Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cuộc ''di dân'' lịch sử

03:04, 29/04/2021

Để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai đã thực hiện một cuộc "di dân" lịch sử, cuộc "di dân" quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai đã thực hiện một cuộc “di dân” lịch sử, cuộc “di dân” quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. 

Ông Đặng Minh Chính thu dọn dần các đồ dùng trong gia đình để chuẩn bị di dời, nhường đất cho dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng
Ông Đặng Minh Chính thu dọn dần các đồ dùng trong gia đình để chuẩn bị di dời, nhường đất cho dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng

[links()]* Hơn 5,5 ngàn hộ dân “nhường” đất cho “siêu” dự án

Năm 1973, khi vừa mới 14 tuổi, ông Đặng Minh Chính cùng gia đình rời quê ở H.Nhơn Trạch đến sinh sống tại khu vực thuộc ấp 11, xã Bình Sơn, H.Long Thành hiện nay để tránh bom đạn chiến tranh. “Lúc đó khu vực này toàn bộ được bao phủ bởi rừng”- ông Chính cho hay.

2 năm sau, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, thay vì trở về quê, gia đình ông Chính quyết định tiếp tục ở lại sinh sống và lập nghiệp tại xã Bình Sơn. Gần nửa thế kỷ gắn bó với vườn rẫy, giờ đây khi đã bước sang tuổi 62, ông Chính đã có cho mình gia tài là gần 2ha đất. Những cây mì, cây đậu, cây bắp đã giúp ông duy trì cuộc sống và nuôi 2 người con ăn học. Bởi vậy, dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đối với ông Chính, mảnh đất nơi ông đang sinh sống chính là quê hương. Và cũng như nhiều người dân khác đang sinh sống tại đây, ông Chính luôn có một ước nguyện được sinh sống trọn đời tại mảnh đất này.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, sau hơn 1 năm thi công, hiện nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ với 47,7km đường giao thông; gần 78km tuyến ống thoát nước mưa; 70km tuyến ống phục vụ cấp nước sạch; hệ thống cấp điện với 52 trạm biến áp, hơn 13km lưới điện trung thế ngầm và gần 60km cáp hạ thế ngầm; hệ thống chiếu sáng với gần 1.800 trụ đèn chiếu sáng lắp đặt hơn 2 ngàn bộ đèn chiếu sáng; hệ thống ống cáp viễn thông dài hơn 31km đã được hoàn thành xây dựng.

Tuy nhiên, ước nguyện đó của ông Chính không thành sự thật khi ấp 11, xã Bình Sơn là khu vực nằm trong vùng quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Gia đình ông Chính cùng với hàng trăm hộ dân khác trong ấp phải di dời để nhường đất cho dự án xây dựng có quy mô lớn nhất cả nước từ trước đến nay. “Có tiếc nuối bởi rời xa mảnh đất đã gắn bó gần như cả cuộc đời là điều không ai mong muốn. Nhưng dù sao mình có đóng góp một ít công sức vào dự án quan trọng của đất nước cũng là niềm tự hào” - ông Chính cho biết.

Cũng như ông Chính, ông Nguyễn Đức Liêm đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất Bình Sơn và xem đây như là quê hương thứ hai của mình. Khởi nghiệp với nghề làm rẫy, về sau khi con cái lớn dần, ông Liêm quyết định chuyển hướng sang nghề mộc. Sau hàng chục năm vừa làm vừa tích cóp để mở rộng quy mô, đến nay, ông Liêm đã làm chủ cơ ngơi gồm 2 xưởng làm nghề mộc rộng 2 ngàn m2 với hàng chục công nhân tham gia sản xuất. “Cơ ngơi cả một đời người nay phải di dời cũng rất tiếc nuối. Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng để phát triển đất nước nên tôi rất ủng hộ. Người dân ở đây đã chờ đợi thực hiện dự án gần 20 năm nay nên cũng mong muốn dự án được triển khai sớm để ổn định cuộc sống mới”- ông Nguyễn Đức Liêm chia sẻ.

Theo UBND H.Long Thành, trong tổng số hơn 5 ngàn ha đất phải thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành có gần 3 ngàn ha đất thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân. Quá trình thu hồi đất, có hơn 5,5 ngàn hộ gia đình, cá nhân phải di dời nơi ở để “nhường” đất cho dự án. “Đây là dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất, có số lượng hộ dân phải di dời lớn nhất từ trước đến nay mà huyện thực hiện. Dù hồ sơ đất đai phức tạp nhưng tiến độ thực hiện công tác bồi thường khá nhanh. Trong đó, sự đồng tình, ủng hộ của người dân với dự án là một trong những yếu tố quan trọng để công tác bồi thường được thực hiện thuận lợi” - ông Lê Văn Tiếp, Quyền Chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết.

* “Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”

Theo UBND H.Long Thành, trong tổng số hơn 5,5 ngàn hộ gia đình phải di dời để nhường đất phục vụ xây dựng sân bay Long Thành có hơn 4,3 ngàn hộ dân đủ điều kiện để bố trí đất tái định cư. Để bù đắp quyền lợi cho các hộ dân đã “hy sinh” quyền lợi riêng vì lợi ích chung của đất nước, Đồng Nai đặt mục tiêu phải tạo lập một nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho những hộ dân vùng dự án Sân bay Long Thành.

Cuối tháng 4-2020, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với diện tích hơn 20ha, phục vụ bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án được chính thức khởi công xây dựng trên địa bàn 2 xã Lộc An và Bình Sơn của H.Long Thành.

Theo Sở LĐ-TBXH, trong số hơn 4,3 ngàn hộ dân với hơn 13,5 ngàn nhân khẩu bị giải tỏa trắng và thuộc diện bố trí tái định cư có 9,7 ngàn người từ 15 tuổi trở lên. Do đó, hiện tỉnh đang triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm để giải quyết việc làm cho người dân ổn định cuộc sống.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với mục tiêu tạo lập một nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho người dân có đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với tiêu chuẩn của một khu đô thị mới, hiện đại và đồng bộ về hạ tầng. “Tất cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật như lưới điện, cấp nước, viễn thông tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đều được ngầm hóa. Các tuyến đường giao thông cũng được xây dựng khang trang và đồng bộ” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cuối năm 2020, khi đi kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn đã đánh giá, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là một khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, có đầy đủ các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế.

Khởi công xây dựng ở ngay thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cho việc thi công xây dựng các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn càng nhân lên gấp bội khi chỉ ít tháng sau khi khởi công, Đồng Nai bước vào thời điểm mùa mưa. Mưa kéo dài trong khi hệ thống thoát nước chưa được xây dựng khiến việc thi công trên công trường nhiều thời điểm buộc phải tạm ngưng vì nền đất quá yếu. “Để đảm bảo tiến độ, thời điểm mùa mưa năm 2020, đơn vị đã bám sát và yêu cầu các nhà thầu phải tranh thủ tối đa thời gian, khi tạnh mưa là phải thực hiện thi công ngay. Ngoài ra, các nhà thầu cũng phải sử dụng máy bơm bơm nước mưa để phục vụ thi công” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho biết.

Vượt qua hàng loạt những khó khăn trên, đến nay, “hình hài” của một khu đô thị hiện đại đã dần được định hình tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ông Đinh Tấn Việt, Chỉ huy phó gói thầu số 34, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho biết, hiện đơn vị thi công đã hoàn thiện, trải nhựa xong tất cả 11 tuyến đường thuộc gói thầu. Nhà thầu đang huy động lực lượng lát đá vỉa hè, trồng cây xanh, kẻ vạch đường, phấn đấu trước ngày 30-4 hoàn thành tất cả các phần việc, bàn giao toàn bộ công trình.

Ông Mai Phong Phú, Phó trưởng phòng Cấp thoát nước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, sau hơn 1 năm thi công, hiện nay các hạng mục hạ tầng cơ bản của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã cơ bản hoàn thành. 4 công trình hạ tầng xã hội gồm các trường học, trụ sở UBND xã và trung tâm văn hóa cũng đang được xây dựng. Cùng với đó, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước đang được thực hiện đấu nối để phục vụ người dân xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống mới. “Từ đầu tháng 4-2021, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã thực hiện cắm mốc đất đối với các lô đất tái định cư tại 5 khu ưu tiên. Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã sẵn sàng đón nhận người dân đến sinh sống” - ông Mai Phong Phú cho biết.

Phạm Tùng

Bài 3: Đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế

 

 

 


 

Tin xem nhiều