Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại tá Nguyễn Viết Tá: Người thảo lời hiệu triệu Thi đua Ấp Bắc...

09:01, 15/01/2021

Hơn 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (QGPMNVN) đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hơn 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (QGPMNVN) đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Đồng Nai chụp hình cùng đại tá Nguyễn Viết Tá  Ảnh: N.Hà
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Đồng Nai chụp hình cùng đại tá Nguyễn Viết Tá Ảnh: N.Hà

Là một trong những người tham gia lực lượng QGPMNVN ngay từ những ngày đầu, đại tá Nguyễn Viết Tá, nguyên Tổng biên tập Báo Quân giải phóng - người được giao thảo lời hiệu triệu “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” dù đã ở tuổi 92 nhưng vẫn nhớ rất rõ kỷ niệm quan trọng này.

* Đại tá tham gia cách mạng khá sớm, từ năm 16 tuổi, vậy cơ duyên nào, chàng trai xứ Huế như ông đến với QGPMNVN?

- Năm 1945 khi tròn 16 tuổi, tôi đã tham gia thiếu sinh quân tại khu vực Bình Trị Thiên, làm liên lạc, đưa thư tín cho cán bộ cách mạng. Thấy tôi nhanh nhẹn, hoạt bát, cấp trên cử tôi vào học tại Trường thiếu sinh quân, rồi vào Trường Sĩ quan lục quân 1 (Trường đại học Trần Quốc Tuấn ngày nay), tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy.

Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, kẻ thù quyết tâm phá hoại hiệp định nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, chúng lập nên chế độ tay sai ở miền Nam Việt Nam, áp dụng chính sách thực dân mới. Nhân dân miền Nam phải cầm vũ khí trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Thế hệ học viên tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 năm đó cùng nhiều sinh viên các trường đại học đều xung phong, xếp bút nghiên, lên đường vào Nam chiến đấu, giải phóng quê hương.

Tôi trong đoàn quân đó và có mặt khá sớm tại địa bàn Đông Nam bộ vào cuối năm 1960. Đầu năm 1961, QGPMNVN được thành lập, tôi được tham gia ngay những ngày đầu trong hàng ngũ của lực lượng này.

* Tham gia lực lượng QGPMNVN, ông được phân công làm nhiệm vụ ở Bộ Chỉ huy Miền, sau này là Bộ Tư lệnh Miền, lời hiệu triệu Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công phải chăng xuất phát ngay trong thời điểm này?

- Sau thất bại của phong trào Đồng Khởi năm 1960, đế quốc Mỹ và tay sai áp dụng hình thức “Chiến tranh đặc biệt” tại miền Nam Việt Nam. Đây là chiến lược được thực hiện chủ yếu bằng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ và phương tiện chiến tranh, vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật và tài chính của Mỹ.

Thực hiện chiến lược này nhằm đạt âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, chúng áp dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, “phượng hoàng vồ mồi”… nhằm dồn dân, lập “Ấp chiến lược”- xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và làm chủ mặt đất, mặt biển, trên không.

Suốt năm 1962, Mỹ ngụy gấp rút triển khai kế hoạch Staley - Taylor nhằm giành toàn thắng trong vòng 18 tháng với 2 biện pháp chính là lập ấp chiến lược, vừa thanh lọc tiêu diệt người yêu nước và dùng vũ khí tối tân ra sức càn quét tiêu diệt lực lượng quân sự, đặc biệt là du kích chiến, sẵn sàng lập nhà tù “thà tù đày lầm hơn thả lầm” với mong muốn chúng sẽ giành toàn thắng vào năm 1963…

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Miền và Ban quân sự Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, quân và dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, làm nên nhiều chiến công vang dội. Điển hình thắng lợi trong trận Ấp Bắc 2-1-1963, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch.

Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đầu năm 1960 và Ấp Bắc năm 1963 đã có tác dụng cổ vũ to lớn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Đây cũng là động lực to lớn để hậu phương miền Bắc có nhiều các phong trào thi đua “Ba nhất”, “Gió đại phong”… được triển khai hiệu quả, thi đua sản xuất, làm việc “vì miền Nam ruột thịt”.

Anh em chúng tôi ở Bộ Chỉ huy Miền suy nghĩ, miền Bắc đã có những phong trào thiết thực mà miền Nam giành thắng lợi lớn ở Ấp Bắc nên chăng có một phong trào thi đua, động viên quân dân miền Nam chiến đấu. Từ suy nghĩ này, tôi báo cáo với Cục Chính trị Miền và được các anh giao soạn thảo lời hiệu triệu Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công.

Có một chi tiết là khi soạn thảo xong, tôi báo cáo Cục Chính trị Miền, ngay lúc đầu Chủ nhiệm Chính trị chưa đồng ý để Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội và Đài Phát thanh giải phóng thông tin ngay mà giao lại cho ông Trần Bạch Đằng, phụ trách Tuyên huấn tiếp tục xin ý kiến. Khi tôi gửi bản thảo lời soạn thảo, ông Trần Bạch Đằng nói luôn: “Anh cứ về báo chủ nhiệm chính trị cho phát ngay, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Nhưng chờ 4-5 ngày chưa thấy các đài phát đi lời hiệu triệu này, ông Trần Bạch Đằng bảo tôi sang đài để hỏi. Trên đường đi, tôi đã nghe được Đài Phát thanh giải phóng tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội đã phát đi lời hiệu triệu này và quay lại báo cáo thủ trưởng.

Lời hiệu triệu Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công ngay lập tức có sức lan tỏa lớn, kịp thời động viên quân và dân miền Nam tiếp tục chiến đấu, đánh bại kế hoạch Staley-Taylo và Johnson - McNamara, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải chuyển sang hình thức chiến tranh mới sau năm 1965.

Đồng thời, còn là khởi điểm cho nhiều phong trào thi đua kháng chiến chống Mỹ sau này của quân, dân miền Nam như “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” sau thắng lợi của Chiến thắng Vạn Tường tháng 8-1965 trong cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam trong việc chống “Chiến tranh Cục bộ” của Mỹ… từng bước tiến lên làm nên chiến thắng lớn mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* Thưa đại tá, ngay từ đầu thành lập lực lượng QGPMNVN, công tác tuyên truyền trên báo chí rất được quan tâm, sát yêu cầu, thực tiễn của cách mạng?

- Thời điểm sau khi thành lập QGPMNVN, tình hình cách mạng miền Nam phát triển thuận lợi. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các lực lượng của QGPMNVN ngày càng phát triển mạnh mẽ, hình thành những đơn vị chủ lực quy mô lớn và triển khai những chiến dịch lớn, tạo tiếng vang trên chiến trường Nam bộ mà Ấp Bắc là một trong những điển hình.

Trong sự phát triển lớn mạnh đó, công tác tuyên truyền trên báo chí, tư liệu được xây dựng sát với yêu cầu, thực tiễn cách mạng, cung cấp thông tin kịp thời, phản ánh khí thế cách mạng, cổ vũ quân dân ta trên chiến trường. Tháng
11-1963, Báo Quân giải phóng phát hành số đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh sinh động khí thế cách mạng của quân giải phóng, cổ vũ, động viên quân và dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các bản tin, bài báo không chỉ đưa trên Báo Quân giải phóng mà còn được chuyển cho đài phát thanh và Thông tấn xã giải phóng để phát, tạo sự lan tỏa lớn. Trong đó, lời hiệu triệu Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công là một ví dụ sinh động.

Giai đoạn đó, tôi đã được các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo, định hướng, giúp đỡ nhiều trong công tác chuyên môn. Báo Quân giải phóng góp phần to lớn xây dựng lòng yêu nước, nâng cao quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân, dân Nam bộ và cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

* Xin cảm ơn đại tá!

Đại tá Nguyễn Viết Tá cho biết: “Tôi không phải là thư ký, là người viết hồi ký cho thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Miền của lực lượng QGPMNVN. Tôi chỉ là người cùng với anh em Báo Quân giải phóng thu thập nguồn tư liệu cho thượng tướng Trần Văn Trà trực tiếp viết và hỗ trợ biên tập, hiệu đính để hoàn thành hồi ký của thượng tướng”.

Nguyệt Hà (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều