Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Bùi Quốc Hoan:
Tăng trưởng điện ở miền Nam vượt dự báo

Hoàng Lộc
07:45, 01/04/2024
Ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Nhu cầu sử dụng điện ở miền Nam những tháng đầu năm tăng cao hơn so với kịch bản dự báo của Bộ Công thương. Năm nay, ngành điện đảm bảo cung ứng điện an toàn cho khu vực, tuy nhiên từ năm 2025 trở đi sẽ căng thẳng hơn do các dự án nguồn mới không nhiều, lưới điện và trạm biến áp chậm vì vướng quy hoạch, mặt bằng.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông BÙI QUỐC HOAN, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Nhu cầu sử dụng điện tăng gần 13%

 Thưa ông, miền Nam đang trải qua thời gian nắng nóng kéo dài, tình hình sử dụng điện như thế nào?

- Qua theo dõi 3 tháng đầu năm, tăng trưởng điện của khu vực miền Nam đang cao hơn kịch bản dự báo của Bộ Công thương và cao hơn bình quân chung cả nước. Mức tăng cụ thể vùng là 12,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi kịch bản dự báo và tăng trưởng thực tế bình quân cả nước là 9%.

Tại 5/21 địa phương sử dụng điện lớn của khu vực là l: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh đều có mức tăng trên 10%. Trong đó, đáng kể là điện dân cư và tiêu dùng, điện nhà hàng - khách sạn - dịch vụ đều tăng trên 15%. Điện sản xuất công nghiệp - xây dựng tuy mức tăng thấp hơn (khoảng 10%) nhưng vì lĩnh vực này chiếm khoảng 60% sản lượng trong cơ cấu điện nên đẩy mức tăng lên cao. Đây là một trong những áp lực cung ứng điện so với các khu vực khác.

Ví dụ dễ hiểu nhất, Đồng Nai tiêu thụ điện khoảng 14 tỷ kWh/năm. Nếu tăng trưởng 10% sẽ bằng tổng sản lượng điện cả năm của 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

 Trong những tháng tới, nếu sử dụng điện vẫn duy trì mức tăng hơn 10%, kịch bản cung ứng sẽ như thế nào, thưa ông?

- Để đảm bảo cung ứng điện cho khu vực cũng như cả nước năm 2024, từ cuối năm trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ điện Quốc gia đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng.

Công nhân Điện lực Long Thành kiểm tra kỹ thuật trạm biến áp.
Công nhân Điện lực Long Thành kiểm tra kỹ thuật trạm biến áp. Ảnh: Hoàng Lộc

Về nguồn điện, chủ động tích nước ở các hồ thủy điện lớn nhằm đảm bảo nước cho sinh hoạt, tưới tiêu và sản xuất điện; yêu cầu hệ thống nhà máy nhiệt điện chuẩn bị than, dầu, khí sẵn sàng đảm bảo cung ứng điện với các kịch bản tăng trưởng khác nhau.

Về lưới điện truyền tải, thực hiện sửa chữa, duy tu và đầu tư xây dựng các công trình mới nhằm đảm bảo vận hành điện an toàn và hiệu quả.

Riêng EVNSPC đang bám sát tăng trưởng phụ tải điện, cũng như nhu cầu ở từng địa phương để có biện pháp kịp thời. Giải pháp ưu tiên là đầu tư xây dựng cơ bản để đưa các công trình 110kV, điện trung và hạ thế vào sử dụng. Phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tiết kiệm điện. Có thể khẳng định mức tăng trên 10% trong năm nay EVNSPC vẫn đảm bảo cung ứng cho các địa phương.

Áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện

 Một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng là tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

- Tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo cung ứng điện. Đặc biệt, trong bối cảnh cả miền Nam từ nay đến năm 2025 rất ít dự án điện có nguồn công suất lớn đi vào hoạt động (chỉ trông chờ dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại Đồng Nai), việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình lưới điện và trạm biến áp chậm do vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng.

Từ đầu năm đến nay điện thương phẩm của tỉnh tăng 12,6%. Trong đó, điện thương nghiệp - khách sạn - nhà hàng tăng 15%; tiêu dùng - dân cư tăng 16,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,7%; nông - lâm - thủy sản tăng 17%; thành phần khác tăng 12,9%.

Chúng tôi đang phối hợp với 21 tỉnh triển khai các giải pháp tiết kiệm điện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Với từng đối tượng sẽ có các giải pháp, định mức tiết kiệm phù hợp theo tình hình thực tế. Chẳng hạn, điện chiếu sáng công cộng có thể áp dụng mức tiết giảm 50% trong trường hợp tăng trưởng điện cao; yêu cầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên) phải kiểm toán năng lượng, thực hiện tiết kiệm ít nhất 2%.

Đơn cử như Đồng Nai thực hiện giảm 50% điện chiếu sáng, cả năm sẽ tiết kiệm 18 triệu kWh. Tiết kiệm 2% điện sản xuất, sẽ tiết kiệm khoảng 300 triệu kWh, tương đương với số lượng điện sử dụng cả năm của một tỉnh miền núi.

 Một trong những trở ngại lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng là quá trình triển khai các dự án chậm, điển hình tại Đồng Nai. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Điện là công trình hạ tầng vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân nơi có công trình. Thời gian qua, nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản của ngành điện gặp vướng mắc về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, chồng lấn hoặc lệch quy hoạch.

5 tỉnh có mức tiêu thụ điện lớn nhất miền Nam (trừ Thành phố Hồ Chí Minh hệ thống riêng) có các mức tăng trưởng điện là: Bình Dương 12%, Đồng Nai 12,6%; Long An 14,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu 14,9% và Tây Ninh 29,6%.

Tại Đồng Nai, chúng tôi có nhiều công trình như thế. Ví dụ công trình điện 110kV Giang Điền 7-8 năm chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nguồn điện cung ứng cho sản xuất của khu công nghiệp bị ảnh hưởng, hệ thống truyền tải điện khu vực lân cận phải “gánh” thêm tải.

Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn quy trình đề xuất chủ trương đầu tư, chỉ đạo ban hành đơn giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để công trình triển khai đúng tiến độ. Kiến nghị tỉnh đưa các công trình, dự án điện vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất của các địa phương để thuận lợi triển khai.

 Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lộc (thực hiện)

Tin xem nhiều