Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi xuân để lại chiến trường - tác phẩm mới về người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam

08:01, 15/01/2021

Sau 3 tập thơ đã công bố, tác giả Lê Liên vừa xuất bản cuốn tự truyện Tuổi xuân để lại chiến trường kể về những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời mình, của người chiến sĩ quân giải phóng trên chiến trường.

Sau 3 tập thơ đã công bố, tác giả Lê Liên vừa xuất bản cuốn tự truyện Tuổi xuân để lại chiến trường kể về những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời mình, của người chiến sĩ quân giải phóng trên chiến trường.

Tự truyện Tuổi xuân để lại chiến trường được trình bày theo trình tự thời gian, bố cục theo các chương, đoạn tập trung vào các mảng lớn:

* Ký ức về quê hương yêu dấu, tuổi thơ trong lành, đẹp đẽ

Lê Liên sinh ra và lớn lên tại xã Trường Yên, H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh, Lê. Non xanh nước biếc, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, sản vật nông nghiệp cá tôm trù phú, nơi sinh sống của những con người hiền lành chân chất, nơi nuôi dưỡng thể chất, tâm hồn cậu bé Liên khôn lớn.

Làng quê miền Bắc những năm đầu của thập kỷ 60 trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thanh bình, ấm áp tình người. Ở đó còn có hình ảnh người cha, người mẹ, em gái, những bạn bè cùng trang lứa thiếu niên, thanh niên.

Mang nặng nợ nước thù nhà (máy bay Mỹ ném bom xuống bến đò Trường Yên giết chết hai mươi mốt người dân vô tội trong đó có hai người thân của anh), như bao thanh niên cùng thế hệ ngày đó ở miền Bắc, cậu học sinh vừa tốt nghiệp THPT Lê Liên đã để lại giấy gọi nhập Trường đại học Bách khoa, chích máu viết đơn tình nguyện vào bộ đội lên đường đánh Mỹ, bảo vệ quê hương.

Những kỷ niệm của năm tháng tuổi thơ và tuổi mới lớn sống ở quê hương bên cha mẹ, người thân, bạn bè còn in mãi trong ký ức và là hành trang sâu đậm anh mang theo vào cuộc chiến đấu và đến suốt cuộc đời.

* Gian lao, khốc liệt chiến trường, sáng ngời phẩm chất người lính

Bước vào chiến trường, sắt thép đạn bom, gian khổ, ác liệt đã thử thách Lê Liên ngay từ những ngày đầu hành quân vào Nam đánh giặc. Trận bom đạn Mỹ giáng xuống đội hình hành quân trên đường Trường Sơn đã làm thương vong nhiều đồng đội của anh. Tinh thần dũng cảm của một người lính quân giải phóng được thể hiện ngay trong trận chiến đầu tiên này. Người lính trẻ Lê Liên lao vào đạn lửa, cứu đồng đội. Cùng một số cán bộ, chiến sĩ khác, anh được phân công ở lại làm công tác thương binh, tử sĩ.

Tác giả Lê Liên sau ngày Toàn thắng 30-4-1975. Ảnh chụp tại Hội thảo Cầm Viên (sở thú) Sài Gòn
Tác giả Lê Liên sau ngày Toàn thắng 30-4-1975. Ảnh chụp tại Hội thảo Cầm Viên (sở thú) Sài Gòn
Tác giả Lê Liên, tên thật là Lê Văn Liên - nguyên giảng viên Khoa Lý luận Chính trị, Trường Sĩ quan lục quân 2 (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ), nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai, hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh. Ông đã có 7 năm trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phải hành quân đuổi theo đơn vị, chặng đường cả tháng trời đầy gian khổ thiếu lương thực, đói khát rồi bệnh tật, kiệt sức, nhiều người đã hy sinh dọc đường. Chiến sĩ trẻ Lê Liên được vinh dự kết nạp Đảng ngay sau thử thách đầu tiên này.

Càng vào sâu chiến trường, cuộc chiến đấu càng gian khổ, ác liệt: những trận bom, pháo, bệnh tật, sốt rét ác tính, thiếu lương thực, thực phẩm...Khốc liệt nhất là những trận bom B52 rải thảm, những cơn sốt rét ác tính mười phần chết chín... nhưng ý chí, tinh thần người lính được tôi luyện trong “lửa đỏ và nước lạnh” luôn hướng về phía trước, vượt lên cái chết, vượt lên gian khổ. Đặc biệt, tinh thần gương mẫu “đảng viên đi trước” nhận gian khổ, hy sinh về mình trong chiến đấu và công tác được phát huy cao độ, tạo nên hình ảnh người cán bộ, đảng viên cao đẹp, cảm phục.

