Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạng ảo, hậu quả thật

04:03, 05/03/2021

Bên cạnh những mặt tích cực, lành mạnh, mạng xã hội (MXH) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nếu người dùng, nhất là giới trẻ chủ quan, mất cảnh giác.

Bên cạnh những mặt tích cực, lành mạnh, mạng xã hội (MXH) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nếu người dùng, nhất là giới trẻ chủ quan, mất cảnh giác.

 Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao tại một ngân hàng trên địa bàn. Ảnh: T.Tâm
Công an TP.Biên Hòa tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao tại một ngân hàng trên địa bàn. Ảnh: T.Tâm

Theo cảnh báo từ các cơ quan chức năng, người sử dụng MXH (chủ yếu là Zalo, Facebook) nếu không tỉnh táo và biết “chọn bạn mà chơi” hoặc chắt lọc thông tin từ MXH rất dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa trên MXH.

* Cẩn thận tránh “sập bẫy”

Đối với giới trẻ, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, việc lạm dụng internet, mê game online, thường xuyên truy cập MXH rất dễ dẫn đến nghiện internet, MXH, gây mất tập trung và ảnh hưởng đến việc học tập. Điều đáng nói, việc sử dụng MXH của học sinh, nếu thiếu sự giám sát của người lớn sẽ rất khó kiểm soát được các mối quan hệ của các em trên môi trường MXH. Không ít trường hợp học sinh phát sinh mối quan hệ yêu đương trên MXH, dẫn đến hẹn hò và quan hệ tình dục khi các em còn nhỏ tuổi.

Điển hình như cuối năm 2020, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Hải (18 tuổi, ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) 7 năm tù về tội giao cấu người dưới 16 tuổi. Hải kể, vào năm 2019, qua Facebook, Hải quen biết và nảy sinh tình cảm với T.P. (sinh năm 2007). Quen nhau chưa đầy 2 tháng, chưa tìm hiểu kỹ lý lịch, tuổi tác của đối phương nhưng Hải vẫn thường xuyên quan hệ tình dục với P. Hậu quả bị cáo phải trả cái giá quá đắt chỉ vì trót “yêu”  người mới 13 tuổi.

 Theo thẩm phán Bùi Kim Rết, Phó chánh văn phòng TAND tỉnh, việc giáo dục một đứa trẻ nên người cần trách nhiệm rất lớn của cha mẹ. Nhất là trong việc sử dụng MXH, cha mẹ có trách nhiệm phải quan tâm, giám sát, theo dõi và đồng hành cùng con, cùng trưởng thành với con trong các giai đoạn để con trẻ hình thành nên nhân cách tốt ngay từ khi còn nhỏ; đồng thời cần xử lý nghiêm minh với những hành vi phạm tội thông qua MXH để răn đe và phòng ngừa chung.

Cũng trẻ người non dạ nên T.V. (sinh năm 2006, ngụ H.Cẩm Mỹ) đã làm quen và yêu Huỳnh Thanh Tân (35 tuổi, quê H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Sau khi nghe lời ngon ngọt của Tân, V. đem lòng yêu say đắm, bỏ nhà ra đi và trao thân luôn cho V. Đến khi biết Tân đã có vợ con ở quê thì V. mới vỡ mộng vì biết mình bị lừa. Tháng 3-2020, Tân đã bị TAND tỉnh xử phạt 14 năm tù về tội giao cấu người dưới 16 tuổi.

Ngoài ra,  MXH cũng là nơi để nhiều kẻ xấu trục lợi, nghĩ ra nhiều phương thức lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong năm 2020, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp nhận gần 20 trường hợp trình báo bị kẻ gian lừa đảo thông qua MXH chiếm đoạt số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Đặc biệt, hình thức lừa đảo qua MXH nổi lên trong năm 2020 là việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp lừa bán khẩu trang qua MXH để lấy tiền.

Cụ thể như vào tháng 10-2020, Công an TP.Biên Hòa bắt giữ Đinh Hồng Khải (26 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khải khai nhận, đầu năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh khan hiếm khẩu trang, Khải đã nhắn tin qua Zalo cho chị T.D. (ngụ H.Xuân Lộc) và chị B.N. (ngụ H.Trảng Bom) đề nghị nhập sỉ khẩu trang về bán. Nghe lời dụ dỗ và tin tưởng nên chị D. đã mua 90 thùng khẩu trang và chuyển tiền trước cho Khải gần 80 triệu đồng, còn chị N. chuyển cho Khải 23 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Khải đã cắt liên lạc và bỏ trốn.

* Thận trọng khi tham gia MXH

Những vụ án xâm hại tình dục, nhất là hiếp dâm trẻ em thông qua quen biết từ MXH đa số xảy ra ở những vùng quê, gia đình nghèo và học vấn của các em thường thấp. Đa phần cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con, cũng như không theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin nên không biết cách định hướng, giám sát con tìm kiếm thông tin, kết bạn trên MXH. Trong khi giới trẻ, nhất là học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm sống, thiếu kiến thức xã hội sẽ rất khó nhận biết những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên MXH để phòng tránh.

 Nhà trường và phụ huynh cần có sự định hướng cho học sinh khi tham gia mạng xã hội để hạn chế những thông tin xấu, độc. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại giờ ra chơi
Nhà trường và phụ huynh cần có sự định hướng cho học sinh khi tham gia mạng xã hội để hạn chế những thông tin xấu, độc. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại giờ ra chơi

Thẩm phán Bùi Kim Rết, Phó chánh văn phòng TAND tỉnh cho rằng, khi các vụ án xâm hại tình dục, hiếp dâm trẻ em thông qua quen biết trên MXH xảy ra, các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành truy tố, xét xử chỉ để răn đe, trừng trị là bước cuối cùng. Cơ quan pháp luật chỉ giải quyết được phần ngọn còn phần gốc vẫn nằm ở trách nhiệm chính từ phía gia đình và nhà trường.

Thực tế đối với học sinh, sinh viên, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc định hướng, nhắc nhở, dạy cho các em những kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ mất an toàn khi tham gia MXH.

Là người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Mai Hà (Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, trong giờ chào cờ hoặc sinh hoạt lớp, giáo viên thường dành thời gian hướng dẫn học sinh cách sử dụng MXH hiệu quả và bổ ích; đồng thời cũng khuyến cáo các em tránh xa những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý, quá trình học tập và lối sống của các em. Bên cạnh nhà trường thì phụ huynh cũng cần thường xuyên quan tâm, giám sát các hoạt động trên MXH của con em mình để kịp thời phát hiện những bất thường để chấn chỉnh, xử lý.

 Một trong các hình thức lừa đảo phổ biến là: một số đối tượng người nước ngoài hoặc lấy mác Việt kiều tìm cách tiếp cận làm quen qua mạng với phụ nữ Việt Nam, có nhã ý gửi tiền để đầu tư hoặc gửi tặng tiền, quà có giá trị lớn. Sau đó dàn cảnh giả danh nhân viên hải quan, bưu điện để gọi điện bắt trả khoản phí vận chuyển hoặc thuế khá lớn...

Đồng tình với quan điểm này, chị Phạm Thị Út (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay, trong thời đại công nghệ số, việc cấm con trẻ sử dụng MXH là điều không nên hoặc không thể. Vấn đề đặt ra là cha mẹ phải dành thời gian để chơi cùng con, học cùng con.

 “Vợ chồng chúng tôi thường hỏi han, trao đổi với con về các chương trình con đang xem. Chúng tôi giải thích cho con những chương trình nên xem và không nên xem để con biết chọn lọc thông tin tốt, xấu ngay từ nhỏ” - chị Út chia sẻ.

Riêng với những vụ lừa đảo thông qua giao dịch từ MXH, đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, các đối tượng thường đánh vào lòng tham hoặc lợi dụng lòng tin của bị hại để trục lợi. Do đó, giải pháp tốt nhất là không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, không trao đổi hay thực hiện bất kỳ giao dịch, yêu cầu nào từ những người lạ qua MXH. Đối với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng cũng cần chú ý hơn trong việc nhập thông tin cá nhân, mã khách hàng trên các trang web và những đường link có nghi vấn từ người lạ gửi tới.

MXH là nơi có vô vàn những thông tin cần thiết và bổ ích, cũng là nơi kết bạn rộng rãi, tìm kiếm thông tin dễ dàng. Tuy nhiên, nếu người dùng không cảnh giác, chủ quan, dễ dãi sẽ rất dễ trở thành nạn nhân từ MXH, từ những mối quan hệ ảo và thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng. 

Tố Tâm

Tin xem nhiều