Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng bước học sinh vượt qua đại dịch Covid-19

10:11, 06/11/2021

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết học sinh toàn tỉnh, trong đó có nhiều em lâm vào cảnh mồ côi, chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết học sinh toàn tỉnh, trong đó có nhiều em lâm vào cảnh mồ côi, chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (bìa phải) thăm và trao quà cho học sinh mồ côi mẹ tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vì dịch Covid-19. Ảnh: Công Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (bìa phải) thăm và trao quà cho học sinh mồ côi mẹ tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) vì dịch Covid-19. Ảnh: Công Nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho hay: “Trong nhiều tháng qua, ngành GD-ĐT đã nhận được sự chung tay của toàn xã hội, qua đó giúp đỡ kịp thời cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19. Sự chung tay của xã hội không chỉ là vật chất mà còn là những liều “vaccine tinh thần” lâu dài cho các em yên tâm vượt qua đại dịch”.

* Đồng hành với học sinh

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cả thầy và trò các trường học trong tỉnh bước vào năm học mới 2021-2022 với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang: Chung tay lo cho tương lai con trẻ

Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh mồ côi cha, mẹ vì đại dịch Covid-19. Dù ban đầu rất khó khăn nhưng đến nay, thiết bị học trực tuyến cơ bản đầy đủ. Chúng tôi đã và đang vận động thêm các đơn vị, doanh nghiệp và mạnh thường quân nhận đỡ đầu cho các em không may mồ côi cha mẹ cho đến khi trưởng thành.

Hơn lúc nào hết, sự hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn lúc này là rất quý báu và tôi tin rằng sẽ không có bất cứ em nào bị bỏ lại phía sau.

Cô Nguyễn Thị  Kim Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Chưa khi nào, nhà trường lại gặp nhiều khó khăn khi bước vào năm học mới như năm học này. Thầy cô đã có những tháng ngày vất vả chiến đấu với dịch bệnh. Khi dịch bệnh “giảm nhiệt”, thầy cô lại quay về trường lo cho học sinh chuẩn bị năm học mới. Thầy cô của trường đã không quản đưa từng cuốn sách mới đến tận tay học trò, thức đêm để chuẩn bị những bài dạy bằng hình thức trực tuyến. Việc dạy trực tuyến khá vất vả, do đó thầy cô đã phải đầu tư nhiều công sức hơn…”.

Trong khi đó, cô Trịnh Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, trường nằm ở trung tâm thị trấn nhưng cũng có không ít học sinh là con công nhân, điều kiện kinh tế khó khăn. Khi bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến vẫn còn một số em không có thiết bị để học. Sau khi được Phòng GD-ĐT huyện cho chủ trương, nhà trường đã chủ động vận động thầy cô và cả phụ huynh đóng góp tiền để mua điện thoại thông minh tặng học sinh. Chỉ sau 1 tuần phát động, đã có hơn 20 thiết bị được chuyển đến tận tay học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho hay, ngoài số máy của Sở GD-ĐT phân bổ về cho học sinh, UBND huyện và các phòng, ban của huyện đã rất nhiệt tình chung tay cùng chăm lo cho học sinh. Chỉ tính riêng Công an huyện đã vận động cán bộ, chiến sĩ và các mạnh thường quân ủng hộ hơn 1 ngàn thiết bị gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng. Đến nay, cơ bản học sinh của huyện từ bậc tiểu học đến THCS đã có đủ thiết bị để học trực tuyến.

Đến nay, Sở GD-ĐT đã tiếp nhận được trên 12 ngàn điện thoại thông minh, máy tính bảng để hỗ trợ kịp thời cho những học sinh không có thiết bị để học trực tuyến và học qua truyền hình. Ngành cũng đã tiếp nhận trên 2 tỷ đồng của các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cho trẻ em và học sinh không may mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19 cùng với gần 4,5 tỷ đồng hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Bên cạnh đó, Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh đã trích Quỹ tấm lòng vàng hỗ trợ cho hàng trăm giáo viên và học sinh không may là F0 và F1. Ngành GD-ĐT Đồng Nai cũng đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với một số đơn vị GD-ĐT trong cả nước với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng.

