Báo Đồng Nai điện tử
En

Đàn đá Bình Đa - nhạc cụ cổ xưa của Việt Nam

07:08, 21/08/2020

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học trên vùng đất Đồng Nai cho thấy, đây là địa bàn đã từng xuất hiện nhiều lớp cư dân cổ. Những di chỉ, di tích được khai quật và nhiều hiện vật được thu thập phản ánh cư dân cổ để lại những dấu ấn qua nhiều giai đoạn phát triển - đặc biệt thời kỳ trước Công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu định danh một nền văn hóa Đồng Nai ở khu vực Nam bộ trước khi nơi đây hình thành các nhà nước cổ đại.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học trên vùng đất Đồng Nai cho thấy, đây là địa bàn đã từng xuất hiện nhiều lớp cư dân cổ. Những di chỉ, di tích được khai quật và nhiều hiện vật được thu thập phản ánh cư dân cổ để lại những dấu ấn qua nhiều giai đoạn phát triển - đặc biệt thời kỳ trước Công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu định danh một nền văn hóa Đồng Nai ở khu vực Nam bộ trước khi nơi đây hình thành các nhà nước cổ đại.

Đàn đá Bình Đa niên đại khoảng 3.000 - 2.700 năm cách ngày nay. Ảnh: Vĩnh Huy
Đàn đá Bình Đa niên đại khoảng 3.000 - 2.700 năm cách ngày nay. Ảnh: Vĩnh Huy

* Sự độc đáo của nhạc cụ cổ

Di vật bằng đá của người cổ tìm thấy ở Đồng Nai khá đồ sộ từ thế kỷ XIX đến sau này từ các cuộc khai quật. Sự đa dạng của hiện vật bằng đá được biết đến với nhiều loại hình: công cụ lao động (mảnh tước, hòn ghè, rìu, cuốc...), vật dụng (bàn mài, chày nghiền...), vũ khí (dao, giáo), đồ trang sức (vòng đeo tay, thẻ đeo, khuyên tai...).

Đặc biệt ở Đồng Nai có bộ sưu tập bằng đá khá độc đáo phát hiện vào tháng 12-1979 tại di chỉ Bình Đa
(TP.Biên Hòa). Đợt khai quật khảo cổ đã thu thập 42 thanh đoạn đàn đá trong tầng văn hóa nguyên thủy, là di chỉ cư trú của người cổ ven sông có niên đại cách ngày nay trên 3.180 năm.

Bạn muốn chiêm ngưỡng đàn đá Bình Đa không? Hãy tham quan Bảo tàng Đồng Nai, một số thanh đoạn được chọn trưng bày trong phòng văn hóa thời tiền sử bên cạnh mô hình di chỉ khảo cổ Bình Đa. Những báu vật ấy vẫn hiện hữu trong không gian của người hiện đại - một chứng tích về sự cảm thụ tinh tế trong nghệ thuật, trong đời sống tinh thần của người cổ. Trong đời sống hiện đại, những bộ đàn đá đã được phục chế, sử dụng trong các chương trình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt ở vùng Tây nguyên - trong dòng chảy chung của văn hóa cộng đồng các tộc người Việt Nam.

Đàn đá Bình Đa tại sao đặc biệt và thu hút giới nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cho dù trước đó và sau này đã phát hiện nhiều nơi? Tư liệu cho thấy đàn đá được tìm thấy ở Việt Nam: Ndut Liêng Krak (Đắk Lắk, năm 1949) được lưu giữ ở một bảo tàng tại Pháp, 6 thanh đàn đá được một người Mỹ đưa về từ Việt Nam trong sưu tập cá nhân năm 1956; vùng Bảo Lộc xưa tìm thấy đàn đá trong làng của người Mạ năm 1958; khu vực miền Trung có đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa, năm 1979-1980), ở Tuy An (Phú Yên, năm 1992); tại suối Đắk Kar (Đắk Nông, năm 1993); miền Đông Nam bộ có đàn đá Lộc Ninh (Bình Phước, năm 1989), tỉnh Bình Thuận (năm 2006)... Ngoài Bình Đa, ở Đồng Nai có một số thanh đoạn đàn đá còn phát hiện tại Gò Me (TP.Biên Hòa), Rạch Lá (H.Nhơn Trạch). Trên thế giới cũng ghi nhận những bộ đàn đá của cư dân cổ vùng châu Phi, châu Mỹ La tinh.

Sưu tập đàn đá ở Bình Đa - Đồng Nai khá độc đáo bởi số lượng nhiều nhất trong tầng văn hóa của di chỉ khảo cổ so với các đàn đá khác, trong đó có 5 thanh còn nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, số lượng các thanh, đoạn đá này thuộc biên chế hai giàn đàn đá có mức độ định hình cao. Những dấu vết ghè đẽo, đục, tách trên đàn đá cho thấy một quy trình kỹ thuật chế tác chặt chẽ với sự cảm nhận về định âm. Nguyên liệu để làm đàn đá được lựa chọn kỹ càng từ loại đá phiến có đốm qua phân tích địa chất - thạch học. Các thanh đá ở dạng kết thành lớp không chỉ thuận lợi cho việc chế tác, định hình mà còn tạo âm “vừa trong, vừa vang” khi chịu tác động lực lên bề mặt.

* Đến niên đại của “gia đình đàn đá Việt Nam”

Từ phát hiện đàn đá Bình Đa trong địa tầng văn hóa của một di chỉ cư trú được bảo tồn, các nhà nghiên cứu có điều kiện xác định tuổi chung của sự xuất hiện đàn đá ở Việt Nam. Nhiều đàn đá phát hiện, tìm thấy trước đó chưa hội đủ những yếu tố chứng lý để xác định, đối sánh đầy đủ, vẫn còn “phân vân, e dè” trong xác định tuổi của chúng. Nhạc cụ đàn đá Việt Nam ít ra cũng có chiều dài lịch sử 3.000 năm khi niên đại của đàn đá Bình Đa được xác định trong khung 3.000-2.700 năm cách ngày nay.

Hiện trường khai quật di chỉ Bình Đa (nay thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) năm 1979. Ảnh tư liệu
Hiện trường khai quật di chỉ Bình Đa (nay thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) năm 1979. Ảnh tư liệu

Cách đây hơn 3.000 năm, để làm cho những thanh đá vang lên đúng tiếng nhạc, chắc chắn những người chủ tâm chế tác có bàn tay khéo léo, sự cảm thụ tinh tế về âm thanh, đã trải qua những tìm tòi, thử nghiệm, dày công đục đẽo, chỉnh hình, chỉnh âm. Chúng ta có thể hình dung về một cộng đồng dân cư ven sông của Đồng Nai, sau những mùa vụ trồng trọt, cùng hòa niềm vui với nhau những dịp lễ hội với điệu nhảy, âm thanh từ dàn nhạc đàn đá lên trong ánh lửa bập bùng. Chính đó là môi trường xã hội được nâng cao của người cổ, phản ánh sự cảm thụ văn hóa, nghệ thuật tinh tế trong của mình.

Nhà nghiên cứu khảo cổ Lê Xuân Diệm cho rằng: “Đàn đá Bình Đa không phải chỉ là chứng tích của sự tồn tại một hình thức sinh hoạt văn hóa, mà chính bản thân nó là sản phẩm làm tại chỗ, trên đất Đồng Nai cổ kính. Nó hoàn toàn gắn quyện trọn vẹn với cuộc sống con người, với đất Đồng Nai từ cả hàng ngàn năm trước. Cộng thêm vào đó, với tuổi đời được biết chính xác là khá cổ hoặc vào loại cổ nhất, nên có thể coi đàn đá Bình Đa như thành tựu của một phát minh kỹ thuật - nghệ thuật độc đáo của lớp người xưa ấy. Họ và chính họ là những người mở đầu (hoặc cùng góp phần mở đầu) cho những sáng tạo và phát triển loại nhạc cụ này. Họ đã khởi dựng lên dòng nhạc đàn đá, trong đó có thiên nhiên Đồng Nai, cuộc sống xã hội Đồng Nai xưa, có thể coi như là nới đất tổ, là bầu sữa mẹ đã sản sinh ra, đã nuôi dưỡng dòng nhạc ấy ngay từ buổi ban đầu chập chững” (Đàn đá Bình Đa, Nxb Đồng Nai, năm 1983).

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích