Hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ chính là một trong những trở lực ảnh hưởng đến sự phát triển của Đồng Nai nhiều năm qua. Do đó, mục tiêu giao thông 'đi trước mở đường' luôn được tỉnh xác định là mục tiêu mang tính chiến lược.
Hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ chính là một trong những trở lực ảnh hưởng đến sự phát triển của Đồng Nai nhiều năm qua. Do đó, mục tiêu giao thông 'đi trước mở đường' luôn được tỉnh xác định là mục tiêu mang tính chiến lược.
Thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua TP.Long Khánh. Ảnh: Phạm Tùng |
* Mũi nhọn đột phá
Trong gần 2 năm qua, hạ tầng giao thông chính là một trong những lĩnh vực sôi động nhất trong chiến lược đầu tư nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng như của tỉnh đã được khởi công xây dựng nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động xấu đến mọi mặt đời sống.
Trên thực tế, các dự án hạ tầng giao thông được khởi công thực hiện trong thời gian qua có vai trò rất quan trọng, tạo ra sự kết nối để phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Đồng Nai mà còn của cả Vùng kinh tế Đông Nam bộ.
Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 được khởi công vào đầu tháng 1-2021 là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Dự án không chỉ được kỳ vọng tạo ra sự đột phá phát triển, tăng cường năng lực cho ngành hàng không Việt Nam mà còn tạo ra cơ hội phát triển hàng loạt lĩnh vực kinh tế khác cho Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ như: công nghiệp, logistics phát triển đô thị…
Tương tự, dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào cuối năm 2020 khi hoàn thành cũng tạo ra trục giao thông kết nối quan trọng giữa TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh Nam Trung bộ. Đồng thời, giảm tải áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 1 vốn đã trở nên quá tải nhiều năm qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.
Bên cạnh các dự án giao thông quốc gia, thời gian qua, một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đã được khởi công xây dựng.
Tháng 11-2020, dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên, xã Tân An đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An) được khởi công thực hiện.
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 thực hiện nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến dài hơn 20km, nền đường hiện hữu được mở rộng lên 10,5m gồm: mặt đường nhựa rộng 7,5m, lề gia cố rộng 2m (mỗi bên rộng 1m), lề đất rộng 1m (mỗi bên rộng 0,5m). Ngoài ra, dự án cũng thực hiện xây dựng mới 2 cầu gồm cầu Đại An và cầu Ông Tổng; cải tạo 6 cầu hiện hữu gồm: Rạch Lăng, Chùm Bao, Bà Giá, Rạch Cát, Suối Sâu và Suối Sỏi.
Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho rằng, đường tỉnh 768 là tuyến đường huyết mạch kết nối giữa H.Vĩnh Cửu với TP.Biên Hòa và H.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Nhiều năm nay, tuyến đường này bị xuống cấp nặng nề, gây khó khăn cho người dân và phương tiện lưu thông. Do đó, việc thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 sẽ tăng cường khả năng về kết nối giao thông đối với địa bàn H.Vĩnh Cửu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương.
Đối với địa bàn TP.Biên Hòa, 2 dự án giao thông trọng điểm là dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt và Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) cũng đã được khởi công xây dựng trong năm 2020. Đây là 2 dự án khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần tạo ra trục kết nối giao thông mới giữa trung tâm TP.Biên Hòa với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Do đó, các phương tiện giao thông có thể lưu thông theo tuyến đường này để đi từ Đồng Nai đến TP.HCM, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông. Đồng thời, tuyến kết nối mới này cũng sẽ góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông trên quốc lộ 51.
* Chờ đợi thêm những dự án mới
Với mục tiêu tiếp tục đầu tư nguồn lực để hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có thêm những dự án giao thông mới, quan trọng sẽ được khởi công.
Công nhân thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Ảnh: Phạm Tùng |
Dự án 1A, đoạn tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường vành đai 3 là một trong những dự án giao thông quan trọng và được Đồng Nai chờ đợi nhất dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý
III-2021.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được Bộ GT-VT giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các đoạn còn lại của đường vành đai 3 cho biết, đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án 1A, Bộ GT-VT có thể cân đối được nguồn vốn. Hiện nay, Bộ GT-VT cũng đang phối hợp với các địa phương để có phương án vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo khởi công dự án theo đúng dự kiến.
Đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là đoạn đầu của dự án Đường vành đai 3, khi hoàn thành xây dựng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông từ khu vực các cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến khu vực Tây Bắc của TP.HCM.
Trong khi đó, với quy mô cấp tỉnh, dự án Xây dựng cầu Thống Nhất thuộc dự án đường trục trung tâm TP.Biên Hòa và dự án Xây dựng đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) cũng dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2021.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, đối với dự án Xây dựng đường ven sông Đồng Nai, hiện nay các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 5 tới. Riêng đối với dự án Xây dựng cầu Thống Nhất và đường dẫn 2 đầu cầu, hiện TP.Biên Hòa đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng 10ha đất lúa để hoàn thiện các thủ tục, phục vụ khởi công dự án.
Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận đề xuất của SởKH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án Đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án Xây dựng đường tỉnh 770B. |
Phạm Tùng