Từ cuối năm 2022 đến nay, kinh tế toàn cầu suy giảm dẫn đến lạm phát, biến động tỷ giá, lãi suất tăng cao, người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm chi tiêu.
Từ cuối năm 2022 đến nay, kinh tế toàn cầu suy giảm dẫn đến lạm phát, biến động tỷ giá, lãi suất tăng cao, người tiêu dùng buộc phải tiết kiệm chi tiêu. Trên thị trường toàn cầu, những mặt hàng thiết yếu được người tiêu dùng ưu tiên mua nhiều hơn, còn các mặt hàng khác nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đa số DN FDI tại Việt Nam có vốn lớn, khả năng cạnh tranh cao nên sức chống chịu với khó khăn bền bỉ hơn so với DN trong nước.
Tại Đồng Nai cũng như cả nước, DN có vốn đầu tư trong nước đa số có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ nên khi gặp những tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, khả năng chịu đựng thường kém hơn. Khoảng nửa năm nay, đa số DN trong nước phải đối mặt với gánh nặng thiếu đơn hàng, tỷ giá biến động, lãi suất tăng cao và nhiều ngân hàng thắt chặt cho vay. Do đó, nhiều DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ rơi vào tình trạng “khát” vốn để đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh, đợi cơ hội phục hồi.
Tuy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các gói tín dụng lớn lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng, hạ lãi suất cho vay từ 1-2%/năm và ưu tiên cho DN sản xuất, xuất khẩu nhỏ và vừa, nhưng DN nhỏ và vừa rất khó tiếp cận được các gói vay này, bởi không đáp ứng được các điều kiện đi kèm là tài sản thế chấp. Thực tế, nếu có tài sản thế chấp thì khâu định giá và cho vay vốn của các ngân hàng thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản. Vì vậy, phần lớn các DN nhỏ và vừa chỉ vay vốn được từ ngân hàng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu. Số tiền còn thiếu, DN buộc phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: của người thân, bạn bè và đôi khi từ các tổ chức, cá nhân với lãi suất cao. Việc này khiến các DN có vốn đầu tư trong nước đã khó lại càng thêm khó và giảm khả năng cạnh tranh để giữ thị phần ở thị trường nội địa và nước ngoài.
Nhiều DN cho biết, rất mong tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường kết nối DN với ngân hàng để thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay, nếu DN tiếp cận được gói vay ưu đãi để mua nguyên liệu duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, tìm thêm thị trường tiêu thụ thì sẽ giảm nguy cơ phải dừng hoạt động hoặc giải thể. Như vậy, vào quý III, IV-2023, khi tình hình bớt khó khăn, DN sẽ có cơ hội trở mình, phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều DN cũng kiến nghị ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua để thị trường nội địa phục hồi thêm cơ hội cho DN sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Uyển Nhi