Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo ẩm thực mùa lễ hội Tây Bắc

08:05, 06/05/2023

Những tháng đầu năm là mùa lễ hội tưng bừng nhất trong năm của các tỉnh vùng Tây Bắc. Đây cũng là mùa du khách về đây trẩy hội, du xuân. Trong đó, sự đa dạng về ẩm thực của những dân tộc vùng cao trở thành đặc sản độc đáo tạo nên sức hút riêng của mùa xuân Tây Bắc.

Những tháng đầu năm là mùa lễ hội tưng bừng nhất trong năm của các tỉnh vùng Tây Bắc. Đây cũng là mùa du khách về đây trẩy hội, du xuân. Trong đó, sự đa dạng về ẩm thực của những dân tộc vùng cao trở thành đặc sản độc đáo tạo nên sức hút riêng của mùa xuân Tây Bắc.

Du khách thưởng thức các món đặc sản của dân tộc Mông tại Lễ hội hoa ban năm 2023 ở TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: B.NGUYÊN
Du khách thưởng thức các món đặc sản của dân tộc Mông tại Lễ hội hoa ban năm 2023 ở TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: B.NGUYÊN

Ẩm thực Tây Bắc với nhiều món ăn mang hương vị núi rừng còn thể hiện nét văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng đất này.

* Độc đáo ẩm thực mùa lễ hội

Vào mùa lễ hội tháng 3, đến Tây Bắc, du khách không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của hoa ban nở khắp núi rừng mà hoa và lá hoa ban còn là nguyên liệu chính chế biến ra những món ăn độc đáo chỉ thử một lần là nhớ mãi như: hoa ban xào thịt trâu, hoa ban nấu xôi, canh hoa ban, hoa ban nướng với thịt lợn, hoa ban nướng với cá, lá non nấu canh ngót... Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là món nộm hoa ban với cách làm khá công phu trộn với măng đắng, các loại rau cải... Du khách có thể thưởng thức những món đặc sản trên khi đến thăm các bản văn hóa của người Thái ở tỉnh Điện Biên vào đúng mùa hoa.

Tại các lễ hội hoa ban năm 2023 tổ chức tại tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên đều có nội dung thi ẩm thực của các dân tộc đến từ khắp nơi trong tỉnh. Đến đây, du khách được tìm hiểu, thưởng thức nhiều món ăn độc đáo của các dân tộc ở vùng Tây Bắc như: xôi ngũ sắc, cơm lam, pa pỉnh tộp (nấu từ cá suối), gà nướng, canh bon, nộm hoa ban... Đây đều là các món ăn chế biến từ các sản vật địa phương, những món ăn truyền thống ở vùng Tây Bắc.

Tây Bắc còn nổi tiếng với nhiều loại rượu đặc sản như: rượu ngô, rượu táo mèo, rượu sâu chít, rượu ba kích… Đồng bào dân tộc có bí quyết nấu rượu bằng men lá rừng độc đáo. Vào mùa lễ hội, họ thường dùng sừng trâu đựng rượu mời khách quý.

Đến với gian hàng của dân tộc Mông của thôn 3, xã Sính Phình, H.Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên trong Lễ hội hoa ban năm 2023, du khách được trải nghiệm tự tay xay bột ngô và tham gia nấu món mèn mén (còn gọi là bột ngô hấp); thưởng thức món thắng cố, thịt lợn bản gác bếp, uống rượu ngô… Bà Vì Thị Di, người dân tộc Mông đang nấu món mèn mén đãi khách tự hào giới thiệu, mèn mén là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của dân tộc Mông. Món ăn dân dã chế biến từ bột bắp này từng được bình chọn là một trong 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Mèn mén được chế biến thủ công, không nêm nếm gia vị nên giữ nguyên được vị ngọt, bùi và dẻo thơm tự nhiên của hạt bắp nương.

Ông Giàng A Dĩnh, một nghệ nhân biểu diễn văn nghệ dân gian của dân tộc Mông của thôn 3, xã Sính Phình, H.Tủa Chùa chia sẻ: “Lễ hội hoa ban là lễ hội lớn của các dân tộc vùng Tây Bắc. Suốt 3 ngày lễ hội, gian bếp của chúng tôi luôn đỏ lửa nấu những món đặc sản đãi khách. Chúng tôi đem những gì đặc sắc nhất của dân tộc mình từ điệu múa, tiếng khèn đến những món ăn ngon giới thiệu đến du khách”. Trong đó, thắng cố là món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc. Món ăn được nấu bằng tất cả các bộ phận của con ngựa, gồm cả nội tạng với rất nhiều gia vị riêng chỉ có ở núi rừng Tây Bắc. Ngày nay, một số nhà hàng, quán ăn cũng phục vụ món ăn này nhưng đã được cải biên ít nhiều để phù hợp hơn với khẩu vị của du khách miền xuôi.

Chủ cơ sở thịt trâu gác bếp Lò Duyên ở TT.Mường Chà, H.Mường Chà, tỉnh Điện Biên giới thiệu món thịt trâu gác bếp tại Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên năm 2023
Chủ cơ sở thịt trâu gác bếp Lò Duyên ở TT.Mường Chà, H.Mường Chà, tỉnh Điện Biên giới thiệu món thịt trâu gác bếp tại Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên năm 2023

* Đặc sản du lịch mang lại giá trị cao

Tại Lễ hội hoa ban năm 2023 ở TP.Điện Biên Phủ, chủ cơ sở thịt trâu gác bếp Lò Duyên (TT.Mường Chà, H.Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đã tham gia gian hàng ẩm thực giới thiệu các món đặc sản của núi rừng Tây Bắc như: trâu gác bếp, lợn gác bếp, lạp xưởng… Trong đó, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trâu gác bếp của tỉnh Điện Biên là đặc sản độc đáo, ấn tượng nhất của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Chị Lò Thị Duyên, chủ cơ sở thịt trâu gác bếp Lò Duyên chia sẻ, các món thịt trâu gác bếp, lợn gác bếp của các tộc người bản địa Tây Bắc có nguồn gốc từ xa xưa thời họ sống trong rừng. Họ thường treo miếng thịt trâu tươi lên gác bếp để bảo quản theo cách tự nhiên.

Gian hàng giới thiệu các đặc sản Tây Bắc ở Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên năm 2023
Gian hàng giới thiệu các đặc sản Tây Bắc ở Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên năm 2023

Theo chị Lò Thị Duyên, bí quyết để làm ra món thịt trâu gác bếp ngon là chọn nguồn thịt tươi từ những con trâu khỏe mạnh, được chăn thả tự nhiên, sử dụng thức ăn là nguồn cỏ ven các sườn núi, uống dòng nước mát lành từ các khe suối, được vận động thường xuyên nên có chất lượng thịt tốt nhất. Thịt trâu gác bếp thường được làm từ thịt bắp, thịt thăn trâu rồi ướp các loại gia vị rất đặc trưng của vùng núi Tây Bắc như hạt dổi, ớt khô, mắc khén... trước khi đem đi gác bếp. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên món thịt trâu gác bếp dai dai, ngọt thịt với vị thơm thơm, cay cay...

Tại một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, mô hình nuôi cá nước lạnh như: cá hồi, cá tằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vì đây vừa là điểm đến tham quan, vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở nuôi cá nước lạnh là cá hồi, cá tầm tập trung ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và TX.Sa Pa. Nghề nuôi cá nước lạnh đem lại giá trị thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/ha; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều