Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng tránh thiệt hại do ngập nước

11:09, 07/09/2022

Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa. Một trong những nỗi lo của người dân hiện nay, nhất là người dân ở các đô thị lớn như TP.Biên Hòa, chính là "điệp khúc" ngập nước tại một số khu dân cư và nhiều tuyến đường lớn, nhỏ trong thành phố.

Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa. Một trong những nỗi lo của người dân hiện nay, nhất là người dân ở các đô thị lớn như TP.Biên Hòa, chính là “điệp khúc” ngập nước tại một số khu dân cư và nhiều tuyến đường lớn, nhỏ trong thành phố. Trong khi nhiều điểm ngập cũ chưa được xử lý xong lại xuất hiện thêm một số điểm ngập mới, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như tình hình an toàn giao thông khi lưu thông lúc trời mưa to, gió lớn, đường ngập nước.

Theo UBND TP.Biên Hòa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất hiện nhiều điểm ngập mới tại TP.Biên Hòa, nhưng đáng quan tâm nhất là các nguyên nhân chủ quan như: tình trạng rác thải chưa được thu gom triệt để dẫn đến ứ đọng ngay các hố ga; tình trạng lấn chiếm các rạch, suối ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên… Đây là những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu ý thức của mỗi người dân được nâng cao. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là trong thời gian qua, những vi phạm về môi trường; tình trạng san lấp suối, ao, hồ để phân lô, bán nền diễn ra phổ biến tại các phường, xã của TP.Biên Hòa.

Do đó, bên cạnh các giải pháp về quy hoạch hạ tầng đô thị; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án chống ngập, các cơ quan chức năng của thành phố cần chú trọng nhóm giải pháp nâng cao ý thức người dân trong việc để rác đúng nơi quy định; chấp hành quy định về xây dựng, không xây dựng lấn chiếm dòng chảy, mương thoát nước chung. Ngoài công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cũng cần kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Song song đó, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan (có thể dẫn đến mưa lớn kéo dài, Thủy điện Trị An xả lũ liên tục), các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần thường xuyên triển khai các phương án ứng phó, kỹ năng thoát nạn cho người dân ở những vùng, khu vực thường xảy ra ngập cục bộ để người dân nơi đây chủ động di dời đến nơi an toàn, có cách bảo vệ tài sản, vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt là có biện pháp phân luồng, hỗ trợ người dân khi lưu thông qua khu vực ngập sâu, tránh xảy ra những vụ tai nạn trôi người, trôi xe như những năm về trước.

Mấu chốt của giải pháp chống ngập vẫn ở khâu thoát nước và ý thức người dân. Khâu thoát nước có thể sẽ được khơi thông bởi những dự án, chương trình chống ngập; còn như xả rác bừa bãi ra đường như hiện nay thì sẽ vẫn còn ngập và hậu quả là người dân đô thị phải gánh đủ.

Đặng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều