Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa cử Nho học vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai

01:01, 15/01/2023

Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở ra giai đoạn độc lập tự cường thật sự cho đất nước song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phải mất 132 năm sau, vào năm 1070, văn miếu mới được xây dựng ở Thăng Long.

Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mở ra giai đoạn độc lập tự cường thật sự cho đất nước song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phải mất 132 năm sau, vào năm 1070, văn miếu mới được xây dựng ở Thăng Long.

Các tân cử nhân bên Văn miếu Trấn Biên
Các tân cử nhân bên Văn miếu Trấn Biên

Năm Mậu Dần 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở Nam bộ thì chỉ đúng 17 năm sau, năm 1715, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng ở thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là P.Bửu Long, TP.Biên Hòa).

Nam bộ là vùng đất mới, vì vậy những lưu dân đến vùng đất này chủ yếu là nông dân nghèo ra đi để tìm con đường kiếm sống. Đến vùng đất mới với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lại xa sự câu thúc của lễ giáo, triều đình phong kiến nên tâm hồn con người trở nên phơi phới. Khi mà tâm hồn con người phơi phới, người ta thường đôn hậu, bao dung. Có lẽ bởi vì vậy mà việc học ở vùng đất mới buổi đầu chưa được người dân quan tâm nhiều, cũng chính vì vậy mà nhà nước phong kiến đã ngay lập tức nghĩ tới cần tổ chức việc dạy và học trên vùng đất mới.

Sách 290 năm Văn miếu Trấn Biên do các tác giả Huỳnh Văn Tới và Bùi Quang Huy chủ biên cho biết, sở dĩ chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ dinh Trấn Biên và Ký lục Phạm Khánh Đức lựa địa điểm xây Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa vì khi ấy Biên Hòa đã là nơi dân cư ổn định, phát triển hơn các vùng khác, kể cả Gia Định. Việc hình thành Văn miếu Trấn Biên đối với chúa Nguyễn có ý nghĩa như là sự khẳng định những giá trị văn hóa và cả chính trị ở một vùng đất mới.

Việc sớm cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên ngay sau khi ổn định xác lập nền hành chính ở Nam bộ cho thấy các chúa Nguyễn đã rất quan tâm đến việc học, việc giáo dục trên vùng đất mới.

Sách này cũng cho biết, sau khi xây dựng, Văn miếu Trấn Biên đã trải qua 2 lần trùng tu và đến năm Tự Đức thứ 2 (Nhâm Tý, 1852) thì Văn miếu Trấn Biên đã được hoàn chỉnh và to đẹp nhất.

Giáo dục phong kiến vùng Đồng Nai - Gia Định thực sự tiến triển kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này) chiếm được vùng đất Nam bộ từ tay Tây Sơn năm 1788. Cũng trong năm này, chúa Nguyễn Ánh tổ chức kỳ thi Hương đầu tiên trên vùng đất Nam bộ. Kỳ thi năm Mậu Thân (1788) đã lấy đỗ các vị Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm, Nguyễn Đình Đức. 2 vị đỗ trong kỳ thi này, sau đó thêm Ngô Nhơn Tịnh đã được xưng tụng là “Gia Định tam gia”.

Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã đánh giá: “…Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định đều là những bậc công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt và tận tâm giúp chúa Nguyễn thâu lại cơ nghiệp tổ tiên thống nhất giang san. Hà Tiên có Chiêu Anh Các, Gia Định có Thi hữu tam gia không kém”.

Dưới thời trị vì của các chúa Nguyễn (cụ thể là chúa Nguyễn Ánh), ngoài khoa thi năm Mậu Thân còn 2 khoa thi Hương khác được tổ chức ở Nam bộ là khoa thi năm Tân Hợi (1791) lấy đỗ 12 người, trong đó có các vị Nguyễn Đình Quát, Nguyễn Công Xanh, Nguyễn Hữu Thứ, Đoàn Văn Hoằng… Khoa thi năm Bính Thìn (1796) mở khoa thi lấy trúng cách các hạng 273 người (Tam trường trúng 14 người, trong đó có Ngũ Khắc Minh, Phạm Đăng Hưng; Nhị trường 54 người, trong đó có Trần Văn Trinh, Trần Lợi Trinh, Lê Đăng Doanh, Hoàng Văn Diễn, Nguyễn Tường Vân…).

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, mãi tới năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), triều đình mới mở khoa thi Hương đầu tiên tại Gia Định dành cho sĩ tử các trấn Bình Thuận, Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long và Trấn Hà Tiên.

Sau đó, các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều định kỳ tổ chức các kỳ thi Hương ở Nam bộ. Năm 1859, 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp, các kỳ thi Hương bị gián đoạn. Năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), triều đình mở lại khoa thi Hương cho sĩ tử 3 tỉnh miền Tây và các sĩ tử từ 3 tỉnh miền Đông tị địa. Đây là khoa thi Nho học cuối cùng trên vùng đất Nam bộ.

Sách Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư cho biết: tính từ khoa thi Hương đầu tiên trên đất Nam bộ năm Quý Dậu (1813) đến năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), có tất cả 20 khoa thi với 257 vị cử nhân Hán học.

Theo tác giả Nguyễn Đình Tư: “Trong vòng 51 năm (1813-1864) mà 6 tỉnh toàn Nam Kỳ chỉ có 257 vị cử nhân Hán học thì thật là quá ít. Sở dĩ như vậy vì, Nam Kỳ là đất mới, dân chúng quen với nghề ruộng rẫy lo miếng cơm manh áo hơn là chuyện bút nghiên nơi cửa Khổng sân Trình”.

Theo Quốc triều Hương khoa lục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Cao Xuân Dục biên soạn có 22 sĩ từ Biên Hòa đậu cử nhân. Sách 310 năm giáo dục - đào tạo Biên Hòa - Đồng Nai của các tác giả Đỗ Hữu Tài và Bùi Quang Huy thì: “So sánh với 8 tỉnh có sĩ tử tham dự kỳ thi Hương tại trường Gia Định, Biên Hòa xếp thứ 4 (sau Gia Định, Vĩnh Long và Định Tường; trước Bình Thuận, An Giang và Hà Tiên”.

 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, cùng điểm lại lịch sử khoa cử Nho học trên vùng đất Nam bộ nói chung, ở Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng cũng là để hiểu thêm về cha ông, về quê hương, đất nước.      

Ngọc Anh

Tin xem nhiều