Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa đuối nước khi mùa hè đang đến gần

09:05, 06/05/2023

Thời tiết nắng nóng như hiện nay, hồ, sông, suối… luôn là lựa chọn lý tưởng để trẻ em vui chơi, nhưng cũng đồng nghĩa các em đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn nếu không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.

Thời tiết nắng nóng như hiện nay, hồ, sông, suối… luôn là lựa chọn lý tưởng để trẻ em vui chơi, nhưng cũng đồng nghĩa các em đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn nếu không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.

Công an H.Xuân Lộc tìm kiếm nạn nhân đuối nước trên hồ Gia Măng (xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc) chiều 29-4. Ảnh: CTV
Công an H.Xuân Lộc tìm kiếm nạn nhân đuối nước trên hồ Gia Măng (xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc) chiều 29-4. Ảnh: CTV

Liên tiếp trong thời gian gần đây, tại Đồng Nai đã xảy ra 4 vụ đuối nước thương tâm làm 3 học sinh tử vong. Điều này khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng trước nguy cơ số vụ đuối nước lại tăng cao, nhất là khi mùa hè đang đến gần. Liên quan đến thực trạng này, Báo Đồng Nai cuối tuần ghi nhận ý kiến của đại diện cơ quan chức năng và người dân.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Chú trọng tuyên truyền về nguy cơ đuối nước cho học sinh

Môi trường sống tại một số địa phương trong tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối…, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao, nhất là đối với trẻ nhỏ. Nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước là do môi trường trên thiếu an toàn, thiếu rào chắn, thiếu biển cảnh báo… Một nguyên nhân quan trọng khác còn là do sự thiếu quan tâm của người lớn trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trẻ em, nhất là trong khoảng thời gian các em được nghỉ học, tự rủ nhau đi chơi.

Trong điều kiện các nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn hạn chế, nhiều nơi nhất là các trường học chưa bố trí kinh phí thực hiện tốt công tác này, xã hội hóa đầu tư các thiết chế hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường hay ngoài nhà trường (hồ bơi trong trường hay tại các nhà văn hóa phường, xã…) còn nhiều bất cập,  thì việc nhà trường, gia đình quan tâm, thường  xuyên giáo dục con em về ý thức bảo vệ bản thân, nhận biết và đề phòng bất trắc trước những hiểm nguy xung quanh… là vô cùng cần thiết.

Để ngăn ngừa các vụ đuối nước khi mùa hè đang đến gần, ngay từ bây giờ, các trường học cần tăng cường tuyên truyền về nguy cơ đuối nước cho học sinh; cần thường xuyên lồng ghép những kỹ năng nhận biết nguy hiểm khi vui chơi dưới nước; tránh xa sông suối, ao hồ, nơi thường xảy ra sạt lở, nước cuốn; cảnh giác sập cống, mương thoát nước khi trời mưa lớn kể cả khi đi trong thành phố. Song song đó, cách tốt nhất phụ huynh nên chủ động cho con mình sớm tham gia học bơi vào những ngày cuối tuần, vào dịp hè… Một khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ sẽ an toàn hơn.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN: Tăng cường giải pháp phòng, chống đuối nước

Hàng năm, Sở LĐ-TBXH đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ thị về phòng, chống tai nạn thương tích đặc biệt là phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em nhằm kịp thời tuyên truyền đến cha, mẹ học sinh về việc bảo vệ con em khỏi các nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại. Rà soát, thống kê số lượng trẻ em, học sinh biết bơi, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước để tham mưu UBND tỉnh giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em, học sinh biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TBXH cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương trong công tác truyền thông; công tác rà soát, phát hiện các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là khu vực hố nước, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước, đập nước thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời trang bị hoặc có giải pháp gắn biển cảnh báo, rào chắn để hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ em… Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

BS CKII ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Cần trang bị các kỹ năng cứu và sơ cấp cứu người đuối nước

Ngoài việc cho cho trẻ học bơi để tránh đuối nước thì những người tham gia cứu hộ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cứu và sơ cấp cứu người đuối nước để đảm bảo cả nạn nhân lẫn người cứu hộ đều được an toàn.

Người cứu hộ cần tiếp cận nạn nhân từ phía sau để bảo đảm hai tay của nạn nhân không bấu víu và dìm mình xuống; đồng thời khống chế nạn nhân ở nửa phần thân trên bằng việc vòng tay qua nách - ngực để đưa nạn nhân vào bờ và tiến hành sơ cấp cứu.

Ngoài ra, khi phát hiện người đuối nước thì nên cứu hộ khẩn trương, ưu tiên việc cung cấp oxy cho nạn nhân bằng việc ép tim, hà hơi thổi ngạt. Để có thể sơ cấp cứu nạn nhân đúng cách, người cứu hộ cần được học hoặc tập huấn để thực hiện đúng cách.

Bà NGUYỄN THỊ THỦY (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Trẻ gặp tai nạn do thiếu sự quan tâm của người lớn

Để ngăn ngừa con trẻ đuối nước, điều quan trọng cần quan tâm, để mắt tới con em mình hơn. Việc đầu tiên là nên cho trẻ học bơi, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước. Khi cho trẻ đi bơi ở ao, hồ, sông, suối, biển hoặc tiếp cận với nước thì nên cho các em mặc áo phao; có người lớn đi kèm, ở hồ bơi thì cần có nhân viên cứu hộ. Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thì người lớn nên che đậy các thau, thùng, lu, phuy chứa nước để tránh trẻ bị ngã vào. Chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cảnh báo nguy cơ đuối nước tại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, các công trình xây dựng và hướng dẫn trẻ các kỹ năng khi tiếp xúc với nước cũng như khi bị đuối nước.

Kim Liễu (ghi)


Thượng tá NGUYỄN VĂN HẢI, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh: Chú trọng tuyên truyền kỹ năng thoát hiểm và phòng, chống đuối nước

Thời gian qua, lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp của Phòng thường xuyên đi tìm kiếm, cứu nạn, đưa các thi thể nạn nhân đuối nước lên bờ. Qua làm việc với các nhân chứng, tình huống đuối nước thường xảy ra rất nhanh, khi vui chơi ở các sông, hồ tự nhiên lại ít chú ý đến biện pháp phòng ngừa từ đầu.

Để hạn chế nguy cơ đuối nước, vừa qua, Ban giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Tập trung chủ yếu cho học sinh tất cả các cấp học để nâng cao ý thức của mọi người về công tác phòng, chống đuối nước.

Chúng tôi cũng liên tục phối hợp với đoàn thể, công an các địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng thoát hiểm và phòng, chống đuối nước tại trường học, cơ quan công sở, cộng đồng dân cư.

Chủ tịch UBND P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) LÊ KIM HƯỜNG: Liên tục nhắc nhở, cảnh báo người dân

Trên địa bàn phường có sông Buông cùng nhiều ao, hồ trong khu dân cư, nên nguy cơ đuối nước vẫn luôn tiềm ẩn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã liên tục phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ đuối nước thông qua loa truyền thanh, các buổi họp dân. Dọc các sông, suối, chúng tôi cũng cho đặt các biển cảnh báo, phòng chống nguy cơ đuối nước khi trẻ em, học sinh tụ tập đi bơi, chơi ven sông, suối.

Đặc biệt, chúng tôi cũng thành lập các tổ phản ứng nhanh ở các khu phố có sông Buông chảy qua. Để khi có mưa lớn là sẽ tự động cảnh báo nhau, tổ chức các chốt ở những cầu, đường dân sinh gần sông. Đồng thời tổ chức các khu vực để người dân có thể đến tạm lánh khi nước sông dâng cao đột ngột vào ban đêm. Qua đó phòng tránh các sự cố đuối nước, nước cuốn xảy ra, nhất là khi mùa mưa đang tới gần.  


    Đăng Tùng (ghi)

Tin xem nhiều