Báo Đồng Nai điện tử
En

Quá phiền bởi những cuộc gọi lạ

08:03, 19/03/2022

Thời gian gần đây, tình trạng số điện thoại lạ gọi đến đe dọa, chửi bới, yêu cầu người nghe trả nợ, chuyển tiền… lại trở nên khá rầm rộ.

Thời gian gần đây, tình trạng số điện thoại lạ gọi đến đe dọa, chửi bới, yêu cầu người nghe trả nợ, chuyển tiền… lại trở nên khá rầm rộ.

Một người dân ngụ P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) liên tục bị các số lạ gọi đòi nợ (dù không vay). Ảnh: M.Thành
Một người dân ngụ P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) liên tục bị các số lạ gọi đòi nợ (dù không vay). Ảnh: M.Thành

Trước cảnh báo của cơ quan công an, nhiều người dân đã đề cao cảnh giác, không “sập bẫy” kẻ lừa đảo nhưng hầu hết đều cảm thấy phiền phức, bất an vì đối tượng lạ mặt biết nhiều thông tin cá nhân, các mối quan hệ gia gia đình, bạn bè, nơi làm việc…

Theo khuyến cáo của một điều tra viên Công an TP.Biên Hòa, khi bị số điện thoại lạ gọi hù dọa đòi nợ, người dân cần bình tĩnh, không run sợ mà phải cứng rắn đối đáp lại, nói rõ việc không vay, không quen biết người vay. Bên cạnh đó, cần chặn các cuộc gọi quấy rối để tránh bị làm phiền. Ngoài ra, chú ý hạn chế đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị các đối tượng xấu “bắt thóp” được các mối quan hệ xã hội, từ đó đem hù dọa người thân, người nhà. Hoặc tệ hơn, dùng hình ảnh trên tài khoản cá nhân cắt, ghép, “chế” thành hình ảnh xấu, đem phát tán để thực hiện mục đích đòi nợ.

Trong trường hợp, người dân bị các đối tượng lạ mặt phá hoại tài sản, bôi nhọ trên mạng xã hội cần nhanh chóng báo ngay với công an các phường, xã để được hướng dẫn trình báo. Vì hiện nay, quy định pháp luật về việc đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc lên mạng xã hội đã được nêu rõ ràng và có không ít trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm.

Nhiều ngày qua, bà P.N. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) liên tục nhận các cuộc gọi từ những số điện thoại lạ với nội dung duy nhất là đòi lại khoản nợ được cho là người quen của bà (được nêu đích danh) vay từ lâu. Dù đã xác minh lại với người quen về khoản nợ trên và nhiều lần khẳng định với các đối tượng gọi đến rằng người quen của bà không hề vay tiền nhưng bà vẫn bị gọi quấy rầy liên tục, bất kể giờ giấc.

Bà P.N bức xúc: “Những người lạ mặt dùng nhiều số để gọi. Tôi chặn số này thì họ lập tức gọi lại bằng số khác với giọng đe dọa, hằn học. Thậm chí, họ còn dọa lên tận chỗ làm của tôi để “quậy”. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tôi. Thật quá phiền phức”.

Ngoài các cuộc điện thoại từ số lạ với các nội dung đòi trả nợ (dù không vay) hoặc nhắc người nhà, người quen phải trả nợ như trên, gần đây một số đối tượng còn mạo danh cơ quan chức năng, chủ yếu là công an, viện kiểm sát gọi điện thông báo người dân vi phạm pháp luật, bị phạt tiền, có lệnh bắt hoặc yêu cầu mua tài liệu… Sau đó, yêu cầu người dân chuyển tiền để thực hiện một số thủ tục cần thiết.

Bà N.T.B.H., buôn bán tạp hóa tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) kể lại: “Vài ngày trước, có một số điện thoại lạ gọi đến và thông báo tôi là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và sắp tới có đợt kiểm tra, phải mua tài liệu để nắm bắt trước, nếu không dễ bị phạt nặng. Nhờ đọc được các thông tin cảnh báo nguy cơ lừa đảo trên báo chí nên tôi cương quyết không mua, thì các đối tượng này đe dọa đủ thứ”.

Sau khi gọi điện thoại đe dọa đòi nợ, gia đình chị L.T.T.N. (H.Trảng Bom) còn bị kẻ lạ mặt khủng bố bằng việc ném đá, chất bẩn vào nhà ban đêm. Ảnh: Cắt từ clip của camera an ninh
Sau khi gọi điện thoại đe dọa đòi nợ, gia đình chị L.T.T.N. (H.Trảng Bom) còn bị kẻ lạ mặt khủng bố bằng việc ném đá, chất bẩn vào nhà ban đêm. Ảnh: Cắt từ clip của camera an ninh

Không chỉ dừng lại ở lời đe dọa, một số người còn bị các đối tượng tìm đến nhà hù dọa sau khi gọi điện thoại nhiều lần hoặc tạt sơn, ném chất bẩn, phá hoạt tài sản. Điểm chung của các hành động trên là được thực hiện vào ban đêm, lúc đường vắng người và các hành động đều tạo tiếng động lớn, “khủng bố” tinh thần người trong nhà hoặc gây sự chú ý của người đi đường.

Cụ thể như, thời gian qua gia đình chị L.T.T.N. (39 tuổi, ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) liên tục bị một số kẻ lạ mặt ném đá, đập phá camera, tạt chất bẩn vào nhà gây hư hỏng tài sản, đe dọa tính mạng con cái. Trước đó, gia đình chị thường xuyên nhận được điện thoại của người lạ “khủng bố” đòi tiền. Trước đây, chồng chị có giới thiệu cho một người bạn tên Tấn vay 30 triệu đồng từ một người tên Tú. Song sau đó Tấn vay tới 200 triệu đồng từ người này. Đến đầu năm 2020, Tấn mất khả năng trả lãi nên Tú quay sang đòi vợ chồng chị N. trả nợ với số tiền lên đến 300 triệu đồng.

Đăng Tùng


Luật sư VŨ ĐỨC HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Báo ngay cơ quan công an khi liên tục bị gọi điện thoại quấy rối

Theo quy định pháp luật tại Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên, nên khi đến hạn trả, chỉ có bên vay mới có nghĩa vụ trả nợ.

Vì vậy, nếu người dân bị các số điện thoại lạ gọi quấy rối đòi nợ nhiều lần thì nên tự kiểm tra lại với người thân về các khoản vay hoặc bảo lãnh vay. Nếu xác định bản thân và người nhà không vay, bảo lãnh vay thì nên báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời hoặc được hướng dẫn trình báo tới các cơ quan chuyên môn. Tránh các tình huống phát sinh vượt quá kiểm soát như: bị tạt sơn, ném chất bẩn, phá hoại tài sản…

Bà NGUYỄN THỊ UYÊN, công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom):

Xử lý nghiêm các “cuộc gọi rác”

Hiện nay, các mạng xã hội đều cho phép người dùng thông báo về hành vi, thái độ bạo lực của người dùng khác, từ đó, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ có biện pháp xử lý. Do đó, tôi đề nghị các đơn vị cung cấp mạng viễn thông cũng nên thử nghiên cứu, áp dụng biện pháp tương tự (khóa 2 chiều cuộc gọi) khi có người cung cấp được bằng chứng về thái độ bạo lực, quấy rối khi gọi điện của chủ một số thuê bao nào đó.

Ngoài ra, những đối tượng lạ mặt thường dùng sim “số rác” để gọi hù dọa nên cơ quan chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông phải siết chặt việc đăng ký sim chính chủ. Khi có sự cố phát sinh từ sim này, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy vết chủ sim, điều tra làm rõ các hành vi vi phạm thông qua cuộc gọi, tin nhắn.

Ông Nguyễn Sâm, cán bộ hưu trí P.Tân Phong (TP.Biên Hòa):

Thường xuyên cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại

Thực tế hiện nay không ít đối tượng nhắm vào người lớn tuổi thường xuyên ở nhà để gọi điện hù dọa, lừa đảo vì biết họ thường có tiền để dành, lại không rành các “chiêu trò” lừa đảo mới. Nên nếu các đối tượng lạ báo tên con cháu trong nhà cùng với một số đặc điểm nhận dạng đúng, kèm yêu cầu trả một khoản nợ mười mấy hoặc vài chục triệu đồng là có thể người lớn tuổi trong nhà dễ thực hiện theo.

Do đó, người thân trong gia đình phải thường xuyên cảnh báo các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại cho người lớn tuổi để có cách chủ động phòng ngừa hiệu quả. Đừng để sự cố xảy ra rồi mới báo cơ quan chức năng.


 

Tin xem nhiều