Chia sẻ về những tình cảm quý báu của các đơn vị, doanh nghiệp dành cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho hay: “Các đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ trẻ em và học sinh có hoàn cảnh khó khăn không chỉ có vật chất mà quý hơn là những tình cảm chân thành được gửi gắm vào trong mỗi phần quà. Chẳng hạn, khi Sở
GD-ĐT tiếp nhận 3 ngàn máy tính bảng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long, chúng tôi đã rất xúc động. Ngoài số lượng máy tính bảng rất lớn, công ty còn kiểm tra kỹ càng từng sản phẩm với đầy đủ phần mềm ứng dụng, phụ kiện, đồng thời hướng dẫn tận tình cách sử dụng và bảo quản máy. Công ty còn chu đáo tới mức tặng thêm cho mỗi học sinh 200 ngàn đồng để các em tự mua sim Data 4G để học trực tuyến”.

Ông Đinh Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đinh Thuận (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã hỗ trợ cho 116 trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch Covid-19 và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. Với mỗi học sinh mồ côi cha hoặc mẹ được nhận hỗ trợ 12 triệu đồng trong vòng 1 năm; các em mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 36 triệu đồng trong vòng 3 năm.

Chia sẻ về những tình cảm chân thành của mình dành cho trẻ em và học sinh mồ côi do đại dịch, ông Đinh Ngọc Tú cho biết: “Ai lớn lên cũng đều mong có cha mẹ ở bên để chăm sóc, dìu dắt khôn lớn và trưởng thành. Trong đại dịch Covid-19, nhiều em không còn cha mẹ, cuộc sống khó khăn, tương lai bất định. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì với nhiều em, nguy cơ bỏ học giữa chừng là rất cao. Khi các em không thể tiếp tục học tập, chắc chắn tương lai sẽ trở nên mịt mù hơn. Đó cũng là lý do khiến tôi cố gắng hỗ trợ các em được phần nào hay phần đó”.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh thì cho hay: “Chứng kiến những trẻ em và học sinh không may mồ côi cha mẹ, chúng tôi cảm thấy rất thương. Khi đến gặp một số em để trao tiền và quà hỗ trợ, hoàn cảnh nhiều em khiến chúng tôi không cầm được nước mắt”.

Bà Thu Lan cho biết, đến nay Hội Nữ trí thức tỉnh đã vận động được trên 300 triệu đồng để hỗ trợ cho trẻ em và học sinh khó khăn. Hoạt động vận động hỗ trợ của Hội Nữ trí thức tỉnh sẽ còn tiếp tục chứ chưa dừng lại, nhằm giúp các em vượt qua khó khăn theo đuổi những ước mơ để tương lai sẽ tươi sáng hơn.

* Vượt lên dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại trong nhiều tháng qua đã ngăn trẻ em và học sinh toàn tỉnh không thể đến trường, tuy nhiên việc học của các em vẫn không bị dừng lại.

Những thùng máy tính bảng được các đơn vị, doanh nghiệp chuyển đến Sở GD-ĐT để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Công Nghĩa
Những thùng máy tính bảng được các đơn vị, doanh nghiệp chuyển đến Sở GD-ĐT để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Chưa khi nào ngành GD-ĐT và các em học sinh toàn tỉnh lại gặp phải những khó khăn lớn như vậy bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự chủ động vượt khó của cả thầy và trò, các hoạt động dạy và học trong toàn tỉnh vẫn đang diễn ra một cách bình thường”.

Từ chỗ có hơn 30 ngàn học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến và học qua truyền hình, đến nay, hầu hết học sinh đã có thiết bị học tập. Trong số đó, có thiết bị do gia đình mua sắm, có thiết bị do Sở và phòng GD-ĐT các địa phương hỗ trợ. Điều đáng mừng là phần lớn các trường đều duy trì 100% học sinh học trực tuyến. Những em vì hoàn cảnh đặc biệt không thể học trực tuyến, được, giáo viên giao bài tập tại nhà, đồng thời liên hệ hỗ trợ các em học tập.

Ông Hứu Bửu Hổ, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nhơn Trạch cho biết, Nhơn Trạch là một trong số các địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã làm nhiều học sinh là con em công nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều em có cha mẹ là công nhân không may qua đời vì dịch bệnh. Nhưng với tất cả sự quan tâm và trách nhiệm, Phòng GD-ĐT đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã, thị trấn hỗ trợ kịp thời cho các em. Những học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến được hỗ trợ thiết bị, những em không may mồ côi cha mẹ, huyện hỗ trợ lương thực, thực phẩm và học bổng. Phòng GD-ĐT cũng đã hỗ trợ thủ tục cho nhiều em học sinh của huyện theo cha mẹ về các địa phương ngoài tỉnh tiếp tục học tập, khi có điều kiện quay lại H.Nhơn Trạch, các trường trên địa bàn huyện sẽ tiếp nhận lại.

Em Nguyễn Thị Bích Liên, học sinh lớp 6/3, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khiến cha của em không thể qua khỏi, từ đó cuộc sống của mấy mẹ con càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ngay cả chiếc điện thoại thông minh tầm trung, giá chỉ hơn 1 triệu đồng để học trực tuyến, gia đình em cũng không thể tự mua sắm. Tuy nhiên, em Liên đã không bị bỏ lại phía sau. Em đã được nhà trường tặng một điện thoại thông minh và giới thiệu nhận học bổng dành cho các em có hoàn cảnh mồ côi cha mẹ sau đại dịch Covid-19.

Anh em Ngô Ngọc Minh Khôi và Ngô Ngọc Minh Thủy ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) cách đây không lâu đã mất mẹ vì dịch Covid-19.

Sau ngày mẹ mất, 2 anh em chỉ còn chỗ dựa duy nhất là cha mình hằng ngày làm nhân viên bảo vệ nuôi sống cả gia đình. Minh Khôi cho hay: “Từ ngày mẹ mất, thầy cô ở trường thường xuyên động viên 2 anh em học tập. Cô giáo chủ nhiệm động viên em ráng học để năm sau thi lên lớp 10. Nhà trường còn hỗ trợ để 2 anh em có thiết bị học trực tuyến và được nhận học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Còn em Đào Dương Thanh Trúc, học sinh lớp 8 Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Sau khi mẹ mất vì Covid-19, cuộc sống của 2 anh em còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước ổn định vì có thầy cô và chính quyền hỗ trợ. Em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường như mong mỏi của mẹ”.

Công Nghĩa


Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: Không để học sinh nào bỏ học vì khó khăn      

Dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho tỉnh, trong đó có ngành GD-ĐT. Dù tỉnh đang phải nỗ lực khôi phục kinh tế sau đại dịch nhưng luôn quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng cho GD-ĐT.

Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra với ngành là rất lớn để có thể sớm mở cửa lại trường học, do đó đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa, trước mắt là phối hợp tốt với các đơn vị liên quan sớm triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn cho học sinh ở từng cấp học, độ tuổi. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai phương án đưa học sinh các cấp học trở lại trường an toàn. Trong quá trình đưa học sinh trở lại phải rà soát thật kỹ, không được để một học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng.

* Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn

Trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, đảm bảo công bằng, trong đó đặc biệt là với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết về miễn học phí cho toàn bộ trẻ em và học sinh các cấp học công lập. Đối với trẻ em và học sinh các cơ sở giáo dục tư thục, tỉnh có chính sách cấp bù học phí bằng với các trường công lập. UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT rà soát và hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ.

Sắp tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đảm bảo không để học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn phải bỏ học.

* Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế: 100% học sinh đã có thiết bị học trực tuyến

Huyện có số lượng học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khá lớn, việc hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, đòi hỏi nguồn lực cả vật chất lẫn tinh thần.

Đến nay, huyện đã vận động và tiếp nhận được trên 1.200 máy tính bảng, điện thoại thông minh, toàn huyện về cơ bản không còn học sinh nào bị thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Các trường đạt 100% học sinh tham gia học trực tuyến.

Thời gian tới, khi học sinh đi học trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ đồ dùng học tập, đồng phục mới, đặc biệt là với con em công nhân về quê theo cha mẹ trở lại Trảng Bom tiếp tục làm việc.

* Em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 8, Trường THCS Hiệp Phước (TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch): Mong được hỗ trợ nhiều hơn

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, em đã không còn cả cha lẫn mẹ. Cuộc sống của 2 chị em em gặp rất nhiều khó khăn do không còn chỗ dựa. 2 chị em đã nhận được sự hỗ trợ ban đầu của nhà trường, chính quyền địa phương như: học bổng, thiết bị học tập, lương thực thực phẩm…

Điều em mong muốn lúc này là được tiếp tục đến trường học tập, tuy nhiên về lâu dài sẽ rất khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ, có thể em sẽ phải nghỉ học sớm đi làm mướn nuôi em trai ăn học. Do đó, em mong muốn ngành Giáo dục và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, có chính sách ưu đãi về học phí, tiếp sức cả về vật chất lẫn tinh thần để 2 chị em em có điều kiện tiếp tục học văn hóa và học nghề trong thời gian tới.

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều