Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán căn cơ để giảm lệ thuộc

10:11, 10/11/2022

5 tỷ USD là số tiền Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong năm 2021. Và chỉ trong 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp đã chi trên 4 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

5 tỷ USD là số tiền Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong năm 2021. Và chỉ trong 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp đã chi trên 4 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhiều năm nay, sự lệ thuộc vào nguyên liệu TĂCN nhập khẩu đã trở thành một nghịch lý quen thuộc. Ngành chăn nuôi trong nước càng phát triển, sự lệ thuộc này càng lớn. Với bất kỳ biến động nào của thị trường thế giới, ngành chăn nuôi Việt Nam bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức.

3 yếu tố khiến giá TĂCN trong 2 năm vừa qua tăng phi mã (theo thống kê, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng TĂCN trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào) là chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và gần đây là tỷ giá USD tăng mạnh. Giá TĂCN tăng “đánh” thẳng vào chi phí và lợi nhuận của người nuôi do TĂCN đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 65-70% chi phí sản xuất.

Muốn có sự ổn định về giá và về nguồn cung, bắt buộc phải có cách tính toán căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết tận gốc sự lệ thuộc nhập khẩu này. Nhìn bề ngoài, ngành công nghiệp sản xuất TĂCN của Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh với sự tham gia của nhiều tập đoàn nổi tiếng trong và ngoài nước. Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất TĂCN hỗn hợp, có công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, nghịch lý tiếp tục xuất hiện khi nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp này gần như lệ thuộc vào nhập khẩu. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2021, sản lượng nguyên liệu TĂCN cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, nhưng trong đó có đến 65% phụ thuộc nhập khẩu.

Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho nghịch lý “một quốc gia nông nghiệp mà lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu TĂCN quá lớn” trong suốt hàng chục năm qua. Trong đó, sự manh mún của các vùng nguyên liệu, sự thiếu đồng đều về chất lượng, sản lượng không đủ, giá cả trồi sụt… là những yếu tố chính khiến doanh nghiệp sản xuất TĂCN “chuộng” nhập khẩu hơn là đi tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Vậy nên để giải quyết vấn đề này, cần những “bệ đỡ” thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, đất đai manh mún cũng là trở ngại lớn trong việc phát triển vùng nguyên liệu TĂCN. Để có diện tích đủ lớn, cần có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Ngoài ra, các chính sách khác về vốn, thủ tục, đầu ra sản phẩm… cũng là những điều cần phải quan tâm giải quyết ngay từ đầu nếu muốn xử lý căn cơ sự lệ thuộc này.

Với giá TĂCN tăng cao như hiện nay và cả tương lai lâu dài về sau, việc phát triển các vùng nguyên liệu bắp, đậu nành là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu và từ đó ngành chăn nuôi trong nước mới thực sự có sự phát triển bền vững, hiệu quả.

Vi Lâm

Tin xem nhiều