Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Hạnh phúc vì đã hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ

07:08, 21/08/2020

Gần 44 năm trong quân ngũ, mang trên vai quân hàm thiếu tướng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan lục quân 2) Nguyễn Viết Khai là vị tướng được rất nhiều đồng đội và nhân dân tin yêu, trân trọng.

Bìa cuốn sách Con đường tôi đi của thiếu tướng Nguyễn Viết Khai
Bìa cuốn sách Con đường tôi đi của thiếu tướng Nguyễn Viết Khai

Gần 44 năm trong quân ngũ, mang trên vai quân hàm thiếu tướng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan lục quân 2) Nguyễn Viết Khai là vị tướng được rất nhiều đồng đội và nhân dân tin yêu, trân trọng.

Bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng thiếu tướng Nguyễn Viết Khai vẫn còn nhớ rất rõ từng chặng đường ông đã đi qua, từng mặt trận mưa bom, bão đạn. Ông “tổng kết” cuộc đời mình: “Chặng đường có thử thách, gian nan, có hiểm nguy nhưng luôn giữ nguyên chất lính và đã hoàn thành được nhiệm vụ của người chiến sĩ đối với Tổ quốc”.

Nghĩa tình đồng đội

* Gần 44 năm trong cuộc đời quân ngũ, kỷ niệm nào cho đến thời điểm này, thiếu tướng vẫn nhớ nhất?

- Từ làng quê nghèo H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy bước vào quân ngũ với áo nâu, chân đất, đầu trần. Gần 44 năm cuộc đời quân ngũ, 3 lần cùng đồng đội vượt Trường Sơn nắng lửa vào chiến trường, tôi có 8 năm trực tiếp chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào. Kỷ niệm tôi mãi không bao giờ quên đó là trận đánh đầu tiên khốc liệt giữa ta và địch tại bản Thẳm (phía Bắc Ma-hay-xay, Trung Lào) từ ngày 5 đến 17-11-1965.

Lúc đó, tôi là xạ thủ đại liên, tiểu đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ: Bí mật thọc sâu vào lòng địch, tập kích tiêu diệt một đồn địch chốt giữ Đường 13, con đường huyết mạch từ Thượng Lào về Hạ Lào, buộc địch từ các nơi khác phải tập trung về đối phó và tiếp tục đánh diệt lực lượng địch đến cứu viện...

Trong khoảng thời gian này, với mỗi người lính trẻ chúng tôi lúc đó đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc buồn, vui, lo sợ nhưng tất cả đều quyết tâm chiến đấu để giúp nước bạn Lào. Xét về mục đích đặt ra của trận chiến là: “Nhằm thu hút lôi kéo địch ở các địa bàn khác, theo ý định của ta, khi một số chủ lực phân tán lực lượng làm phá vỡ kế hoạch lấn chiếm đường 9 của địch, bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển” thì đạt kết quả tốt. Nhưng về phương châm “đánh chắc thắng trận đầu” lại chưa đạt mục tiêu. Hàng chục đồng đội của tôi đã phải nằm lại chiến trường bản Thẳm...

* Vậy hiện nay các đồng đội đã hy sinh được tìm kiếm, quy tập như thế nào, thưa thiếu tướng?

- Trận giao tranh khốc liệt khiến hàng chục đồng đội tôi phải nằm lại nơi chiến trường. Đây cũng là điều tôi day dứt, ám ảnh mãi, nhất là số hài cốt liệt sĩ của tiểu đoàn đang nằm tại khu vực bản Thẳm...

Sau này, tôi đã nhiều lần trực tiếp gặp các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đại tá Nguyễn Đường Dần, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 4 đề nghị giải quyết việc này. Đến nay, Đoàn quy tập liệt sĩ 589 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã tìm được 38 bộ hài cốt liệt sĩ và 2 thùng sắt chứa tro cốt các liệt sĩ của đơn vị chúng tôi được nhân dân bản Thẳm thu gom khu vực xảy ra trận chiến, đem đốt, rồi cất giấu cẩn thận vào hang đá...

Các tướng lĩnh quân đội đến thăm, tặng quà tri ân thiếu tướng Nguyễn Viết Khai tại nhà riêng năm 2019
Các tướng lĩnh quân đội đến thăm, tặng quà tri ân thiếu tướng Nguyễn Viết Khai tại nhà riêng năm 2019

* Được biết, sau ngày hòa bình lập lại, thiếu tướng còn được giao nhiệm vụ làm “thầy giáo đặc biệt” của những “học trò đặc biệt”. Công việc này cụ thể như thế nào, thưa thiếu tướng?

- Công việc “thầy giáo đặc biệt” cũng là một dấu ấn khó quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Đầu tháng 5-1975, tôi và một số anh em trong đoàn cán bộ Học viện Chính trị được phân công về Trung đoàn 3, Sư đoàn 500, tại căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh). Tù, hàng binh là sĩ quan quân đội Sài Gòn tập trung về căn cứ Trảng Lớn để cải tạo gần 13 ngàn người, quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá với đủ các sắc lính: bộ binh, pháo binh, cảnh sát, tình báo, biệt phái, sĩ quan tâm lý chiến... được chia thành 3 trung đoàn.

Chương trình giáo dục tù, hàng binh chia thành 10 bài. Nội dung chủ yếu nhằm vạch rõ âm mưu chính sách thực dân mới của Mỹ; đặc biệt làm rõ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng ta, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là khoan dung, độ lượng, đại xá cho những người có tội với cách mạng, với nhân dân nhưng với điều kiện họ phải thực tâm ăn năn, hối cải để xây dựng cuộc sống mới...

Tôi nhận thức đây là một lớp học rất đặc biệt. Đối tượng học không phải là học sinh. Quan hệ giữa người dạy và người học không phải là thầy - trò mà là quan hệ giữa những người chiến thắng và kẻ bại trận... Song tôi có niềm tin, họ cũng là người Việt Nam, có nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng và hầu hết có thân nhân là người lao động. Do điều kiện, hoàn cảnh xã hội, dưới sự kiểm soát, khống chế, bắt buộc của chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ mà họ hoặc tự nguyện, hoặc bắt buộc phải bước vào con đường tội lỗi. Đặc biệt là tình thế người thắng, kẻ thua đã rõ ràng, chắc mỗi người họ phải lựa chọn con đường sống cho chặng đường còn lại của bản thân và gia đình.

Có thể nói, chuyến công tác cải tạo tù, hàng binh sĩ quan quân đội Sài Gòn thật có ý nghĩa, giúp tôi hiểu thêm nhiều điều mới mẻ. Cuối năm 1978, khi tôi đã về công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2, có lần đi công tác đang đứng chờ xe đón tại công viên Quách Thị Trang (TP.HCM) có người đàn ông chạy lại trước mặt tôi: “Chào thầy!”. Tôi ngỡ ngàng hỏi thì anh ta đáp là “Cuối năm 1975, thầy dạy em ở căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh ạ”. Tôi chợt hiểu, bắt tay hỏi thăm, động viên anh ta cố gắng làm tốt bổn phận của người công dân trong xã hội mới...

Không quên quá khứ

* Năm 2018, NXB Quân đội nhân dân ấn hành cuốn hồi ký Con đường tôi đi của thiếu tướng. Cuốn hồi ký được nhiều đồng chí, đồng đội đánh giá chân thực, xúc động và gắn cuộc đời mình với đơn vị, đồng chí, đồng đội và nhân dân hai nước Việt - Lào. Thiếu tướng có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách này?

- Ngay trong lời tựa cuốn hồi ký tôi đã viết: “...Tôi viết không phải để kể công mà chỉ muốn làm sống lại những sự kiện và những con người có thật mà tôi được biết, được sống, chiến đấu và công tác. Tôi coi đó là sự tri ân với Đảng, Nhà nước, Quân đội và những người đã cưu mang mình trên đường đời. Đây cũng là nén tâm nhang thể hiện lòng thành kính với những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của hai dân tộc Việt - Lào anh em”...

Qua đó, tôi cũng mong muốn rằng có thể lưu lại một chút gì đó cho con, cháu và những thế hệ tiếp nối hiểu thêm “có một thời như thế”. Từ đó, hãy sống sao cho xứng đáng với lớp người đi trước đã chịu đựng bao gian lao, vất vả, hy sinh để có được cuộc sống thanh bình, hạnh phúc như hôm nay. Và cần hiểu rằng, để có hòa bình hôm nay, những người đi trước đã đã phải đánh đổi những gì trong quá khứ? Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay luôn vững vàng nối tiếp, giữ vững thành quả cách mạng mà cả dân tộc ta đã đổ mồ hôi, trí lực, máu xương mới giành lại được và phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông.

* Nhìn lại con đường mình đã đi, thiếu tướng muốn gửi gắm điều gì?

- Có lẽ mỗi người một số phận nên đường đời không giống nhau. Gần 44 năm quân ngũ, đặc biệt là 3 lần cùng đồng đội vượt Trường Sơn, 8 năm chiến đấu trên đất bạn Lào là giai đoạn khổ nhất, nhưng cũng oanh liệt nhất và đẹp nhất của đời tôi. Từ chiến trường về nhà trường làm nhiệm vụ “trồng người”, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên” để xây dựng quân đội ta “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với tôi cũng là những năm tháng không thể nào quên.

Con đường tôi đi không hanh thông, êm ả. Đó là con đường đầy thử thách, cam go, ác liệt, hy sinh. Trên con đường ấy, tôi chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, vĩnh viễn không trở về vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên con đường đó, tôi đã nhiều lần cận kề cái chết nhưng may mắn chỉ phải mang trên mình dấu tích của chiến tranh... Ngày tôi nhận quyết định của Thủ tướng cho tôi nghỉ hưu, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đã hoàn thành được nhiệm vụ của người chiến sĩ đối với Tổ quốc.

* Xin cảm ơn thiếu tướng!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều