Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng con "đánh bại" tự kỷ

08:01, 15/01/2021

Nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ bộc bạch, nuôi một trẻ tự kỷ cực gấp 10 lần so với trẻ phát triển bình thường. Dù có lúc khủng hoảng tâm lý nhưng nhiều người vẫn đồng hành cùng con vượt qua chứng bệnh này.

Nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ bộc bạch, nuôi một trẻ tự kỷ cực gấp 10 lần so với trẻ phát triển bình thường. Dù có lúc khủng hoảng tâm lý nhưng nhiều người vẫn đồng hành cùng con vượt qua chứng bệnh này.

Giờ học vẽ tranh của trẻ tự kỷ. Ảnh: Bích Nhàn
Giờ học vẽ tranh của trẻ tự kỷ. Ảnh: Bích Nhàn

* Vất vả nuôi con tự kỷ

Mãi đến 9 tháng tuổi, bé Nguyễn T.Tr.M. (5 tuổi, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) mới biết lật, 20 tháng mới biết đi. Ngoài ra, bé không chơi, không biết “hóng” chuyện như những trẻ khác.

Khi mới phát hiện con bị tự kỷ thì mẹ của bé là chị V.Th.T. bị khủng hoảng tâm lý vì không tin con mình bị tự kỷ. “Dần dà, tôi mới ổn định tâm lý và chú ý, quan tâm nhiều hơn đến việc chữa trị cho con. Nếu cứ chối bỏ sự thật về bệnh tình của con thì chỉ làm con khổ hơn thôi” - chị T. chia sẻ.

Nhận biết trẻ bị tự kỷ

Có thể nhận biết trẻ tự kỷ qua các hành vi về giao tiếp: trẻ chậm nói, nói lắp, đảo từ…; về tương tác xã hội: trẻ không chơi với bạn cùng lứa tuổi, không biết cho, nhận hay bày tỏ cảm xúc với người thân; về hành vi trẻ có xu hướng rập khuôn, không chấp nhận sự thay đổi, đi nhón chân…

Chị bắt đầu ôm con đi khắp nơi từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, 2 TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để điều trị. Ngoài ra, chị còn tìm tòi đọc tài liệu để chăm sóc, giúp con hòa nhập với cuộc sống. “Sở thích của bé là nghe nhạc và xem quảng cáo nên mỗi khi muốn dạy bé điều gì, tôi lấy hai thứ này ra để... “dụ” con” - chị T. nói. Sau một thời gian dài kiên trì điều trị, bé M. đã bắt đầu có đáp ứng với những điều người lớn nói.

Trong khi đó, vợ chồng anh T.M.C. (quê Cà Mau) cũng lận đận không kém trong việc chữa trị bệnh tự kỷ cho con. Anh C. cho biết, vợ chồng anh phải bỏ nghề giáo, đưa con đi khắp nơi từ Cần Thơ, TP.HCM đến ngoài Bắc để chữa bệnh cho con. Cậu con trai 11 tuổi của anh bị bệnh tự kỷ từ năm lên 3. Bé ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, không biết cầm nắm đồ vật, không trải qua các bước lật, bò, trườn như những trẻ khác. Gia đình anh đã đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để nghe tư vấn, điều trị bệnh. Khi con được 6 tuổi, anh C. gửi con vào một trường điều trị về tự kỷ ở Cần Thơ hơn cả năm trời. “Gia đình tôi đã phải để một người nghỉ việc chăm bé ở Cần Thơ. Cuối tuần nào, tôi cũng chạy xe máy hơn 200km từ Cà Mau lên Cần Thơ thăm con. Nhưng bé không có nhiều tiến triển nên cả gia đình phải chuyển lên Đồng Nai” - anh C. cho hay.

Một trường hợp khác là gia đình anh L.H.S. (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cũng có con gần 6 tuổi đang trị bệnh tự kỷ. Sau một thời gian học tại Trung tâm Hoàng Đức, bé đã bắt đầu nói và tương tác với mọi người trong gia đình. Trước đây, bé chỉ tự chơi một mình và thường hét lên hay giãy giụa mỗi khi đòi hỏi điều gì.

Còn chị L.T.X.H., ngụ tại P.Tân Mai, TP.Biên Hòa có con bị bệnh tự kỷ khi được 18 tháng tuổi. Bé chỉ biết chơi một mình và không phản ứng mỗi khi có người gọi. “Sợ để lâu, con sẽ bị bệnh nặng hơn nên tôi đã đưa con đi chữa trị sớm. May mắn là hiện nay bé đã phát triển rất tốt. Bé còn có năng khiếu đặc biệt là hát rất hay (cả tiếng Anh), nhảy giỏi” - chị H. nói.

* Đừng đánh mất cơ hội chữa bệnh cho con

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhiều bậc phụ huynh không chấp nhận việc con mình bị bệnh. Thực tế, khi nhận tin con mình bị tự kỷ, nhiều bậc phụ huynh đã tỏ rõ sự lo lắng, tức giận hay đổ lỗi cho chính mình hoặc người khác. Họ không chấp nhận sự thực con mình bị bệnh hoặc kỳ thị chứng tự kỷ của con để mất cơ hội can thiệp sớm. “Điều quan trọng nhất trong chữa bệnh tự kỷ là phát hiện sớm bệnh, chấp nhận và kiên trì cùng con điều trị” - TS Lê Minh Công nói.

Trong quá trình tham gia hỗ trợ chữa trị cho trẻ tự kỷ, TS Lê Minh Công đã gặp nhiều trường hợp đáng tiếc. Cụ thể, cách đây 2 năm, anh đã phát hiện một bé bị bệnh tự kỷ. Gia đình đã đưa con ra tận Hà Nội để châm cứu. Nhưng 2 năm sau bệnh của bé vẫn không thuyên giảm. Họ chỉ nghĩ con mình chậm nói và cho bé đi học bình thường. Nhưng càng ngày bệnh của bé càng nặng. “Họ đã đánh mất cơ hội can thiệp tâm lý cho con mình. Khi phát hiện con bị bệnh, gia đình cần chấp nhận và kiên trì chữa trị theo hướng chuyên nghiệp để tránh mất cơ hội vàng chữa bệnh cho con và tốn tiền bạc mà vẫn không hiệu quả” - TS Lê Minh Công nhấn mạnh.

Nhiều trẻ tự kỷ phát triển tốt hơn sau thời gian được điều trị
Nhiều trẻ tự kỷ phát triển tốt hơn sau thời gian được điều trị

Khi trẻ 18 tháng tuổi là các dấu hiệu của bệnh tự kỷ đã bộc lộ. Giai đoạn này, trẻ không nói, không phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp, không chơi với người khác. Khi trẻ đã bị rối loạn tự kỷ, các bậc phụ huynh phải kiên trì chữa trị theo phương án của các nhà chuyên môn. “Tuy nhiên, cha mẹ mới chính là chuyên gia của con mình. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải kiên định đối với các chương trình can thiệp tâm lý giúp trẻ chữa bệnh thành công” - TS Lê Minh Công khuyến cáo.

ThS-BS Nguyễn Thị Kim Hòa, Trưởng khoa H1 (tâm thần nhi), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay: Hầu hết các bậc phụ huynh đưa con đến bệnh viện để điều trị tự kỷ đều có chung tâm trạng là bị “sốc”, hoang mang và không chấp nhận được sự thật. BS Kim Hòa cho rằng, trẻ mắc bệnh tự kỷ cũng giống như các trẻ bị bệnh khác, thường kèm theo các bệnh lý kết hợp như: tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi… thậm chí còn có trầm cảm, lo âu. Chính vì vậy, cần dùng thuốc để điều trị các bệnh đi kèm trước khi can thiệp vào bệnh tự kỷ.

Hiện nay, tại cộng đồng có khá nhiều trung tâm điều trị chứng tự kỷ. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm chỉ chú trọng vào can thiệp tâm lý nhằm cải thiện hành vi, kỹ năng cho trẻ chứ chưa chú ý đến các bệnh mà trẻ tự kỷ thường mắc phải kèm theo. “Nếu trẻ chỉ bị tự kỷ thôi, có thể dùng phương pháp giáo dục đặc biệt để can thiệp. Thế nhưng thường thì trẻ tự kỷ đều có kèm theo bệnh lý nên cần phải giải quyết bệnh lý trước. Có như vậy mới đạt được hiệu quả trong điều trị tự kỷ cho trẻ. Đã có nhiều trường hợp trẻ tự kỷ sau vài năm điều trị không dùng thuốc tại cộng đồng đã thất bại” - BS Hòa nhấn mạnh.

Vì vậy, theo BS Hòa, phải áp dụng kết hợp cả hai yếu tố y tế và tâm lý trong điều trị tự kỷ. “Để đánh giá chính xác mức độ bệnh cần phải có sự kết hợp giữa bác sĩ chuyên khoa về tâm thần với chuyên gia tâm lý” - BS Hòa nói.

Một thực tế khác là, hiện nay tâm lý của phụ huynh có con bị tự kỷ rất e ngại khi đưa con vào bệnh viện tâm thần điều trị. Họ sợ gặp người quen và sự kỳ thị của xã hội… Trong khi đó, việc điều trị tại cộng đồng chưa mang lại hiệu quả thực sự cho trẻ.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều