Báo Đồng Nai điện tử
En

Tây Ban Nha Hoa nở vườn nhà

06:04, 16/04/2020

Trung tuần tháng 4, Tây Ban Nha - vùng dịch lớn nhất châu Âu với số ca mắc Covid-19 nhiều thứ nhì thế giới chỉ sau Mỹ (gần 180 ngàn ca, với gần 20 ngàn người thiệt mạng) - đã qua được đỉnh dịch bệnh. Chính phủ nước này nới lệnh phong tỏa từ ngày 13-4 với nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị thiệt hại bởi đại dịch.

Trung tuần tháng 4, Tây Ban Nha - vùng dịch lớn nhất châu Âu với số ca mắc Covid-19 nhiều thứ nhì thế giới chỉ sau Mỹ (gần 180 ngàn ca, với gần 20 ngàn người thiệt mạng) - đã qua được đỉnh dịch bệnh. Chính phủ nước này nới lệnh phong tỏa từ ngày 13-4 với nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị thiệt hại bởi đại dịch.

Từ nơi định cư tại Barcelona - thủ phủ vùng Đông Bắc Tây Ban Nha, chị Hồ Bích Ngọc (từng là ca sĩ đăng quang giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 2003 tại Việt Nam), gửi riêng cho Đồng Nai Cuối tuần những trải nghiệm nhớ đời về cuộc sống của chị và gia đình trong những ngày đồng lòng cách ly tại gia phòng, chống Covid-19 vừa qua và sắp tới.

* Hoa xuân đã nở

Buổi sớm hay tin Tây Ban Nha qua đỉnh dịch bệnh, gần 70 ngàn bệnh nhân được chữa khỏi dịch bệnh Covid-19 và xuất viện, tôi mở cửa ngôi nhà với niềm hân hoan, nghe tiếng xe chạy nhiều hơn trên đường. Chính phủ đã nới lệnh phong tỏa, cho phép các lao động trong ngành xây dựng và sản xuất quay lại làm việc trong khuôn khổ quy định nghiêm ngặt về an toàn. Dù các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu khác vẫn đóng cửa, người dân được phép rời khỏi nhà để làm việc nếu họ không thể WFH (làm việc ở nhà), hoặc đi mua thực phẩm, thuốc men và dắt chó đi dạo. Nơi mảnh sân vườn trước nhà, tôi ngạc nhiên nhận ra những đóa hoa cúc xoe tròn bừng nở, khoe sắc tươi trong nắng sớm. Dù rằng 3 tháng trước, khi chồng tôi mang bụi về trồng với hy vọng mong manh, chúng tưởng chừng chắc chắn chết đi dưới tiết trời băng giá. Hoa đã hồi sinh thành công trên nền đất sỏi đá!

Sau hơn 4 năm rời Việt Nam, vợ chồng tôi sống nhiều nơi ở châu Âu, rồi một năm trở lại đây dừng chân tại Cabrils thuộc Barcelona. Ông xã tuổi trên 40, người gốc Thụy Sĩ, là kỹ sư môi trường. Suốt 1 tháng cánh ly phong tỏa vừa qua, người đàn ông ấy không phải bay đi công tác xa, nên có thời gian nhiều hơn cho ngôi nhà và khu vườn. Một mình anh xẻ đá, sắp xếp lại từng viên, đập hết cầu thang gỗ để làm lại lối đi mới. Bây giờ xuân đến, chúng tôi có thể mua thêm hoa, cây ăn trái để tiếp tục vun trồng. À, thêm tin vui nữa là bụi sả chúng tôi cất công mang từ Việt Nam sang đây đã héo queo nhưng giờ cũng có dấu hiệu xanh trở lại!

Có rất nhiều người già đã qua đời trong đợt dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha. Số người chết trong các viện dưỡng lão có khi lên đến 13 người trong 1 ngày ở cùng một trung tâm chăm sóc người già. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi trên báo về một ông lão đã hơn 80 tuổi. Ông nhìn thấy có quá nhiều người qua đời trong viện dưỡng lão của mình nên cố gắng… làm một cuộc tẩu thoát khỏi viện, hệt như nhân vật Allan Karlsson trong tác phẩm Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của nhà văn Jonas Jonasson. Dù chân ông rất đau không đi nhanh được nhưng may mắn thay, ông đã kịp về được nhà của con gái một cách an toàn trước khi có lệnh cách ly trên toàn quốc. Dịch bệnh có thể gây hại đến sức khỏe bất cứ ai. Tôi rất buồn khi biết có thành viên trong gia đình chồng tôi ở Thụy Sĩ, lẫn gia đình bạn thân của chúng tôi - anh Tobias Marti là phóng viên trang tin Sonntagsblick  cùng vợ và hai con - cũng bị nhiễm Covid-19 rất nặng. Mất 3 tuần trôi qua, mọi người hết sốt và bình ổn nhưng họ vẫn còn “mệt mỏi trong người kinh khủng”.

* Bối rối giữa dịch bệnh

Sống tại xứ sở đấu bò trong suốt mùa dịch bệnh lây lan khủng khiếp, tôi nhận thấy ban đầu Chính phủ Tây Ban Nha có phần bối rối trong việc đối diện với sự lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Nhưng sau đó là những biện pháp nghiêm ngặt, quyết liệt để đẩy lùi con virus quái gở hoành hành toàn cầu kia.

Bé Ari Leano Baumgartner vui cùng mẹ trong nắng xuân ở Barcelona (Tây Ban Nha) ngày 15-4. Ảnh: Urs Baumgartner
Bé Ari Leano Baumgartner vui cùng mẹ trong nắng xuân ở Barcelona (Tây Ban Nha) ngày 15-4. Ảnh: Urs Baumgartner

Nhà chức trách cấm tất cả mọi người ra ngoài hay đến công ty làm việc, ngoại trừ đi siêu thị hay đến bệnh viện, nhà thuốc. Ai vi phạm bị phạt tiền rất nặng, có khi bị giam mấy ngày. Đa số người dân chấp hành thực hiện đúng quy định, nhưng đôi khi cũng rất hoang mang với những tin tức, quy định cập nhật nay thế này, mai thế khác. Có một chuyện khôi hài là theo luật, mọi người không được phép ra ngoài dù là tập thể dục như đi bộ, chạy bộ. Tuy nhiên nếu một người dắt chó đi dạo thì lại được phép theo kiểu “một kèm một”. Thế nên đã có người có thú nuôi… cho thuê thú nuôi của mình cho những ai có nhu cầu ra ngoài trời hóng gió “hợp pháp” sau những ngày cắm trú ngột ngạt ở nhà.

Về dư luận xã hội nói chung cũng rơi vào lúng túng vì một mặt không hề muốn những con số liên quan dịch bệnh tăng cao phi mã, một mặt lại băn khoăn lo lắng cho nền kinh tế đang đi xuống rất nhanh. Báo chí đưa tin có những gia đình người nhập cư chỉ còn có thể nấu ăn hai ngày một lần. Tôi nhìn thấy những người gốc Phi dắt chiếc xe đạp cọc cạch của họ thất thểu ngoài đường, gõ cửa những gia đình giàu có hay những công ty, công xưởng với mong muốn tìm một việc lặt vặt gì đó để làm như cắt cỏ, vệ sinh nhà cửa. Dù lương theo giờ cho những việc này rất thấp, nhưng có lẽ họ cũng chỉ mong thế để có tiền mua thực phẩm sống qua ngày. Cũng có người nhấn chuông nhà tôi chỉ mong xin chút gì đó để ăn. Khi ấy, tôi thật sự đau lòng.

* Những nỗ lực mới

Ban đầu Tây Ban Nha rất thiếu thốn khẩu trang phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người nhưng hiện nay tình hình đã khá hơn. Trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu lửa (đã giảm tần suất hoạt động 30%) người dân bắt đầu được phát khẩu trang phòng tránh virus lây lan.

Trong siêu thị luôn có những vạch phân cách để mọi người không đứng quá gần nhau. Dung dịch khử trùng, bao tay có sẵn cho khách hàng sử dụng. Các mặt hàng như: sữa, giấy vệ sinh... dồi dào, không còn khan hiếm nữa. Tôi có kinh nghiệm nhớ đời khi ban đầu chủ quan không dự trữ thực phẩm vì nghĩ không thiếu. Nhưng vào những ngày đầu thực hiện lệnh cách ly, tôi đã không thể mua được sữa cho cậu con trai hơn 20 tháng tuổi của mình uống.

Các mặt hàng như: bia, rượu, bánh snack ăn dặm… hiện nay bán rất chạy. Có vẻ sau 1 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, mọi người bắt đầu “chán nản” và chỉ muốn tiệc tùng bù đắp. Phần cũng vì mùa xuân đã đến và khí hậu miền Nam Âu rất đẹp. Đây thường là mùa cao điểm bắt đầu bùng nổ du lịch ở Tây Ban Nha. Thế nhưng hiện thời thì chắc không thể đón bất cứ du khách nội lẫn ngoại nào, cho đến khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn.

Công việc của chồng tôi vẫn ổn định vì có thể tiếp tục làm việc tại nhà, chỉ có điều các chuyến công tác của anh trì hoãn hết. Anh cho biết rất buồn và lo lắng vì hiện nay các gói hỗ trợ phát triển kinh tế cho các nước đang phát triển như Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam và các nước kém phát triển từ các tổ chức quốc tế có nguy cơ chấm dứt rất đáng tiếc vì Covid-19. Lúc này đây chỉ có việc nấu ăn, làm vườn và cùng ngồi ăn kem với con trai làm chồng tôi vui vẻ và thư giãn cơ mặt hơn. Tôi cảm thấy yêu hơn trái đất và cuộc sống này khi nhìn những người thân thương còn nở những nụ cười bên que kem. Và hiểu rằng mỗi chúng ta đừng bao giờ chủ quan với dịch bệnh, cũng như hãy luôn luôn trân quý mái ấm gia đình của mình. Sau tất cả, mùa xuân đến thì hoa sẽ nở ở vườn nhà, giúp ta thêm yêu cuộc sống.          

            Hồ Bích Ngọc

Tin xem nhiều