Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn ngoạn mục từ Olympic Tokyo 2020

05:08, 06/08/2021

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bế mạc ngày 8-8 là thành công lớn không chỉ cho nước chủ nhà Nhật Bản mà còn là của đại gia đình thể thao thế giới trong bối cảnh vượt qua những khó khăn ngặt nghèo chưa từng có trong lịch sử vì dịch bệnh Covid-19.

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bế mạc ngày 8-8 là thành công lớn không chỉ cho nước chủ nhà Nhật Bản mà còn là của đại gia đình thể thao thế giới trong bối cảnh vượt qua những khó khăn ngặt nghèo chưa từng có trong lịch sử vì dịch bệnh Covid-19.

Nữ hoàng điền kinh Elaine Thompson-Herah
Nữ hoàng điền kinh Elaine Thompson-Herah

Bất chấp “bóng ma” Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Olympic Tokyo 2020 vẫn có rất nhiều sự kiện đặc biệt và hình ảnh không thể quên. Đó là những nụ cười và nước mắt từ các chiến thắng của những đoàn thể thao mạnh nhất hành tinh như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc… đến những cá nhân VĐV kiệt xuất làm nên những chiến thắng, những kỷ lục lịch sử. Khó thể quên hình ảnh tay vợt cầu lông Đan Mạch Viktor Axelsen hay tay vợt tennis Alexander Zverev (Đức) khóc nức nở khi đoạt HCV Olympic đầu đời; lời cầu hôn ngọt ngào “Tụi mình sẽ kết hôn vào năm sau, phải không em yêu?” của Marcell Jacobs gửi lời tới bạn gái lâu năm Nicole Daza ngay sau khi chân chạy nước rút người Italy này giành HCV…

Trong khuôn khổ có hạn của trang báo, Đồng Nai cuối tuần xin điểm lại những dấu ấn đáng nhớ nhất từ các bộ môn được xem là quan trọng nhất Thế vận hội, được nhiều người hâm mộ thể thao quan tâm theo dõi nhất.

1. Điền kinh

“Cảm giác thật tuyệt khi đi vào lịch sử” - đó là cảm xúc của Elaine Thompson - Herah (29 tuổi, Jamaica) - nữ VĐV chạy nhanh nhất tại Olympic Tokyo và cũng được giới truyền thông thừa nhận là người phụ nữ chạy nhanh nhất thế giới hiện nay. 

Herah trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử đoạt cú đúp HCV 100m và 200m qua hai kỳ Olympic. Điều đáng khen hơn nữa là ở Tokyo 2020 “nữ hoàng nước rút” đạt thành tích mới (10 giây 61 và 21 giây 53) tiến bộ hơn so với Olympic Rio 2016.

Ở cự ly nước rút phía nam, Tokyo đón chào “một ngôi sao mới ra đời” chính là Marcell Jacobs (Italy) khi anh bất ngờ vượt qua các ứng viên khác để giành HCV 100m nam với thành tích 9 giây 80, qua đó mang chiếc HCV danh giá bậc nhất này về lại châu Âu kể từ sau Olympic Barcelona 1992.

Một hình ảnh rất đẹp cho tinh thần thể thao chính là tình bạn cảm động từ hai VĐV đồng ý chia sẻ HCV Olympic ở nội dung nhảy cao nam Gianmarco Tamberi (Italy) và Mutaz Essa Barshim (Qatar), khi cả hai cùng đạt thành tích 2m37. Họ ôm chầm lấy nhau trên đường pitch rất thân thiết dù trước đó vẫn là hai đối thủ cạnh tranh mang huy chương về cho đất nước họ.

Ngoài ra, kỳ tích ở nội dung nhảy 3 bước của nữ VĐV mảnh khảnh Yulimar Rojas (Venezuela) với thành tích 15,67m, phá sâu kỷ lục Olympic từ Olympic 2008 lẫn phá kỷ lục thế giới (15,50m) tồn tại suốt 26 năm qua, cũng là một dấu ấn đáng nể.

2. Bơi lội

Không nghi ngờ gì, Caeleb Dressel, tay bơi chủ lực của đội Mỹ, là VĐV xuất sắc nhất tại Olympic Tokyo 2020 khi “truyền nhân Michael Phelps” này giành được 5 HCV tại một kỳ Thế vận hội, tái hiện kỳ tích của ba huyền thoại bơi lội Mỹ là M.Phelps, Mark Spitz, Matt Biondi và VĐV Kristin Otto (Đông Đức cũ).

Tay bơi Caeleb Dressel
Tay bơi Caeleb Dressel

Caeleb Dressel, 25 tuổi, có tố chất hình thể “dị nhân” với cơ vai phát triển và sải tay dài, đã khổ luyện cũng như vượt qua nhiều sức ép về thể xác lẫn tinh thần để tỏa sáng ở Tokyo. Anh lập kỷ lục thế giới 100m bướm, kỷ lục Olympic 100m và 50m tự do. Qua đó, Dressel giúp đội bơi Mỹ duy trì vị thế số một trên đường đua xanh Olympic 11 HCV, 10 HCB, 9 HCĐ.

Nhờ sự xuất sắc từ các nữ VĐV, đội tuyển bơi của Australia giành được 9 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ chung cuộc.

3. Bóng đá

Không có quá nhiều bất ngờ khi hai đội tuyển đá trận chung kết để tranh HCV Olympic bóng đá nam là Tây Ban Nha và Brasil. Cả hai đều có thực lực mạnh nhất và được đánh giá cao nhất ngay từ đầu.

Đội tuyển bóng đá Olympic Brasil
Đội tuyển bóng đá Olympic Brasil

Brasil với lực lượng đồng đểu ba tuyến, sở hữu thủ thành Melo dos Santos (giúp Brazil đánh bại Mexico 4-1 trong loạt sút luân lưu ở bán kết), thủ quân kỳ cựu Dani Alves tuyến giữa và ngòi nổ Richarlison hàng công là đội chơi tấn công hay bậc nhất từ đầu giải.

Trong khi đó, Tây Ban Nha với thủ môn Unai Simon, các tài năng trẻ Daniel Olmo, Pedri, Rafa Mir (lập hat-trick ở tứ kết) kết hợp ngôi sao Marco Asensio (người ghi bàn thắng duy nhất giúp Tây ban Nha vượt qua Nhật Bản ở bán kết) đã thi đấu đúng phong độ và vị thế của ứng viên vô địch.

Tuyển chủ nhà Nhật Bản và Mexico tranh HCĐ cũng rất đáng khen. Mexico với thủ môn nhiều kinh nghiệm Guillermo Ochoa cùng lối đá tấn công rực lửa chiếm nhiều thiện cảm. Còn tuyển chủ nhà Nhật Bản gây dấu ấn khi đè bẹp Pháp với tỷ số 4-0 ở vòng bảng. Ngôi sao sáng nhất là Takefusa Kubo (20 tuổi) đã tỏa sáng với tốc độ lắt léo, khả năng rê dắt và nỗ lực cao trong màu áo Olympic quốc gia.

4. Thể dục dụng cụ

Sự kiện chấn động được bàn tán nhiều nhất ở bộ môn TDDC nói riêng lẫn cả Olympic Tokyo nói chung chính là việc ngôi sao da màu của đoàn thể thao Mỹ Simone Biles (24 tuổi) đã đột ngột rút khỏi bốn nội dung thi đấu sở trường (từng mang về cho cô 4 HCV tại Olympic Rio 2016) do kiệt quệ về “sức khỏe tinh thần” (mental health). Nhiều người lên tiếng cảm thông và ủng hộ quyết định của Biles.

VĐV Simone Biles (Mỹ)
VĐV Simone Biles (Mỹ)

Huyền thoại TDDC Mỹ sau đó đã trở lại thi đấu hạng mục cuối cùng là cầu thăng bằng và cô đoạt HCĐ (xếp sau hai VĐV Trung Quốc ở chung kết). Với 7 huy chương các loại, Simone Biles vẫn đi vào lịch sử môn TDDC Mỹ khi sở hữu nhiều huy chương nhất tại Olympic ngang bằng huyền thoại Shannon Miller.

Một gương mặt đáng chú ý khác là VĐV Mỹ gốc H’Mông, Lào Sunisa Lee (18 tuổi) trở thành người Mỹ gốc H’Mông đầu tiên giành HCV Olympic trong lịch sử (nội dung toàn năng). Sunisa Lee còn giành thêm HCB đồng đội và HCĐ nội dung xà lệch.

Đoàn Việt Nam tạm biệt Thế vận hội Tokyo

Xạ thủ huyền thoại Việt Nam Hoàng Xuân Vinh đấu vòng loại 10m súng ngắn hơi nam thất bại dù là đương kim vô địch; Thạch Kim Tuấn thất bại trong cả ba lần cử đẩy hạng 61kg; Nguyễn Thị Ánh Viên về cuối nhóm vòng loại 800m tự do nữ; Hoàng Thị Duyên bị tạ đè ở nội dung cử đẩy hạng 59kg… là những dấu ấn không như ý của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Dù vậy, một vài điểm sáng cũng được ghi nhận từ Tokyo như: tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh (Đồng Nai) có hai trận thắng; võ sĩ Nguyễn Văn Đương hạ Aliyev Tayfur ở vòng đầu hạng 57kg môn quyền Anh và chỉ chịu thua võ sĩ số ba thế giới người Mông Cổ Erdenebatyn Tsendbaatar ở vòng 1/8 do đối thủ quá mạnh; Quách Thị Lan (ảnh) vượt qua vòng loại ở 400m rào nữ để trở thành VĐV lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh Việt Nam vào bán kết một kỳ Olympic.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều