Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp sức cho ngành chế biến

11:06, 11/06/2021

Xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, chuối, chôm chôm... đã và đang là những loại trái cây được tỉnh Đồng Nai xếp vào danh mục "chủ lực".

Xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, chuối, chôm chôm... đã và đang là những loại trái cây được tỉnh Đồng Nai xếp vào danh mục “chủ lực”. Với hàng ngàn ha mỗi loại, thêm vào đó, do nông dân ứng dụng khá mạnh mẽ công nghệ mới, giống mới làm tăng năng suất nên sản lượng hằng năm của trái cây Đồng Nai ngày một tăng mạnh. Đây là điều đáng mừng.

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Song, bên cạnh đó, câu chuyện “đầu ra” lại vẫn là một bài toán khó chưa có lời giải căn cơ trong suốt nhiều năm qua. Những “mẻ” trái cây đầu mùa có thể có giá cao, song chỉ cần rộ vụ thu hoạch, giá trái cây tuột đến “thảm thương”. Hiện tại, giá xoài tại vườn ở khu vực H.Định Quán có thời điểm chỉ còn 1 ngàn đồng/kg, nông dân bỏ mặc trái rụng trong vườn không thu hoạch vì giá bán không đủ bù công thu hoạch. Tại nhiều vùng trồng xoài khác, nhiều nông dân cũng đang chặt bỏ xoài để thay bằng cây trồng khác.

Câu chuyện trái xoài, tiếc thay lại là câu chuyện phổ biến đến nỗi nhiều người xem đó là bình thường, bởi đã từng xảy ra với thanh long, chuối, chôm chôm, hồ tiêu… ở những năm trước.

Tuy nhiên, thực tế là nông dân không thể không trồng trọt. Không xoài thì sẽ là một loại trái cây hay nông sản khác, và cũng không có gì hứa hẹn rằng khi đổi sang trồng cây khác thì sẽ không còn gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá”. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều thách thức hơn.

Về lâu dài, để tránh tình trạng nông sản, trái cây rớt giá, nông dân chấp nhận thua lỗ, bỏ mặc không thu hoạch, thì phát triển chế biến sâu vẫn là hướng đi khả thi và đúng đắn. Xoài, chuối, bưởi, bơ, sầu riêng, thanh long… nếu được thu mua, chế biến thành các sản phẩm có thể dùng trong thời gian lâu hơn thì nông dân đỡ khổ. Thực tế, khá nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã quan tâm đầu tư khía cạnh này, song vẫn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tư chế biến nông sản cần đến nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, cần vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, cần hệ thống bán hàng và phân phối chuyên nghiệp… Do đó, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, cần có những chính sách hỗ trợ “sát sườn”, hiệu quả về vốn liếng, đất đai, thủ tục… Có như thế, doanh nghiệp mới “mặn mà” tham gia, cùng nông dân thiết lập chuỗi liên kết bền vững, từ trồng trọt đến chế biến sâu.      

Vi Lâm

Tin xem nhiều