Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hơn nữa trách nhiệm của nhà trường

07:12, 24/12/2022

Mới đây, vụ việc một học sinh lớp 1 bị đánh bầm tím chân và tay ở Đà Nẵng khiến dư luận dành nhiều sự quan tâm. Đáng nói là trước sự việc này, cô giáo chủ nhiệm lại cho rằng nguyên nhân có thể do lúc dạy kèm bạn học, một học sinh khác đã dùng thước vụt đánh học sinh này. Trách nhiệm đứng lớp, chủ nhiệm của cô đến đâu lại chưa rõ.

Mới đây, vụ việc một học sinh lớp 1 bị đánh bầm tím chân và tay ở Đà Nẵng khiến dư luận dành nhiều sự quan tâm. Đáng nói là trước sự việc này, cô giáo chủ nhiệm lại cho rằng nguyên nhân có thể do lúc dạy kèm bạn học, một học sinh khác đã dùng thước vụt đánh học sinh này. Trách nhiệm đứng lớp, chủ nhiệm của cô đến đâu lại chưa rõ.

Đây không phải là sự việc hy hữu xảy ra trong môi trường học đường. Trước đó, đã có không ít vụ việc tương tự khiến phụ huynh bức xúc, nhất là ở khối trường mầm non. Có vụ việc tìm ra nguyên nhân là do bạn bè cùng lớp đánh nhau gây thương tích. Nhưng cũng có vụ việc chính giáo viên là thủ phạm và đã phải trả giá đắt cho hành động nóng nảy, phản giáo dục của mình. Có vụ việc vì nhiều lý do, nguyên nhân không được hé lộ và dần chìm vào quên lãng.

Thương tích đối với học sinh, nhất là ở lứa tuổi mầm non là điều rất dễ xảy ra nếu giáo viên thiếu quan sát trong công việc chăm sóc trẻ. Chỉ cần một phút lơ là, trẻ dễ bị những tai nạn khi đang chạy nhảy, chơi đùa thậm chí là cả khi ăn uống. Lứa tuổi trẻ nhỏ hiếu động cũng rất dễ dẫn đến xô đẩy, tranh giành nhau, vô tình gây ra thương tích. Nhưng thực tế đã có những vụ việc do giáo viên quá áp lực, căng thẳng khi dạy bảo, trông giữ trẻ mà có những hành động mất kiểm soát như đánh, mắng học sinh. Có giáo viên còn ném giẻ lau bảng vào mặt học trò, bắt học sinh đứng phạt nhiều giờ liền giữa trời nắng nóng…

Không cha mẹ nào khi nhìn thấy những vết xước, bầm tím trên cơ thể con mình mà có thể bình tĩnh. Do đó, nếu giáo viên hoặc nhà trường không giải thích rõ ràng và thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình thì dẫn dễ dẫn đến những mâu thuẫn, căng thẳng giữa hai bên. Thực tế có những vụ việc vì nhà trường thiếu trách nhiệm, phụ huynh đã làm đơn kiện gửi đến cơ quan chức năng và phải ra tòa xét xử.

Dù vì bất cứ lý do gì, khi học sinh xảy ra những tai nạn thương tích trong trường học, nhà trường phải là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm và cùng với gia đình bàn bạc, thống nhất biện pháp xử lý phù hợp, thấu đáo nhất. Nhà trường không vì bênh vực cho một phía nào mà để xảy ra những mâu thuẫn lớn hơn. Đặc biệt, công tác giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cần chú trọng đến các tình huống nảy sinh trong quan hệ với phụ huynh, nhất là cách ứng xử để khi xảy ra vụ việc nào đó, giáo viên có cách xử trí phù hợp. Quan trọng hơn là giáo viên phải trang bị cho mình những kỹ năng để kiềm chế cảm xúc, không vì quá nóng giận hay áp lực mà có những hành vi không đúng với học trò hay phụ huynh.      

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều