Trào lưu sử dụng hàng nội địa Nhật, Trung, Hàn, Đức… ngày càng phổ biến. Sản phẩm tiện dụng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và lạ là những yếu tố thu hút khách hàng.
Trào lưu sử dụng hàng nội địa Nhật, Trung, Hàn, Đức… ngày càng phổ biến. Sản phẩm tiện dụng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và lạ là những yếu tố thu hút khách hàng.
Chị Lê Hằng, shop thời trang Hang Lee giới thiệu hàng “si-đa” thời trang. Ảnh: Hoàng Lộc |
Bằng nhiều con đường khác nhau, hàng nội địa còn tem mác và cả hàng si-đa (hay second-hand, đồ cũ) được chào bán khắp nơi. Người tiêu dùng dễ dàng mua hàng nội địa của bất kỳ quốc gia nào.
* Chủ yếu qua đường… xách tay
Người dùng hiện không khó tìm mua các sản phẩm: thời trang (quần áo, giày dép, mỹ phẩm, trang sức), đồ gia dụng (thiết bị gia dụng và đồ điện tử), công nghệ (máy tính, điện thoại), thực phẩm chức năng nội địa của Anh, Nhật, Mỹ, Hàn hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Người ta có thể mua hàng nội địa bằng nhiều cách, chủ yếu là mua qua đường xách tay.
Chị Nguyễn Hoàng Yến, nhân viên hành chính ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, đồ trang sức được khoảng 5 năm. Chị không nhập sản phẩm ồ ạt về bán mà nhận đặt hàng theo nhu cầu của khách. “Tôi có cậu em trong ngành hàng không. Mỗi khi có chuyến đi Hàn, Nhật tôi đăng tin lên Zalo, fanpage bán hàng. Khách đặt gì tôi mua đó, mua trực tiếp ở nước ngoài và xách tay về. Vì không phải làm các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan nên hàng về khá nhanh” - chị Yến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, cùng là túi xách hàng hiệu nhưng nhiều người thích hàng nội địa, xách tay về hơn là mua hàng xuất khẩu. Lý do đơn giản là hàng nội địa chỉ bán trong nước đó hoặc một nhóm nước, không xuất khẩu đại trà. Cũng theo chị Ngọc, sự phát triển của các loại hình vận chuyển giúp việc mua hàng nội địa từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ về Việt Nam trở nên dễ dàng. Người tiêu dùng có thể mua sản phẩm nội địa khi đi du lịch, nhờ người thân ở nước ngoài mua gửi về hoặc thông qua người bán hàng trung gian. Tuy nhiên, việc mua sản phẩm nội địa qua trung gian cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: hàng nhái, quyền lợi khi bảo hành sản phẩm.
Ngoài phương thức mua sắm thông qua du lịch, xách tay hoặc gửi từ nước ngoài về, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng nội địa tại hệ thống cửa hàng chuyên hàng tiêu dùng các nước; sử dụng thẻ visa, tín dụng đặt hàng trên các trang thương mại điện tử nước ngoài. Hiện một số sàn thương mại điện tử lớn trong nước như Shopee, Lazada… có bán sữa bột, đồ điện tử, thời trang nội địa các nước.
Chị Nguyễn Thị Tình, nhân viên văn phòng tại P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện việc tìm mua sản phẩm nội địa của các quốc gia không còn khó khăn. Sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá rẻ hơn hàng xuất khẩu là những ưu điểm khiến chị mạnh tay chi. “Nhà tôi xài khá nhiều đồ gia dụng nội địa Trung Quốc. Có khi tôi đặt hàng trực tiếp trên website bán hàng của nước ngoài. Có khi mua qua người bán hàng trung gian. Sản phẩm bền, đẹp, sang, dùng rất thích” - chị Tình nói.
* Mốt hàng “si-đa” ngày càng thịnh hành
Không chỉ “săn” hàng nội địa mới, nhiều người tiêu dùng còn tìm đến các sản phẩm đã qua sử dụng với tên gọi: “hàng thùng”, “hàng bãi”, “hàng 2hand” hay “đồ si-đa”. Hiện các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách… đồ công nghệ, đồ gia dụng, máy móc nông nghiệp của nước ngoài đã qua sử dụng được bán ở nhiều nơi cả thành thị lẫn nông thôn.
Hàng nội địa các nước bán trên mạng xã hội |
Ông Đinh Văn Phùng, ngụ xã Quang Trung (H.Thống Nhất) cho biết, trước đây ông làm nghề sửa chữa xe đạp. Qua người quen, ông biết cách thức nhập “hàng bãi” của Nhật về tân trang để bán lại. Trung bình mỗi năm, ông nhập 2 container hàng thùng các loại về sửa chữa bán cho bà con. “Tôi chuyên bán máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, xe đạp. Đây đều là các sản phẩm của Nhật đã qua sử dụng được tân trang lại. Hàng của Nhật thì tốt rồi tôi không cần quảng cáo nhiều. So với hàng mới hàng nhập khẩu, “hàng bãi” giá mềm hơn nhiều, chất lượng thì rất ít người phàn nàn” - ông Phùng chia sẻ.
Không chỉ cửa hàng đơn lẻ, ở Đồng Nai có cả “chợ” chuyên bán máy móc cũ. Đó là khu vực dọc quốc lộ 1 đoạn từ P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) đến xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom). Ở đây có rất nhiều mặt hàng từ phụ tùng ô tô, mô-tơ đến máy móc phục vụ sản xuất công - nông nghiệp, xây dựng. Sản phẩm chủ yếu hàng phế liệu được nhập khẩu từ các nước Nhật, Mỹ, châu Âu về sửa chữa lại và bán.
Chị Lê Hằng, shop thời trang Hang Lee, đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) cho rằng, trước đây, người thu nhập thấp mới tìm mua quần áo “si-đa”, nhưng hiện tại, đa phần người mua quần áo “si-đa” có tiền, thậm chí giàu. Sở dĩ người có tiền thích dùng đồ “si-đa” vì chất vải đẹp, kiểu dáng độc đáo.
“Tôi có 2 shop đồ cũ, trung bình mỗi tháng tôi khui hàng 2 lần, mỗi lần 5-7 kiện (bao tải loại 50-100kg). Đa phần quần áo Hàn Quốc, Nhật Bản vì kích cỡ, kiểu dáng gần gũi với người Việt. Cũng có nón, mắt kính, giày dép nhưng số lượng không đáng kể” - chị Hằng nói.
Chủ tài khoản Facebook Si Chất (TP.HCM) cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm đã qua sử dụng của nước ngoài ngày càng cao. Người bán không nhập trực tiếp sản phẩm từ các nước mà chủ yếu qua cửa khẩu Lào, Campuchia. Người bán không chỉ được lựa chọn đặt mua quần áo, túi xách chứ không được lựa chọn từng món trước. Phải cọc tiền và mua theo kiện. Khi khui kiện là biết chuyến này lời nhiều, lời ít hay lỗ, bán hàng “si-đa” ít lỗ.
Chị Nguyễn Cẩm Trà, sinh viên năm 2, hiện sinh sống tại P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, mình được nhóm bạn “mách” mua đồ si-đa cách đây khoảng 2 năm. Quần áo Quảng Châu, nước hoa tester Pháp, túi xách Gucci bạn đều mua được với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Theo Trà, khi khoác lên mình những sản phẩm đồ hiệu dù là “si-đa” cũng khiến bản thân trở nên tự tin hơn, có “gu” hơn. “Có nhiều món đồ “si-đa” mới đến 80-90%, phải kiên nhẫn lựa chọn mới được món đồ ứng ý” - chị Trà chia sẻ.
Hàng nội địa là sản phẩm được sản xuất dành riêng cho thị trường nước đó hoặc một nhóm nước liên minh, không xuất khẩu đại trà. Hiện người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng mua hàng nội địa các quốc gia thông qua: đi du lịch, đi công tác mua về bán lại; shop hàng xách tay; đặt mua sản phẩm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử của quốc gia đó; siêu thị có bán hàng nội địa các nước… Những người có ít tiền hơn có thể tìm mua đồ hiệu “si-đa”. |
Hoàng Lộc