Báo Đồng Nai điện tử
En

Một lần tham quan Cung điện Mùa Đông

12:11, 07/11/2021

Sau buổi cơm trưa, hướng dẫn viên Anna đưa đoàn chúng tôi đến tham quan Cung điện Mùa Đông ở cố đô Sankt-Peterburg, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của nước Nga, trên khuôn viên rộng 90 ngàn m².

Sau buổi cơm trưa, hướng dẫn viên Anna đưa đoàn chúng tôi đến tham quan Cung điện Mùa Đông ở cố đô Sankt-Peterburg, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của nước Nga, trên khuôn viên rộng 90 ngàn m².

Vẻ đẹp tráng lệ của Cung điện Mùa Đông
Vẻ đẹp tráng lệ của Cung điện Mùa Đông

Cung điện do kiến trúc sư người Ý  B.F.Rastrelli thiết kế theo yêu cầu của Nữ hoàng Elizaveta I theo phong cách nghệ thuật Baroque, và được xây dựng trong những năm 1754-1762.

“Đi máy bay… ngắm bảo tàng”

Cả đoàn tập trung tại quảng trường lớn trước cung điện, việc đầu tiên là cùng chụp ảnh lưu niệm dưới cây cột đá hoa cương nguyên tảng nặng trên 500 tấn. Cây cột đá này tượng trưng cho sức mạnh hùng vĩ của nhân dân Nga, tượng trưng cho chiến thắng Napoleon từ năm 1821.

Trước khi nhận vé vào tham quan bên trong Cung điện Mùa Đông, Lena nói vui với chúng tôi: “Vào bên trong cung điện, chúng ta sẽ cùng nhau đi máy bay để trải nghiệm”. Nghe vậy, một vài người thắc mắc.

Hướng dẫn viên liền giải thích: “Bởi vì trong những trường hợp cần xem lướt qua, người Việt ta hay ví von là: Cưỡi ngựa xem hoa, nhưng ở Bảo tàng Hermitage này, trưng bày hơn 3 triệu cổ vật nghệ thuật, bao gồm các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc cổ, mỹ thuật ứng dụng thời trung cổ, các bức tượng nhỏ, tượng vàng và đồ trang sức, tiền xu, khảo cổ học, bộ sưu tập của các nước phương Đông - Ai Cập, Iran, Trung Quốc, Nhật Bản… Nếu mỗi tác phẩm nghệ thuật nơi đây bạn dừng lại chiêm ngưỡng một phút thì phải mất đến 10 năm mới ra được khỏi cung điện. Vì thế trong thời gian có hạn trên 3 giờ, chúng ta chỉ có thể đi máy bay ngắm bảo tàng này mà thôi…”.

Trong một thời gian dài, Cung điện Mùa Đông là nơi ở của các Nga hoàng. Chế độ Nga hoàng sụp đổ, từ tháng 7 đến tháng 11-1917 Cung điện Mùa Đông là sảnh họp của Chính phủ lâm thời. Năm 1918 một phần, còn vào năm 1922, toàn bộ tòa nhà, được trao cho viện Bảo tàng Ermitazh quốc gia.

Cung điện Mùa Đông là một trong những tòa nhà lộng lẫy nhất ở TP.St.Petersburg. Đây là nơi cư trú của gia tộc Romanovs, bắt đầu từ Catherine Đại Đế. Cung điện Mùa Đông sở hữu hàng trăm căn phòng tuyệt đẹp. Nội thất bên trong của các căn phòng vẫn được bảo tồn đến ngày nay giúp khách du lịch nước Nga được tận mắt chiêm ngưỡng những đồ vật, kiến trúc giá trị vẫn còn nguyên vẹn.

Không thể chiêm ngưỡng, tận hưởng hết vẻ đẹp của bảo tàng

Cung điện Mùa Đông là một trong những điểm tham quan thu hút đông du khách nổi tiếng của St.Petersburg và được công nhận là một trong những bảo tàng nghệ thuật và cổ vật nổi tiếng nhất thế giới. Ở đây có những tác phẩm nghệ thuật châu Âu hàng đầu và một bộ sưu tập các cổ vật Hy Lạp và La Mã phong phú, cùng căn phòng của các gia đình hoàng gia Nga thế kỷ 18, 19.

Du khách chiêm ngưỡng các hiện vật quý ở Bảo tàng Hermitage - Cung điện Mùa Đông
Du khách chiêm ngưỡng các hiện vật quý ở Bảo tàng Hermitage - Cung điện Mùa Đông

Được giới thiệu rằng: Các Cung điện Mùa Đông đầu tiên được xây dựng trong triều đại Peter Đại đế. Cung điện thứ nhất do kiến trúc sư Georg Mattarnovi thiết kế trong năm 1711. Cung điện thứ 2 được xây vào năm 1716-1719. Trong thời gian Nữ hoàng Anna Loannovna trị vì, năm 1732 khởi công Cung điện Mùa Đông với quy mô lớn hơn, do Bartolomeo Francesco Rastrelli thiết kế, nhưng cung điện này cuối cùng cũng không thích hợp với ý định của hoàng gia.

 Việc xây dựng cung điện mới thứ 4 dành cho Nữ hoàng Elizabeth bắt đầu vào đầu thập niên 1750, dự án rất phức tạp do nhu cầu phải kết hợp cấu trúc hiện có (Cung điện Mùa Đông thứ 3 ông thiết kế lúc trước) vào thiết kế một công trình có quy mô lớn hơn, cả về kích thước lẫn phí tổn.

Theo dòng người bước chân vào bên trong Cung điện Mùa Đông, chúng tôi  bị choáng ngợp ngay từ ánh nhìn đầu tiên, cảm thấy như mình vừa quay ngược thời gian, trở về thời kỳ của các vị Sa hoàng Nga. Chắc chắn tôi và bạn sẽ bàng hoàng trước sự xa hoa và vẻ đẹp lộng lẫy của các căn phòng. Sảnh được bao phủ bởi những tấm thảm bằng nhung màu đỏ và được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc.  Những chiếc gương lớn, các bức tranh tường trên trần nhà, đá cẩm thạch - tất cả đều theo phong cách Baroque. Mọi hiện vật bày ra nơi đây chắc chắn sẽ làm cho chúng ta bị mê mẩn trước vẻ giàu có và huy hoàng của cung điện. Những ngọn nến đắt giá và sang trọng được thắp sáng bên trong căn phòng Ngai vàng lớn, nơi Hoàng đế, Hoàng hậu và các vị Đại công tước tiếp đón các vị khách quý...

Ngày nay, Cung điện Mùa Đông còn được hoạt động như một viện bảo tàng. Người Nga khẳng định rằng: Bảo tàng Hermitage là một trong những bảo tàng nghệ thuật châu Âu đẹp nhất thế giới, sánh ngang với Bảo tàng Louvre ở Paris, hay Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Phòng trưng bày Quốc gia và Bảo tàng Anh ở London và Bảo tàng Prado ở Madrid…

Bảo tàng Hermitage sở hữu các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của các họa sĩ vĩ đại như: Leonardo da Vinci, Raphael, Titian, Giorgione, Rembrandt, Rubens, Van Dyck, Hals, Velasquez, Goya, El Greco, Reynolds, Gainsborough, Monet, Manet, Degas, Renoir, Matisse, Picasso, Van Gogh, Gauguin, Kandinsky, và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác thời ấy.

Để có được Cung điện Mùa Đông kiêu hãnh hiện diện bên bờ sông Neva trong TP.St.Petersburg tồn tại cho đến ngày nay, Nữ hoàng Elizaveta đã phải dành những khoản tiền khổng lồ để xây dựng cung điện này.

Chi phí cứ liên tục phát sinh, thi công thường xuyên đình hoãn do thiếu vật liệu và tài chính vào thời điểm các tài nguyên của nước Nga bị căng thẳng đến giới hạn tuyệt đối vì tham gia cuộc Chiến tranh Bảy Năm. Sau cùng, chi phí dự án khoảng 2.500.000 rúp, lấy từ thuế rượu, thuế muối và bao nhiêu khoản thuế chồng chất đánh vào dân chúng.

Tiếc rằng Nữ hoàng Elizaveta không sống để chứng kiến nhiệm vụ trọng đại nhất của bà hoàn thành - bà mất ngày 25-12-1761. Những căn phòng sang trọng và căn hộ dành cho Nga hoàng vào năm sau sẵn sàng phục vụ Nga hoàng Pyotr III cùng Hoàng hậu Ekaterina.

Với thời gian ngắn ngủi với hơn 3 giờ trải nghiệm, làm sao chúng tôi có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng hết vẻ đẹp toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật của các nhà điêu khắc và danh họa nổi tiếng của thế giới đang được trưng bày nơi đây. Nhưng dẫu sao trong thời gian khám phá nơi đây chúng tôi đã chụp được nhiều bức hình đẹp trong không gian tuyệt đẹp, để khi về nước sẽ tự hào khoe với mọi người rằng: chúng tôi đã từng một lần được đến TP.St.Petersbug của nước Nga, đã được vào thăm Bảo tàng Hermitage - Cung điện Mùa Đông đầy tự hào trong những ngày cuối thu rực rỡ sắc màu.

Ghi chép của HOÀNG ĐÌNH NGUYỄN

Tin xem nhiều