Chiến sĩ trẻ Lê Liên trưởng thành dần lên trong những năm tháng chiến đấu ấy. Anh được đề bạt và đảm nhiệm các vị trí chỉ huy tiểu đội, trung đội, đại đội. Đến những ngày tham gia chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 1975, anh đã là Chính trị viên Đại đội Đặc công trinh sát trong cánh quân phía Tây Nam từ đồng bằng sông Cửu Long tiến về giải phóng Sài Gòn.

* Tình đồng chí đồng đội gắn bó và gương mặt, tâm hồn của người chiến sĩ quân giải phóng

Nhà thơ Tố Hữu viết: “Thủy chung, vẫn đậm tình người/ Cắn đôi hạt muối, chung đời cháo rau/ Uống cùng viên thuốc chia đau/ Quên mình chia lửa, cứu nhau chia hầm”.

Tác giả Lê Liên tâm sự: Ông viết tập tự truyện để ghi lại một phần đời quý giá của ông và đồng đội cùng thế hệ, đây là tư tưởng, tình cảm, lịch sử của một thời. Là người viết không chuyên, lần đầu tiên cầm bút viết văn xuôi, lại viết về một đề tài quen thuộc là chiến tranh và người lính, về những sự việc đã qua gần nửa thế kỷ nên cũng gặp khó khăn.Viết hồi ký, tự truyện là phải đối diện với chính mình, trung thực với chính mình, với đồng đội và sự thật lịch sử. Câu chuyện viết ra phải có ích cho hôm nay. Những năm tháng vẻ vang đã qua là niềm tự hào, là điểm tựa cho cuộc sống hôm nay. Mong được mọi người, nhất là lớp trẻ hiểu thêm về những năm tháng hào hùng, đáng tự hào của lớp cha anh đi trước; góp phần lay động, đánh thức cả những ngộ nhận, lập lờ đâu đó về ý nghĩa, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; lay động những ai có tham vọng, động cơ không đúng trong cuộc sống hôm nay.

Lê Liên dành nhiều trang viết về những người đồng đội. Tình cảm đồng chí, đồng đội của đội quân cách mạng trong chiến tranh gian khổ, chung nhau sự sống và cái chết thật vô tư, trong sáng, sâu sắc và cảm động. Có người trong chiến đấu đã tự nguyện giành sự nguy hiểm, hy sinh về mình cho đồng đội cơ hội sống. Sự “chia lửa” trong chiến đấu, sự tận tình cứu chữa, chăm sóc đồng đội như ruột thịt, chia sẻ nhau từng hớp cháo loãng, miếng lương khô cuối cùng...

Không chỉ chú ý vào những sự kiện chiến đấu, Lê Liên còn dành nhiều trang, đoạn miêu tả đời sống tình cảm, tâm hồn người chiến sĩ: những rung động đầu đời, những suy nghĩ, chia sẻ về tình yêu, tình bạn. Người vợ yêu thương, chung thủy, hy sinh, chịu đựng cũng được tác giả dành những trang, dòng cảm động, trân trọng.

Địa bàn tác giả tham gia chiến đấu là chiến trường miền Đông, miền Tây Nam bộ. Thông qua các trận chiến đấu, thiên nhiên, cảnh vật của Nam bộ được khắc họa. Những người lính mang nặng ân nghĩa với rừng miền Đông Nam bộ chở che và nuôi sống trong những năm tháng ngặt nghèo nhất bằng sản vật của mình, đặc biệt là củ chụp (củ mài) thứ cây củ như sinh ra để “làm công tác hậu cần cho cách mạng”.

* Nghệ thuật tác phẩm

Tác phẩm thuộc thể ký. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Tác giả dựng được chân dung khá hoàn chỉnh của một người lính quân giải phóng ra đi từ làng quê trải qua thử thách của chiến tranh, từng bước trưởng thành. Không khí của thời đại đã được phục dựng trong những dòng viết chân thực. Sự chân thực, giản dị đã làm nên thành công của tác phẩm, tạo nên giá trị tác phẩm. Tác giả kể chuyện có chọn lọc vừa khái quát vừa cụ thể với những quan sát tinh tế. Những chân dung người lính qua vài nét phác họa cũng đủ để người ta nhớ. Đó là anh “Mọi” chiến sĩ Vũ Trọng Trình, Trung đội trưởng Tư Cang, Tiểu đội phó Hải, chiến sĩ Sơn-cu Dừa chàng trai sông Mã... Nhiều chi tiết chân thực đến rưng rưng: đi tập kích vào căn cứ Mỹ đầy rẫy đạn bom, chết chóc, có đi không về mà những người chiến sĩ rủ nhau đi như rủ nhau ra đồng đơm đó, đặt trúm bắt tôm bắt cá ngày nào...

Có thể nói, tác phẩm đã góp thêm được một tiếng nói về cuộc kháng chiến vĩ đại với bao hy sinh to lớn, với những con người bình dị mà vẻ vang.

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều