Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm đầu ra cho trái ngon Đồng Nai

11:06, 11/06/2021

Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây chủ lực với diện tích lớn như: xoài, chuối, sầu riêng, thanh long… Hai năm trở lại đây, nông sản nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây, gặp nhiều khó khăn, áp lực về thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu bị đình đốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây chủ lực với diện tích lớn như: xoài, chuối, sầu riêng, thanh long… Hai năm trở lại đây, nông sản nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây, gặp nhiều khó khăn, áp lực về thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu bị đình đốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Để giải bài toán khó về tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi, trong điều kiện dịch Covid-19 thì việc đầu tư chế biến được cho là giải pháp căn cơ, góp phần vừa tạo đầu ra bền vững, vừa tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

* Lời giải về đầu ra

Dịch Covid-19 khiến nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi có tính chất mùa vụ, thường cho thu hoạch với sản lượng lớn trong một thời gian ngắn gặp không ít khó khăn về đầu ra. Thị trường xuất khẩu gặp khó, thậm chí bị đình đốn; thị trường nội địa cũng rất khó tăng thêm lượng tiêu thụ so với nhu cầu hiện có, thậm chí cũng giảm hơn vì ảnh hưởng dịch bệnh.

Nhiều giải pháp được đặt ra để thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này trong tình hình thị trường mới như: tăng cường, mở rộng các kênh tiêu thụ nội địa cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính khác để không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như trước. Trong đó, đầu tư cho bảo quản, chế biến được cho là giải pháp căn cơ, bền vững cho đầu ra của mặt hàng trái cây tươi.

Kể về lý do chuyển từ hoạt động kinh doanh sang đầu tư vào lĩnh vực chế biến, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây cơ sở chủ yếu kinh doanh mặt hàng trái cây tươi. Nhận thấy nhiều khách hàng Trung Quốc có nhu cầu về mặt hàng múi sầu riêng đông lạnh nên ông làm thêm sản phẩm này. Ban đầu, ông chỉ thử nghiệm với quy mô nhỏ. Sau này, nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường sản phẩm sầu riêng đông lạnh, ông quyết định thành lập doanh nghiệp, đầu tư nhà xưởng, dây chuyền đóng gói, nhà đông lạnh quy mô lớn với khoảng 150 công nhân làm việc ngay vùng nguyên liệu trồng sầu riêng.

Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp đưa vào chế biến với sản lượng từ 4-6 ngàn tấn trái sầu riêng/vụ thu hoạch. Mặt hàng sầu riêng múi đông lạnh của doanh nghiệp hiện xuất khẩu tốt vào nhiều thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... Năm 2020, thị trường xuất khẩu có gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ đưa vào chế biến nên chủ động hơn về thị trường so với xuất khẩu trái tươi.

Theo ông Vùng: “Vụ sản xuất này, doanh nghiệp mở rộng hơn quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng trữ đông. Qua đó đảm bảo nguồn hàng dồi dào để có nguồn sầu riêng cấp đông xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ hoạt động trong mùa thu hoạch như trước”. Doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến nhằm đáp ứng được các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ...

Nhiều sản phẩm chế biến được giới thiệu tại chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm chế biến của H.Vĩnh Cửu
Nhiều sản phẩm chế biến được giới thiệu tại chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm chế biến của H.Vĩnh Cửu

Ngoài mặt hàng sấy, đông lạnh, trái cây tươi có thể đưa vào chế biến nhiều dòng sản phẩm thức uống đặc sản như: rượu dưa lưới, rượu thanh long, rượu bưởi…

Bà Lê Kim Luôn, chủ Cơ sở vang thanh long Anna (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) chia sẻ về lý do đầu tư cơ sở sản xuất rượu từ trái thanh long: “Bà con nông dân vất vả mới trồng được trái thanh long nhưng rộ mùa thu hoạch, nông dân đổ đống thanh long ra vệ đường bán với giá rẻ như cho. Xót lắm nên tôi đầu tư sản xuất để góp phần tiêu thụ trái thanh long cho nông dân”. Mục tiêu lớn hơn của cơ sở này còn là làm ra dòng đặc sản địa phương với giá trị cao cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước chứ không chỉ bán cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Theo đó, Cơ sở vang thanh long Anna đang có kế hoạch mở rộng đầu tư về quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho các đối tác và mở rộng kênh tiêu thụ vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị...

Không chỉ các doanh nghiệp, HTX có điều kiện và nguồn vốn lớn mới có thể đầu tư vào chế biến mà các cơ sở nhỏ lẻ, kinh doanh hộ gia đình cũng có thể tham gia rất tốt vào lĩnh vực này.

Bà Bùi Thị Thủy, chủ Vườn thảo mộc Nhà của Lá (Lá Farm) ở TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) giới thiệu, Lá Farm hiện có cả chục sản phẩm handmade được chế biến từ hoa cỏ, rau trái, dược liệu như: xà phòng gấc, xà phòng đu đủ và mật ong, xà phòng lá tía tô, trà bạc hà mật ong… Đa số nguyên liệu chế biến của Lá Farm đều được tự sản xuất tại vườn nhà theo quy trình sạch để có nguyên liệu chế biến các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Cô chủ trẻ của cơ sở này đang nỗ lực đầu tư mở xưởng sản xuất, đảm bảo nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

* Đầu tư chế biến sâu

Trước khó khăn về thị trường, nhiều doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực chế biến vẫn mạnh dạn mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh): “Doanh nghiệp vừa đầu tư thêm xưởng sơ chế, đóng gói tại H.Định Quán và mở thêm nhiều điểm thu mua, sơ chế mít sấy. Tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất ngay trong giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vì thấy tiềm năng của thị trường trái cây chế biến còn rất lớn”. Hiện nay, doanh nghiệp này đang nỗ lực đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ trái cây, rau củ, ngoài dòng chủ lực là mít sấy. Ngoài thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, doanh nghiệp này đang làm việc với một số đối tác chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn như: châu Âu, Trung Đông...

Khởi đầu từ một doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ, hiện Công ty CP Thực phẩm GC (H.Trảng Bom) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong chế biến nha đam và thạch dừa, được Bộ Công thương cấp chứng nhận nằm trong tốp 100 thương hiệu uy tín của Việt Nam. Doanh nghiệp hiện đang cung cấp nguyên liệu cho nhiều tập đoàn lớn như: Vinamilk, Coca-Cola... và xuất khẩu tốt vào nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Doanh nghiệp này đang mở rộng đầu tư theo quy trình khép kín từ trang trại trồng trọt đến chế biến với một số mặt hàng trái cây như: dưa lưới, táo…

Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm GC cho hay: “Ngoài những dòng sản phẩm chủ lực hiện có, doanh nghiệp đang đầu tư, nghiên cứu đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Doanh nghiệp luôn nỗ lực không ngừng đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng”.

Đầu tư chế biến sâu cho nông sản, đặc biệt là dòng hàng trái cây tươi đang là hướng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất. PGS-TS Phạm Văn Hùng, giảng viên cao cấp, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhiều nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế đang hợp tác với doanh nghiệp tại Đồng Nai triển khai một số đề tài nghiên cứu về chế biến nông sản. Mục tiêu của chương trình hợp tác này nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; góp phần giải quyết được khó khăn lớn nhất của nông dân từ trước đến nay là nông sản làm ra bị dư thừa trong vòng luẩn quẩn được mùa mất giá.        

Bình Nguyên

Tin xem nhiều