Long Thành do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho ACV làm chủ đầu tư.

Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng, tương đương gần 4,665 tỷ USD.

Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, để nâng cao năng lực cạnh tranh, sân bay Long Thành sẽ được trang bị các hệ thống siêu hiện đại, áp dụng những công nghệ mới nhất hiện nay trong lĩnh vực hàng không. “Đối với sân bay Long Thành, các công nghệ hiện đại tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kỹ thuật số bao gồm các yếu tố internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data); lĩnh vực vật lý bao gồm việc ứng dụng công nghệ robot, giải pháp tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật”- ông Lại Xuân Thanh cho biết.

“Dự án Sân bay Long Thành cùng với các dự án xây dựng đường cao tốc, đường kết nối sân bay sẽ mở ra cơ hội cho Đồng Nai “cất cánh”” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, vào cuối năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Với một dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn, quỹ thời gian 5 năm là khá gấp gáp. Do đó, việc đảm bảo tiến độ xây dựng luôn được đặt ở mức cao nhất.

Theo ACV, để đảm bảo tiến độ đã đề ra, ngay sau lễ khởi công, các lực lượng chức năng đã bắt tay ngay vào việc thực hiện hạng mục đầu tiên của dự án là rà phá bom mìn. Đầu tháng 4-2021, hạng mục tiếp theo là xây dựng hàng rào đối với khu vực xây dựng sân bay Long Thành (khu vực hơn 1.810ha) cũng đã được triển khai thực hiện.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, hiện nay hạng mục san nền, thoát nước toàn sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được triển khai công tác thiết kế. Đây là hạng mục rất quan trọng để phục vụ cho việc triển khai thi công các hạng mục khác thuộc dự án thành phần 3. “Công tác thi công san nền và thoát nước cho zone 1 (khu vực nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay) sẽ được khởi công vào tháng 11-2021. Đây là khâu chuẩn bị nhằm tạo mặt bằng cho việc khởi công hạng mục rất quan trọng là xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ được triển khai vào quý I-2022” - ông Đỗ Tất Bình cho hay.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, Sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Việc đầu tư, hoàn thành dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các sân bay trong khu vực, đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế. Sân bay Long Thành cũng nằm trong tốp 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. “Hệ thống sân bay Việt Nam, trong đó có sân bay Long Thành, sẽ đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

* Sẵn sàng đón đầu thời cơ

Không chỉ là dự án quan trọng trên lĩnh vực giao thông, Sân bay Long Thành còn là dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và cả Đồng Nai nói riêng.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, theo ước tính của tư vấn, đóng góp trực tiếp của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là gần 1% vào GDP chung của cả nước, đồng thời sẽ tạo ra 200 ngàn việc làm mới. “Con số này có thể lớn hơn nếu xét tới tác động lan tỏa của dự án với tổng thể kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, tạo điều kiện giao lưu văn hóa nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam tới khu vực và quốc tế.

Sân bay Long Thành được xây dựng trên địa bàn Đồng Nai, do đó, tỉnh cũng xác định “siêu” dự án này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, khi có sân bay quốc tế nằm ở trên địa bàn tỉnh thì sức lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn, nhất là đối với các vùng huyện của tỉnh. Do đó, Đồng Nai đã và đang nghiên cứu tất cả những lợi thế mà dự án này mang lại để sớm đưa vào quy hoạch nhằm phát triển một cách đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế mà sân bay Long Thành đem lại. “Các định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị khu vực sân bay Long Thành đang được các sở, ngành và UBND H.Long Thành nghiên cứu, đề xuất tích hợp trong quy hoạch xây dựng vùng H.Long Thành. Hiện nay, quy hoạch đang trong quá trình thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Để khai thác tối đa các lợi thế từ sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với sân bay.

Với mục tiêu lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án Sân bay Long Thành của Quốc hội ngày 25-6-2015, sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5 ngàn ha, quy mô đầu tư xây dựng đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh dài 4 ngàn m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay; 1 nhà ga hành khách; đài kiểm soát không lưu; nhà ga hàng hóa cùng các hạng mục phụ trợ đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách để nâng công suất đạt 50 triệu lượt hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án với 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Công suất đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều