Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm bảo vệ chất lượng môi trường sống tốt hơn

09:12, 11/12/2020

Dù chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng như nhiều đô thị lớn của cả nước trong thời gian qua, tuy nhiên do Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp nên vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí luôn được chú trọng.

Dù chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng như nhiều đô thị lớn của cả nước trong thời gian qua, tuy nhiên do Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp nên vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí luôn được chú trọng.

Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Ái Quốc tại khu vực đèn tín hiệu giao thông đoạn trước cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đường Nguyễn Ái Quốc tại khu vực đèn tín hiệu giao thông đoạn trước cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

[links()]Thời điểm cuối năm, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, việc lưu thông của phương tiện giao thông tăng lên, nguy cơ ô nhiễm không khí cục bộ, nhất là ô nhiễm do bụi xảy ra tại một số khu vực nhận được sự quan tâm của người dân.

* Nhiều nguyên nhân tác động

Đồng Nai cũng là tỉnh nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động nên hoạt động vận tải hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách phát triển mạnh. Theo Sở GT-VT, đến nay, trên địa bàn có khoảng 60 ngàn phương tiện là xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải (xe vận chuyển khách, xe vận chuyển hàng hóa). Lượng phương tiện lớn với tần suất hoạt động cao nên lượng khí thải ra môi trường cũng tăng lên.

Trong khi các phương tiện như ô tô được giám sát chất lượng khí thải thì xe máy lưu hành chưa được kiểm soát khí thải một cách nghiêm ngặt. Đa số xe máy không được bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng nên mức phát thải và tiêu hao lớn, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm không khí khá cao.

Theo thống kê của Công an tỉnh, đến cuối năm năm 2019, lượng đăng ký ô tô mới hơn 8,2 ngàn xe; mô tô, xe máy gần 64,5 ngàn xe. Tổng số phương tiện cơ giới quản lý trên địa bàn hiện tại gần 2,4 triệu xe (chiếm khoảng 94%), tăng gần 151 ngàn phương tiện (tương đương gần 7%/năm so với năm 2018). Tuy nhiên, đây chỉ là số phương tiện đăng ký chính thức tại Đồng Nai, lượng phương tiện còn dao động nhiều hơn bởi vẫn còn lượng lớn xe ngoại tỉnh.

Ngoài ra, chất lượng môi trường sống còn bị ảnh hưởng bởi lượng rác thải sinh hoạt còn bị vứt bừa bãi ngoài môi trường. Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi Quách Ngọc Bửu cho biết thêm, là đô thị lớn với hơn 1,3 triệu dân cũng như tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, hàng quán kinh doanh nên TP.Biên Hòa mỗi ngày thải ra khoảng 700 tấn rác thải. Lượng rác thải sinh hoạt lớn khiến công tác thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng vứt, xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy phân tích, bên cạnh nhiệt độ, khí thải phát ra từ các loại động cơ sử dụng nhiên liệu trong tham gia giao thông thì tiếng ồn, các loại bụi lơ lửng liên quan đến hoạt động sản xuất, rác thải sinh hoạt cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.

Ngoài ra, thời điểm cuối năm, lượng mây mù nhiều khiến khói bụi tích tụ, đẩy chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao. Nguyên nhân của vấn đề này là do không khí lạnh từ miền Bắc khó ảnh hưởng xuống phía Nam nên thời tiết tại khu vực Đồng Nai tương đối ổn định. Ngày nắng, độ ẩm thấp, trời hầu như không mưa nên mức độ ô nhiễm không thể nào giảm được.

Người dân nên sử dụng xe buýt để giảm kẹt xe, khí thải từ phương tiện giao thông
Người dân nên sử dụng xe buýt để giảm kẹt xe, khí thải từ phương tiện giao thông

“Điều kiện khí hậu thời tiết không phải nguyên nhân gây ô nhiễm, nhưng là yếu tố tác động làm tăng hay giảm ô nhiễm. Nếu thời tiết có gió mạnh thì ô nhiễm có thể phân tán lên các tầng trên hoặc bị nước mưa cuốn đi nên không khí sẽ trong lành hơn. Còn trời không có gió hoặc gió yếu, bụi sẽ bị nén ở tầng dưới tạo nên lớp mù gây ô nhiễm không khí” - ông Huy nói.

* Tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra ở vài nơi

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, kết quả quan trắc môi trường không khí trong 3 năm liên tục và tính đến tháng 7-2020, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) trên địa bàn tương đối ổn định, các thông số ở hầu hết vị trí quan trắc đều đạt quy chuẩn Việt Nam. Tại một số khu vực có nhiều khu công nghiệp, nơi khai thác khoáng sản, mật độ dân cư cao ở TP.Biên Hòa và các huyện như: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch... chỉ số chất lượng không khí quan trắc đo được từ 95-101 thuộc mức có khuyến cáo nhóm nhạy cảm nên người dân cần hạn chế ra ngoài.

Với một số khu vực xuất hiện ô nhiễm không khí cục bộ tại những nút giao thông có mật độ tập trung phương tiện cao vào giờ cao điểm và các khu vực khai thác khoáng sản, kết quả quan trắc cho thấy chủ yếu là bụi. Cụ thể, tại các cụm công nghiệp: Dốc 47, Phước Tân (TP.Biên Hòa); Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) và Tân An (H.Vĩnh Cửu) phát hiện nồng độ bụi vượt so với quy chuẩn. Từ kết quả này, có thể nhận định, Đồng Nai chưa phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm không khí trên diện rộng, AQI đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra cục bộ. Trong năm 2019, Sở TN-MT đã thực hiện quan trắc thêm 73 vị trí xung quanh của 26 khu công nghiệp và 19 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả quan trắc tại 54 vị trí trong 26 khu công nghiệp có nồng độ bụi đều đạt quy chuẩn. Trước đó, chỉ số AQI tại khu vực xung quanh các khu công nghiệp, thông số bụi có vượt nhẹ. Vào tháng 5-2020 ghi nhận ở vị trí xung quanh một số cụm công nghiệp đều phát hiện thông số bụi vượt từ 1,06-1,57 lần so với quy chuẩn. Đây là những khu vực tập trung nhiều công ty sản xuất vật liệu xây dựng, xe tải chở đất đá hoạt động với tần suất khá cao.

* Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người

Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm không khí có tác động xấu đến sức khỏe của con người. Vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

Thống kê tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho thấy, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và các chứng liên quan đến bệnh phổi tăng khoảng 30%, đồng thời tăng cả số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị các bệnh lý nặng liên quan đến hô hấp. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số ca bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến hô hấp chiếm khoảng 40%  tổng số ca bệnh nhi điều trị nội trú.

TS-BS Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nếu người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn mà hít phải nhiều khí thải độc hại từ hoạt động giao thông dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc không được cấp cứu kịp thời. Những người tiếp xúc thời gian dài trong môi trường ô nhiễm do khói bụi còn tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt, về lâu dài có thể gây mù lòa…

Ngoài ra, cũng theo TS-BS Trần Minh Hòa, khi phải đứng lâu tại các điểm ùn tắc giao thông, tiếng ồn do xe cộ, cộng với khói bụi, người dân dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Con người bị nhức đầu, khó chịu, bị hội chứng suy nhược thần kinh; làm tăng tác động lên thần kinh gây tăng tiết một số chất không có lợi cho cơ thể khiến người ta dễ bức bối, nóng giận và khó tự chủ.

Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Thanh Hải - Phương Liễu

 

Tin xem nhiều