Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều kỳ thú về Mông Cổ

08:04, 07/04/2023

Mông Cổ là quốc gia không giáp biển và phần lớn diện tích là thảo nguyên với những ngọn núi ở phía Bắc, phía Tây và sa mạc Gobi ở phía Nam.

Mông Cổ là quốc gia không giáp biển và phần lớn diện tích là thảo nguyên với những ngọn núi ở phía Bắc, phía Tây và sa mạc Gobi ở phía Nam.

Một cảnh sống du mục của người dân Mông Cổ. Nguồn: viewmongolia.com
Một cảnh sống du mục của người dân Mông Cổ. Nguồn: viewmongolia.com

Đây là lợi thế để Mông Cổ có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời và di sản văn hóa đa dạng.

* Cuộc sống du mục

Mông Cổ là nơi cuộc sống du mục còn sót lại trên thế giới và những người du mục vẫn sống theo cách truyền thống. Có tới 40% người Mông Cổ sinh sống như những người chăn nuôi du mục. Hầu hết họ sống cách xa cộng đồng, làng mạc và thị trấn hàng chục cây số và sống trong điều kiện khắc nghiệt.

Ger (tiếng Mông Cổ có nghĩa là nhà - một chiếc lều tròn, được bao phủ bởi da hoặc nỉ) đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nguồn gốc của ger nằm ở trung tâm châu Á, đặc biệt là trên thảo nguyên Mông Cổ. Ger được thiết lập như một ngôi nhà di động, trở thành một phần truyền thống trong cuộc sống của những người du mục Mông Cổ trong nhiều thiên niên kỷ.

Mật độ dân số Mông Cổ thấp do địa hình chủ yếu là thảo nguyên, phần lớn cư dân là người du mục. Khoảng 45% dân số Mông Cổ sinh sống tại thủ đô Ulan Bator.

Xây dựng ger kiểu Mông Cổ bắt đầu bằng một khung gỗ hình tròn, những thanh gỗ bắt chéo nhau tạo thành phần tường mắt cáo được bọc bằng một tấm nỉ dày hoặc tấm thảm bằng lông cừu hay lông của các loài động vật mà những người du mục chăn thả. Ngôi nhà chắc chắn có thể được hoàn thành khoảng 3 tiếng, bao gồm phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp cho tối đa 15 người. Khi đến thời điểm di chuyển, những người du mục mất khoảng 1 tiếng để tháo dỡ ger và mang đi xây dựng lại ở một địa điểm khác.

Ở sa mạc Gobi - một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới có nhiệt độ dao động từ 113°F đến -40°F. Do vậy, ger là nơi trú ẩn có chức năng cao, có thể giữ ấm cho những người du mục trong mùa đông lạnh giá và làm mát dưới cái nóng như thiêu đốt. Qua nhiều thế hệ, với kinh nghiệm sống thích nghi môi trường tự nhiên, những người du mục biết được thời điểm, ở đâu và di chuyển nhanh như thế nào để dời nhà và động vật đến những nơi an toàn theo mùa.

* Lễ hội Naadam

Lễ hội Naadam là sự kiện truyền thống quan trọng nhất của Mông Cổ, được tổ chức khắp nơi trong nước, nhưng trọng tâm nhất diễn ra từ ngày 11 đến 13-7 ở thủ đô Ulaanbaatar  nhân dịp Ngày Quốc khánh (11-7). Năm 2010, lễ hội Naadam đã được UNESCO công nhận là Di sản Truyền miệng và phi vật thể của nhân loại.

Ngày đầu tiên của lễ hội, hàng trăm binh lính mặc quân phục chơi nhạc cụ bằng đồng, diễu hành xung quanh Quảng trường Thành Cát Tư Hãn và tòa nhà Quốc hội, sau đó tiến về phía sân vận động - nơi diễn ra lễ khai mạc. Tổng thống Mông Cổ phát biểu và chúc người dân có lễ hội Naadam vui tươi, hạnh phúc. 2 ngày tiếp theo, các hoạt động văn hóa - thể thao, ẩm thực… diễn ra sôi nổi, góp phần tái hiện lễ hội cách đây nhiều thế kỷ. 3 môn thể thao: đấu vật, đua ngựa và bắn cung được đưa vào các cuộc thi tranh tài để xác định người vô địch thể hiện tinh thần chiến đấu của những chiến binh thời xưa trong các trận chiến.

Môn thể thao phổ biến nhất ở Mông Cổ là đua ngựa. Nguồn: mongolia-trips.com
Môn thể thao phổ biến nhất ở Mông Cổ là đua ngựa. Nguồn: mongolia-trips.com

* Đua ngựa

Môn thể thao phổ biến nhất ở Mông Cổ là đua ngựa. Người Mông Cổ yêu thích cưỡi ngựa từ thời xa xưa nên đua ngựa được đưa vào cuộc thi trong các lễ hội qua nhiều thế kỷ. Đua ngựa là một trong 3 cuộc thi cấp quốc gia trong lễ hội Naadam được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. Có khoảng 180 ngàn con ngựa tham gia cuộc đua, được chia thành nhóm dựa trên độ tuổi của ngựa với cự ly đường đua từ 10-26km. Nài ngựa là những người từ 5-13 tuổi, chưa có kinh nghiệm. Do quãng đường đua ngựa dài nên nài ngựa thường là người nhẹ cân. Trong cuộc đua, nài ngựa không chỉ cưỡi mà còn phải nâng niu ngựa chiến của mình bằng lời bài hát đặc biệt mang tên Giingo để giữ vững tinh thần chiến đấu. Cuộc đua ngựa có thể được tổ chức trên những con ngựa có hoặc không có yên. Không có đường đua đặc biệt nào được chuẩn bị, những con ngựa vượt qua khoảng cách trên thảo nguyên và nhảy qua các rào cản tự nhiên. Người chiến thắng được vinh danh bằng cách uống một cốc airag (sữa ngựa lên men) và rắc airag lên đầu và mông con ngựa chiến của mình.

* Đi săn cùng đại bàng

Người Kazakh sống ở tỉnh Bayan Olgii duy trì nghệ thuật săn mồi bằng đại bàng của tổ tiên. Ngày nay, có khoảng 250 con đại bàng ở đây. Hình thức săn bắt được thực hiện độc nhất trên thế giới vì thợ săn ngồi trên lưng ngựa với sự trợ giúp của đại bàng vàng. Con mồi chủ yếu là cáo, đôi khi là thỏ rừng hoặc sói con. Một số đại bàng có thể săn con mồi duy nhất để có thể bắt được những con vật lớn hơn, chẳng hạn như sơn dương hoặc chó sói. Tầm nhìn toàn cảnh của đại bàng tinh anh hơn gấp 8 lần so với con người. Nếu nhìn thấy con mồi, đại bàng bắt đầu hét lên để chủ nhân thả ra, sau đó sà xuống và cố tóm lấy con mồi. Từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 3, thợ săn dễ dàng bắt được cáo vì nhìn thấy màu lông trên tuyết. Đại bàng sẽ đứng trên mỏm đá nhìn xuống, thợ săn ở dưới gây tiếng động xua cáo ra khỏi hang. Khi đại bàng nhìn thấy cáo sẽ nhanh chóng sải cánh lượn xuống dồn con vật về gần phía chủ nhân. Đại bàng đi săn cùng chủ nhân cho đến khi nó 8 hoặc 10 tuổi, sau đó được thả và tìm bạn tình để sinh sản.

Người dân Mông Cổ săn bắt động vật với sự trợ giúp của đại bàng. Nguồn: mongolia-trips.com
Người dân Mông Cổ săn bắt động vật với sự trợ giúp của đại bàng. Nguồn: mongolia-trips.com

Đại bàng mái được ưa chuộng vì to và khỏe hơn con trống, có thể nặng tới 7kg và có sải cánh dài hơn 2m. Người nuôi bỏ đói đại bàng trong vài ngày, sau đó huấn luyện cách theo dõi sự di chuyển của ngựa khi đậu trên cánh tay của chủ nhân và săn mồi.

* Nhạc cụ đầu ngựa

Từ xa xưa, người dân Mông Cổ đã sử dụng ngựa để di chuyển và vận chuyển hàng hóa nên đã dành cho nó một vị trí quan trọng trong cuộc sống. Ví dụ, khi ngựa chết, đầu phải được chôn trên núi. Đuôi ngựa được bảo quản cẩn thận để làm dây đàn, da mềm ở bẹn ngựa dùng để bọc thân đàn.

Các nhạc cụ dây được trang trí bằng đầu ngựa được chứng thực bằng các nguồn tài liệu có niên đại từ thế kỷ XIII và XIV, trong đó mã đầu cầm (tiếng Mông Cổ là Morin khuur) là một nhạc cụ truyền thống đầy chất thơ của người Mông Cổ. Cây vĩ cầm 2 dây này nổi bật trong nền văn hóa du mục của Mông Cổ. Theo truyền thống, vĩ cầm là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ và hoạt động hàng ngày của những người du mục. Thân vĩ cầm hình thang rỗng, cần đàn được trang trí hình đầu ngựa chạm khắc tinh xảo ở đầu, bên dưới đầu ngựa là 2 chốt điều chỉnh dây nhô ra giống như 2 tai. Thân đàn được bọc bằng da, dây và cung được làm bằng lông ngựa. Ngày nay, các cộng đồng chăn gia súc còn sót lại ở miền Nam Mông Cổ đang cố gắng bảo tồn Morin khuur cùng với các nghi lễ và phong tục liên quan.

Minh Huyền (biên dịch theo worldwildlife.org/discovermongolia.mn/
mongolia-trips.com)

Tin xem nhiều