Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao yêu thương, nhân hạnh phúc

09:03, 19/03/2022

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay với chủ đề Yêu thương và chia sẻ tiếp tục được phát động trên cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân.

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay với chủ đề Yêu thương và chia sẻ tiếp tục được phát động trên cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân.

Gia đình ông Dương Đức Thành, H.Trảng Bom
Gia đình ông Dương Đức Thành, H.Trảng Bom

Bằng những hành động thiết thực, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng đã và đang góp phần đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Sống bằng nghề làm nông, gặp không ít khó khăn, thế nhưng ông Nguyễn Văn Trường (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) lại được nhiều người quý mến bởi những nghĩa cử cao đẹp. Từ năm 2010 đến nay, ông tình nguyện tham gia Hội chữ thập đỏ địa phương, nhiều lần hiến máu cứu người, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, bản thân ông Trường đã bất chấp nguy hiểm, tích cực trong công tác truy vết tại các ổ dịch; thường xuyên vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho những người trong khu cách ly, khu phong tỏa…

Khi được hỏi quan niệm của ông về hạnh phúc, ông Trường nói rằng, với những gia đình có điều kiện, họ sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh bằng vật chất, riêng bản thân ông chỉ biết làm hết sức mình vì cộng đồng.

“Bây giờ tôi làm chuyện nhỏ, chia sẻ bằng tình thương với những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi chỉ hy vọng rằng, những hành động nhỏ vì cộng đồng sẽ được nhân rộng ra để có nhiều người làm, nhiều nơi thực hiện, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người” - ông Trường bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Trường, xã Gia Canh trao tặng khẩu trang cho đại diện Trạm y tế xã Ngọc Định, H.Định Quán. Ảnh: Quang Tân
Ông Nguyễn Văn Trường, xã Gia Canh trao tặng khẩu trang cho đại diện Trạm y tế xã Ngọc Định, H.Định Quán. Ảnh: Quang Tân

Cũng với quan niệm hạnh phúc chính là làm việc tốt, trao yêu thương cho cộng đồng, chị Lê Thị Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bến Sắn (xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) không ngần ngại đóng góp và vận động bạn bè, người thân chung tay hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men… để chăm lo cho hội viên phụ nữ, công nhân khu nhà trọ trên địa bàn. Chỉ tính riêng 3 tháng của năm 2021 phải cách ly, phong tỏa do dịch diễn biến phức tạp, chị đã kêu gọi được trên 150 triệu đồng.

Với chủ đề Yêu thương và chia sẻ, Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay được Sở VH-TTDL phát động trong toàn tỉnh. Sở ưu tiên tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ cá nhân, gia đình, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với tinh thần yêu thương và chia sẻ; vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có nhiều thành tích góp phần đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, Sở VH-TTDL đẩy mạnh công tác tuyên truyền treo pa-nô, áp-phích, xe lưu động, trên bảng tin cộng đồng tại các trụ sở cơ quan, trường học, nơi công cộng… để toàn dân cùng hưởng ứng trong tình hình thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Chị Hưng cho biết, nhiều năm trước, cuộc sống gia đình chị trải qua nhiều khó khăn. Từ miền Bắc, chị khăn gói vào miền Nam lập nghiệp, chọn ấp Bến Sắn làm nơi dừng chân. Thời gian đầu, chồng chị bị bệnh, không thể đi lại bình thường, mọi gánh nặng gia đình đều đặt lên vai chị. May mắn, gia đình chị gặp được bác sĩ giỏi, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân của chồng chị đã được chữa khỏi. Sau bao nỗ lực với tinh thần học hỏi, cầu tiến, chồng chị trở thành giám đốc của một công ty cơ khí trên địa bàn. Từ đó, chị lui về làm “hậu phương” và tích cực tham gia công tác xã hội, thiện nguyện.

Với tâm niệm, giúp người là tự giúp mình, hạnh phúc là được chia sẻ, gia đình bà Phạm Sắt Múi - chủ nhà hàng Tấn Phát (xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) mỗi năm đã đóng góp từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã. Đặc biệt, bà Múi thường xuyên cho các hộ gia đình vay vốn không lãi suất để làm ăn, phát triển kinh tế; đóng góp tích cực cho quỹ khuyến học, giúp học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc vượt khó trên địa bàn xã có học bổng, yên tâm học tốt.

“Mặc dù công việc kinh doanh nhà hàng của gia đình tôi trong thời điểm dịch bùng phát không thuận lợi song không vì thế mà chúng tôi “bỏ bê” công việc thiện nguyện. Ngoài tự lực của gia đình, chúng tôi đã kết nối với bạn bè gần xa để có thêm những nguồn giúp đỡ các hoàn cảnh thật sự khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.  Sự sẻ chia không chỉ mang lại hạnh phúc cho mình mà còn đem đến niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà” - bà Múi bộc bạch.

Hạnh phúc của những người như: ông Nguyễn Văn Trường, chị Lê Thị Hưng, bà Phạm Sắt Múi không gì xa vời mà chính là tình thương và sự sẻ chia của bản thân với những người khác, nhất là những người bất hạnh trong xã hội. Quan niệm về hạnh phúc của họ cũng đang ngày càng lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò của người trẻ

Là gia đình trẻ, chị Lê Thị Trang (công chức văn hóa - xã hội tại TP.Long Khánh) cùng chồng đến từ hai vùng quê khác nhau, gặp nhau ở Đồng Nai và đem lòng yêu nhau. Không yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên mà chính sự ân cần, quan tâm đến nhau mỗi ngày đã vun đắp tình yêu của họ. Theo chị Trang, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn; không phải cứ muốn hạnh phúc là có được hạnh phúc mà phải nỗ lực, xây dựng và vun đắp rất nhiều.

“Không ai trong chúng ta tự tin nói rằng, gia đình mình chưa một lần cãi vã, chưa một lần xung đột, chưa một lần phải suy nghĩ và lo lắng. Trân trọng những gì mình đang có, đang xây dựng là cách tận hưởng hạnh phúc gia đình. Hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 do TP.Long Khánh phát động, gia đình tôi tranh thủ cùng nhau chuẩn bị những bữa cơm cuối tuần bên cạnh nhau, sưu tầm và kể cho các con những câu chuyện đẹp về gia đình. Từ đó, giúp các con hiểu, biết yêu thương và chia sẻ, trân trọng tình cảm gia đình” - chị Trang chia sẻ.

Là người chồng luôn tin tưởng, yêu thương và chia sẻ với vợ từ những việc nhỏ đến việc lớn trong gia đình, anh Tôn Đức Thuận, Bí thư Đoàn cơ sở Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh cho rằng, những người trẻ hiện nay ai cũng có cái tôi cá nhân rất lớn, nếu không biết lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau thì mâu thuẫn nhỏ sẽ tích tụ thành lớn. Bởi vậy, theo anh Thuận, gia đình trẻ muốn hạnh phúc phải “nói không” với bạo lực gia đình. Một khi vợ chồng thấu hiểu, cảm thông và đặt mình vào vị trí của nhau thì tự khắc hạnh phúc sẽ đến, cuộc sống cũng tự khắc tươi đẹp hơn.

Một trong những hình ảnh đẹp về xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh về gia đình hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Kim Ngân (TP.Long Khánh) được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân tại các kỳ triển lãm
Một trong những hình ảnh đẹp về xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh về gia đình hạnh phúc của chị Nguyễn Thị Kim Ngân (TP.Long Khánh) được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân tại các kỳ triển lãm. Ảnh do gia đình cung cấp

Phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Thùy Duyên, Bí thư Đoàn TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) cho biết, bản thân chị đã xác định phải tự phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống. Trong gia đình, chị thường xuyên rèn luyện đạo đức, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa của gia đình, của quê hương. Trong công việc, chị tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng... góp phần phát huy tốt vai trò của người trẻ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

“Đoàn viên, thanh niên là đối tượng dễ tiếp nhận, tiếp thu những cái mới, cái hay, cái tiến bộ của xã hội. Vài năm trở lại đây, Đoàn TT.Trảng Bom đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay cho người trẻ. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên nhận ra giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, gia đình cần phải gìn giữ” - chị Duyên cho hay.

Lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng

Hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3, những năm qua Sở VH-TTDL đã tổ chức rất nhiều hoạt động từ tọa đàm, triển lãm, hội thi gia đình… Tuy nhiên, do dịch bùng phát và diễn biến phức tạp nên 2 năm vừa qua, nhiều hoạt động tập trung đông người tạm hoãn, tổ chức quy mô nhỏ và đẩy mạnh trực tuyến. Mặc dù vậy, phong trào xây xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh cũng đạt được một số thành tựu đáng kể. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 647.072/663.679 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 99% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trên 90%).

Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương, TP.Long Khánh
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương, TP.Long Khánh

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều thành lập thêm các mô hình CLB gia đình hạnh phúc, CLB gia đình hạnh phúc phát triển bền vững. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn CLB, thường xuyên tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cháu và giúp đỡ nhau làm giàu, phát triển kinh tế. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh cho các gia đình phát huy được những giá trị tốt đẹp, loại bỏ những tập tục lạc hậu, tình trạng bất bình đẳng giới, luôn đề cao sự yêu thương và chia sẻ đúng như thông điệp của Ngày quốc tế Hạnh phúc.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, những khẩu hiệu như: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; Hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3… đã trở thành thông điệp thân thương, gắn kết sự yêu thương và chia sẻ trong mọi gia đình từ nhiều năm nay. Để hạnh phúc có ý nghĩa và sức lan tỏa rộng hơn, rất cần sự chung tay của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng với những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

“Các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về giá trị của hạnh phúc, về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình. Trong thời gian tới, Sở VH-TTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách. Kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam để mọi gia đình, mọi người dân thực sự hạnh phúc” - bà Bình nhấn mạnh.

Ly Na


TS tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM:

Hạnh phúc là quá trình vun đắp và xây dựng

Mỗi người trong chúng ta đều có những nguồn hạnh phúc của riêng mình. Thông thường, bốn nguồn hạnh phúc phổ biến nhất vẫn là: gia đình êm ấm, sống cạnh những người mình yêu thương và yêu thương mình nhất; sức khỏe mạnh mẽ, đi được, ăn được, ngủ được; việc làm phù hợp với bản thân để kiếm ra tiền, tạo ra thành quả gì đó tốt đẹp cho xã hội và tinh thần thoải mái, không lo âu, đầu óc nhẹ nhàng. Bởi vậy, hạnh phúc là cả một quá trình, vun đắp và xây dựng.

Nếu trái đất này đã mấy tỷ năm qua, thì mỗi người chỉ là một đốm sáng nhỏ trên thế gian này, lóe lên rồi vụt tắt. Để cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống, mỗi người hãy biết yêu thương, đề ra cho mình những mục tiêu cụ thể, phù hợp và nỗ lực đạt được những mục tiêu ấy. Ý nghĩa của cuộc đời nằm ở những gì mình làm theo ý thích trong chính khoảng thời gian hạn hẹp đó trước khi sự sống bị tước đi.

Chị THỊ TUYỀN, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Quang (TP.Long Khánh):

Yêu thương và chia sẻ là chìa khóa của hạnh phúc

Với tôi, hạnh phúc là khi các thành viên trong gia đình biết tôn trọng, chia sẻ và yêu thương lẫn nhau. Một cử chỉ quan tâm hay một lời hỏi thăm không cần hoa mỹ…, những việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã giúp các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Tôi nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm là yêu thương và chia sẻ.

Trong các gia đình hiện nay, người đàn ông vẫn là trụ cột chính, họ có nhiệm vụ gánh vác kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không vì thế mà hạ thấp vai trò của người phụ nữ bởi ngoài tham gia công tác xã hội, họ còn phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ của một người vợ đảm, người mẹ hiền. Vì thế, để giữ gìn hạnh phúc trong gia đình cần sự đồng lòng, chia sẻ từ hai phía. Đây là chìa khóa để mỗi người, mỗi gia đình mở ra cánh cửa tương lai tươi đẹp cho mình.

Chị NGUYỄN THỊ KIM NGỌC, đoàn viên thanh niên ở P.An Hòa (TP.Biên Hòa):

Tìm ra tiếng nói chung

Là người chưa lập gia đình nhưng qua những thông tin trên mạng xã hội khiến đôi lúc tôi cảm thấy “bối rối” khi nghĩ về hai từ “hạnh phúc” giữa cuộc sống “hỗn độn” và phức tạp này. Tôi đã từng gặp rất nhiều gia đình mà ở đó, người mẹ, người vợ, người chồng, người cha với những câu chuyện khác biệt và nhiều trắc trở. Có những cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn vì không hiểu nhau, không tìm ra tiếng nói chung nên nhanh chóng tan vỡ, đường ai nấy đi…

Ưu điểm của người trẻ là năng động, không ngại khi đối mặt với khó khăn, thử thách nhưng để suy nghĩ chín chắn hơn về hạnh phúc, trưởng thành hơn khi lập gia đình thì chắn chắn cần phải có ý thức vun đắp, sống vì người khác, vị tha để xây dựng gia đình hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng, từ những câu chuyện đẹp của bản thân mỗi người là tấm gương phản chiếu cho những người xung quanh, nhất là con trẻ. Bởi chúng ta sống thế nào thì các con lớn lên cũng sẽ giống như vậy.  

My Ny (ghi)


 

Tin xem nhiều