Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm giá trị gia tăng cho hàng Việt

09:10, 08/10/2012

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 3 năm qua đã tạo cho doanh nghiệp (DN) nhiều cơ hội và các DN Việt đã tận dụng được rất tốt những cơ hội này.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 3 năm qua đã tạo cho doanh nghiệp (DN) nhiều cơ hội và các DN Việt đã tận dụng được rất tốt những cơ hội này.

Một trong những cái được lớn nhất là góp phần hình thành thói quen và văn hóa tiêu dùng hàng Việt,  nhưng quan trọng nhất là đã thay đổi được nhận thức của chính bản thân DN. Họ không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa mà quan tâm nhiều đến vấn đề xây dựng uy tín thương hiệu cũng như việc tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng Việt bằng những chăm chút về mặt dịch vụ, hậu mãi để giữ chân khách hàng gắn bó lâu dài.

* Thói quen dùng hàng Việt tăng

Trong 3 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn Đồng Nai, nhiều chương trình đã được tổ chức nhằm quảng bá và đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, như: chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui công nhân, Tuần hàng Việt Nam, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao… Chương trình vận động cho hàng Việt đã hỗ trợ cho DN mở rộng mạng lưới bán hàng, tăng cơ hội quảng bá và xây dựng uy tín thương hiệu. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp được tổ chức đều đặn, thường xuyên đã tạo cầu nối giúp DN tăng đơn đặt hàng từ tiểu thương, tăng độ bao phủ tại chợ truyền thống ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Qua đó, mức độ nhận biết sản phẩm của tiểu thương và người tiêu dùng cũng chuyển biến rõ rệt.

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Trong ảnh: Phiên chợ hàng Việt diễn ra ở huyện Trảng Bom. Ảnh: B. Nguyên
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Trong ảnh: Phiên chợ hàng Việt diễn ra ở huyện Trảng Bom. Ảnh: B. Nguyên

Theo khảo sát của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đồng Nai, gần 80% đồ dùng trong các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đều là hàng Việt. Cuộc vận động đã tạo được xu hướng ưu tiên chọn bày bán, giới thiệu và ủng hộ hàng Việt ở cả người tiêu dùng và giới tiểu thương trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, nhiều sản phẩm của các DN Đồng Nai và trong nước đã xây dựng được uy tín thương hiệu và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là hàng Việt chất lượng cao (HVNCLC).

Các siêu thị trên địa bàn Đồng Nai cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động cho hàng Việt. Cụ thể, 5 đợt Tuần hàng Việt Nam đã được triển khai trong 3 năm qua, các siêu thị và trên 500 DN đã nhiệt tình hưởng ứng với nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá cho hàng Việt. Chỉ tính riêng doanh thu của các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã đạt 190 tỷ đồng, số lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm trong Tuần hàng Việt tăng khoảng 40% so với trước khi diễn ra chương trình. Tiêu biểu như siêu thị Co.opMart Biên Hòa với hơn 30 ngàn mặt hàng đang kinh doanh thì hàng Việt chiếm  khoảng 90%, trong đó sản phẩm do Đồng Nai sản xuất có khoảng 100 mặt hàng. Siêu thị này đã gắn bó xuyên suốt với hoạt động đưa hàng về nông thôn của Đồng Nai khi góp mặt phục vụ người tiêu dùng trong 40 phiên chợ hàng Việt.

* Để cuộc vận động đi vào chiều sâu

Về làm việc tại Đồng Nai hồi cuối tháng 8 vừa qua, ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban thường trực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo của Đồng Nai trong việc triển khai cuộc vận động với sự kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, phường, xã. Trong đó, Đồng Nai cần tiếp tục phát huy cách làm sáng tạo trong việc vận động kiều bào tham gia cuộc vận động và quảng bá cho hàng Việt vì họ chính là cầu nối đưa hàng Việt ra nước ngoài hiệu quả nhất. Nhưng để cuộc vận động đi vào chiều sâu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong thời mở cửa, gốc của vấn đề vẫn là bản thân DN phải tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng với giá cả cạnh tranh.

Theo báo cáo của Sở Công thương, qua 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, toàn tỉnh đã tổ chức được 47 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, 17 phiên chợ vui công nhân, 5 đợt Tuần hàng Việt Nam và 4 hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Tổng doanh thu đạt được trên 300 tỷ đồng, thu hút 1 triệu lượt người tham quan, mua sắm. Ngoài ra, Đồng Nai cũng tổ chức rất nhiều hội thảo với các nội dung về hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ hàng Việt, như: hội thảo “Kết hợp hành động – tận dụng cơ hội phát triển thị trường miền Đông”, “Giải pháp tăng cường khả năng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, “Giải pháp bảo vệ thị trường, bảo vệ chất lượng hàng Việt”…

“Mỗi DN phải tăng nội lực của bản thân đồng thời cần nghĩ đến việc liên kết cùng phát triển. Với mức tiêu thụ bình quân chiếm 33,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước, miền Đông Nam bộ là khu vực đầy tiềm năng cho DN liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Các địa phương ở khu vực này cũng cần tăng cường việc chia sẻ thông tin, dự báo thị trường, kịp thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, gian lận thương mại nhằm tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh” - ông Trình gợi ý.

Phát biểu tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa diễn ra tại Đồng Nai, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC cho rằng: “Chưa bao giờ tôi thấy DN quyết liệt như vậy trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng đầu tư cho chất lượng sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng để giữ vững và phát triển thị trường trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”. Theo đó, tuy tình hình tài chính khó khăn nhưng DN vẫn tích cực theo sát các chương trình tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ những thị trường truyền thống Trung Quốc, Lào, Campuchia đến thị trường mới như Myanmar…Và những tín hiệu vui từ sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài nước đã cho thấy hiệu quả bước đầu của những nỗ lực này. 

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều