Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đón được dòng vốn xanh FDI

Ngọc Liên (thực hiện)
08:33, 05/04/2024

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các dự án thu hút mới và tăng vốn đa số có công nghệ hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính, phát triển và đào tạo nghề, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, năm 2023. Ảnh: N.Liên

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để tăng thu hút dòng vốn xanh FDI trong thời gian tới.

Gỡ khó về quỹ đất công nghiệp

* Gần hết quý I-2024, thu hút các dự án có vốn FDI của Đồng Nai đã gần đạt kế hoạch năm. Bà có thể cho biết rõ hơn về các dự án đã thu hút được?

- Đến hết quý I-2024, các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai thu hút đầu tư FDI được gần 600 triệu USD, trong đó thu hút mới 25 dự án với tổng vốn đầu tư 272 triệu USD và 24 dự án tăng vốn 278 triệu USD, đạt trên 80% kế hoạch năm, tăng 5% so với quý I-2023.

Các dự án mới tập trung nhiều trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện và điện tử, sản phẩm dân dụng, thiết bị phục vụ gia đình. Trong đó, nhiều dự án đến từ Trung Quốc, Singapore… Các dự án có quy mô về vốn trung bình khoảng 11 triệu USD/dự án. Một số dự án có quy mô tương đối lớn như: Dự án SLP PARK Lộc An - Bình Sơn với tổng vốn đầu tư trên 121 triệu USD, kinh doanh lĩnh vực logistics, kho bãi và lưu giữ hàng hóa; Dự án SMART LEADER Việt Nam có vốn đầu tư 32 triệu USD, sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện dân dụng và gia dụng; Dự án KINGCLEAN Việt Nam với số vốn đầu tư trên 28 triệu USD, sản xuất máy hút bụi, lau nhà...

* Thưa bà, do thiếu quỹ đất công nghiệp với diện tích lớn nên 4 năm trở lại đây, Đồng Nai đã bỏ lỡ nhiều dự án FDI công nghệ cao có vốn lớn. Vấn đề này khi nào sẽ được tháo gỡ?

- Tỉnh đang tập trung tháo gỡ để sớm hình thành các KCN mới nhằm bổ sung quỹ đất công nghiệp trong thời gian tới. Ngày 16-10-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2492/QĐ-UBND, thành lập Tổ Công tác thúc đẩy phát triển KCN trên địa bàn tỉnh do một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện có KCN đã, đang và sẽ thành lập.

Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên rà soát hồ sơ, thủ tục quy hoạch để tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm chỉ tiêu đất KCN cho Đồng Nai. Theo dõi sát tiến độ các thủ tục liên quan đến thành lập các KCN mới để tham mưu UBND tỉnh có ý kiến, thúc đẩy nhanh tiến trình thành lập thêm KCN mới. Ngoài ra, tổ công tác phải kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các KCN, tìm giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ các dự án đầu tư hạ tầng các KCN...

Thời gian qua, Tỉnh ủy - trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành thường xuyên theo sát tình hình xây dựng và phát triển các KCN. Cụ thể như, tổ chức đi thực địa từng KCN để nắm bắt, làm việc và nghe doanh nghiệp (DN) kinh doanh hạ tầng báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc đối với KCN. Từ đó, tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý từng vấn đề; tập trung vào công tác giải tỏa, đền bù, thu hồi đất và giao đất tại các KCN đã thành lập nhằm bổ sung quỹ đất cho các DN kinh doanh hạ tầng khai thác, thu hút đầu tư.

Thêm nhiều KCN mới

* Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt thêm 6 KCN mới, những KCN này khi nào được thành lập, thưa bà?

- Hiện nay, các KCN mới đã có các nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, quy hoạch thời kỳ 2016-2020 đã kết thúc. Tỉnh đang trình thông qua quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Đồng Nai mới có cơ sở hình thành các KCN mới. Như vậy sẽ đảm bảo tính phù hợp, thống nhất giữa các loại quy hoạch của tỉnh.

* Dù đã rất nỗ lực trong giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư nhưng một số ý kiến cho rằng công tác này của Đồng Nai vẫn chậm so với một số tỉnh, thành khác. Về việc này, bà có nhận xét như thế nào?

- Đồng Nai là một trong số các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính sớm trong cả nước. Điển hình, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai là đơn vị đầu tiên trong hệ thống các ban quản lý KCN trên cả nước áp dụng tiêu chuẩn ISO trong thủ tục hành chính từ nhiều năm về trước. Đồng Nai cũng là tỉnh áp dụng triệt để và hiệu quả cơ chế một cửa, được các DN, đặc biệt là các DN FDI đánh giá rất cao.

Đến nay, mặc dù công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn được duy trì nhưng do các địa phương khác phát triển sau nên có tính mới, tính vượt trội. Bên cạnh đó, có những yếu tố khách quan phát sinh như thay đổi về chính sách pháp luật trong cơ chế ủy quyền, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, thủ tục về quy hoạch trong xây dựng..., làm cho việc giải quyết thủ tục hành chính cho DN bị chậm, thậm chí bị tắc, phải tìm giải pháp tạm thời để xử lý công việc cho người dân và DN.

* Vậy bà có thể cho biết, tỉnh sẽ làm gì để đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư?

- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính là nhiệm vụ mà các sở, ngành đã và đang thực hiện. Toàn bộ các thủ tục hành chính được chuẩn hóa, nhiều thủ tục thực hiện trực tuyến (online), công khai quy trình và thời hạn giải quyết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, giúp DN kiểm soát được từng khâu, biết tình trạng hồ sơ của mình như thế nào. Các trường hợp chậm ra kết quả thì đơn vị xử lý hồ sơ phải có thư xin lỗi gửi cho DN và nêu rõ lý do, đồng thời công khai trên hệ thống. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá công vụ, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND tỉnh.

Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị số hóa hồ sơ và kết quả xử lý. Nếu việc này được thực hiện thường xuyên, đầy đủ và kịp thời sẽ có tác dụng đơn giản hóa hồ sơ DN rất nhiều. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát để rút ngắn  thời gian giải quyết hồ sơ và đưa vào tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua hoàn thành công vụ và cải cách hành chính của các sở, ngành.

* Xin cảm ơn bà!

   Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều